Biên phòng - Chỉ chừng 30 phút từ trung tâm huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), men theo tỉnh lộ 681, sau đó là quốc lộ 14C khoảng 16km trên cung đường trải nhựa phẳng lỳ, chúng tôi đã có mặt tại xã biên giới Quảng Trực. Biên giới giờ đây đã “gần” hơn rất nhiều nhờ hệ thống giao thông phát triển cực nhanh trong vài ba năm trở lại đây. Điều này không chỉ giúp cho việc lưu thông trên địa bàn trở nên thuận lợi, mà còn đóng vai trò “đòn bẩy” phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản giúp cho bộ mặt nông thôn xã biên giới Quảng Trực khởi sắc hơn. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, vẫn còn đó đôi điều trăn trở…

Từ bước đột phát về cơ sở hạ tầng…
Với tổng diện tích gần 560km2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức được nhiều người biết đến với những “cái nhất”, đó là xã rộng nhất, có đường biên giới dài nhất và khó khăn bậc nhất tỉnh Đắk Nông. Mặc dù vậy, khó khăn không có nghĩa là hệ thống cơ sở hạ tầng không được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ mà ngược lại, đây là địa phương có diện mạo tương đối phát triển.
Trước đây, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã Quảng Trực chủ yếu là đường đất, mưa xuống thì lầy lội, nắng lên là bụi mù trời. Việc đi lại của người dân bằng phương tiện thô sơ như xe máy còn khó chứ chưa nói đến câu chuyện lưu thông vận tải hàng hóa. Điều này tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân, khi mà giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì ở… “trên trời”, còn giá nông sản bà con làm ra lại “kịch đáy” do chi phí vận chuyển quá lớn.
Đây là “điểm thắt” lớn nhất kìm hãm sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng giao thông cần được đặt lên hàng đầu. Theo thống kê, đến cuối năm 2021, đã có khoảng 80% trong tổng số 100km đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Quảng Trực được nhựa hóa, bê tông hóa giúp cho việc lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn khi tham gia giao thông được bảo đảm, tai nạn ít xảy ra trên các tuyến đường liên xã, liên thôn so với trước đây. Ông Điểu Toi, Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực chia sẻ với chúng tôi: “Việc đầu tư, kiên cố hóa các tuyến đường không chỉ thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, mà ngay đến cả chuyện ra đồng, đi làm nương, làm rẫy của bà con, trẻ nhỏ đến trường cũng trở nên nhanh hơn, an toàn hơn…”.
Không chỉ hoàn thiện mạng lưới giao thông, các công trình hạ tầng khác cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đặc biệt, từ các nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, nguồn lực huy động đóng góp dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình, dự án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021, xã Quảng Trực đã triển khai xây dựng 31 công trình (xây mới và sửa chữa nâng cấp) với tổng nguồn vốn 20,35 tỷ đồng đã tạo nên diện mạo nông thôn biên giới phát triển.
… Đến sự chung tay góp sức từ những người lính
Bên cạnh sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo nên diện mạo tươi mới cho vùng nông thôn biên giới Quảng Trực, không thể không nói đến những đóng góp rất lớn từ các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn. Riêng Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông, từ trước đến nay đã triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho xã Quảng Trực với tổng nguồn vốn hàng chục tỷ đồng.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo 3 đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn cùng với cán bộ tăng cường và các đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bon, đảng viên phụ trách hộ gia đình bám sát địa bàn, kịp thời tham mưu, đề xuất, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh trên mọi lĩnh vực, cũng như hỗ trợ nhân lực giúp bà con lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Ở bon Bu Prăng 2, khu dân cư biên giới mới được tái lập và cũng là bon người dân tộc thiểu số M’nông được BĐBP Đắk Nông nhận kết nghĩa đỡ đầu, những người lính Biên phòng ngày đêm bám trụ, vừa tập trung tuyên truyền giúp bà con ổn định cuộc sống, vừa đồng hành giúp đỡ các gia đình nghèo, người yếu thế.
Ông Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2 cho biết: “Để triển khai dự án tái định cư bon Bu Prăng 2, BĐBP Đắk Nông cùng với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ bà con di dời nhà cửa, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Với đồng bào M’nông, để làm được việc này là rất khó và tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều gia đình ra đây rồi nhưng vẫn quay trở về bon cũ, nên có thể nói, vai trò của BĐBP mà trực tiếp là Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng hết sức quan trọng. Cuộc sống trong bon giờ đã cơ bản ổn định, nhưng anh em vẫn đồng hành mỗi ngày để giúp đỡ, hỗ trợ bà con…”.
Cùng với BĐBP tỉnh, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn như Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức; Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) thường xuyên hỗ trợ nguồn nhân lực, giúp người dân xã Quảng Trực lao động sản xuất, cũng như tham gia đầu tư hạ tầng vùng dự án kinh tế kết hợp quốc phòng, tổ chức định canh, định cư cho những hộ thuộc diện di dân kinh tế mới theo kế hoạch của địa phương.
Còn đó đôi điều trăn trở
Sự phát triển đi lên của xã Quảng Trực là điều rất dễ nhìn thấy qua diện mạo (dù mới chỉ là những bước đi đầu tiên) của vùng nông thôn mới. Với việc thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích để có thể phát triển một cách bền vững hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui nói trên, vùng biên nơi cuối trời Nam Tây Nguyên vẫn còn đôi điều trăn trở, trong đó, đáng kể nhất chính là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao. Theo kết quả điều tra, tính đến cuối năm 2021, xã Quảng Trực có 30,8% hộ nghèo và 15,17% hộ cận nghèo, chủ yếu rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Nguyên nhân được nhận diện là rất nhiều: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường làm cho năng suất, sản lượng cây trồng chủ lực giảm sút, giá cả đầu ra xuống thấp. Bên cạnh đó, trình độ canh tác của bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn hạn chế, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Tuy nhiên, nguyên nhân căn cơ nhất đó là chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đơn cử như cây mắc ca, xã Quảng Trực là một trong những địa phương có lợi thế nhất để phát triển loại cây được mệnh danh là “ông hoàng của các loại hạt” này. Mặc dù vậy, việc canh tác vẫn còn manh mún, sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ bán thô, chưa có nhiều mô hình hợp tác xã sản xuất, chế biến sâu (như Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Quảng Trực) dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư tạo nguồn sinh kế cho bà con chưa thực sự đa dạng, tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai, nhất là đất sản xuất vẫn còn diễn ra, khiến cho sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững.
Giải quyết tốt những “điểm thắt” nêu trên, chắc chắn xã biên giới Quảng Trực sẽ vững bước hơn trên con đường phát triển.
Thái Kim Nga