Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Nỗi niềm môn Lịch sử

Biên phòng - Ngay khi điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2020 được công bố, một trong những thống kê khiến nhiều người chú ý là Lịch sử tiếp tục là môn thi có điểm trung bình thấp nhất, với gần 47% bài thi có điểm dưới trung bình.

Các chuyên gia giáo dục không bất ngờ trước thông tin trên, thậm chí còn ghi nhận sự tiến bộ trong phổ điểm môn Lịch sử năm 2020 so với kỳ thi trước (năm 2019 có tới 70,01% bài thi điểm dưới trung bình); điểm trung bình đạt 5,19 điểm (năm 2019 là 4,3; năm 2018 là 3,7). Đặc biệt, có 371 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử, gấp nhiều lần các năm 2017, 2018 và 2019 gộp lại.

Như vậy, sau rất nhiều đề xuất, thực trạng giảng dạy, học tập và thi cử ở bộ môn này, vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Đáng lo ngại hơn cả là chúng ta đang chứng kiến một bộ phận thế hệ trẻ của Việt Nam không thể có nổi một lượng kiến thức lịch sử mang tính cơ bản của quốc gia.

“Lỗ hổng” này thực sự tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước, với nguyên tắc cốt lõi: Hội nhập nhưng không đánh mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

Lịch sử là một bộ môn khoa học xã hội góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức công dân, góp phần chấn hưng dân tộc, đất nước. Đối với giáo dục, môn lịch sử còn là dạy làm người, dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn phẩm giá, nhân cách con người, giúp trang bị cho học sinh, sinh viên hành trang bước vào đời một cách vững chắc, thiết thực và hiệu quả. Xã hội càng hiện đại và phát triển, hàm lượng giá trị lịch sử và văn hóa của một dân tộc càng cần được đề cao và tôn vinh.

Việt Nam đã đưa môn Lịch sử vào trong hệ thống thi cử bắt buộc. Thế nhưng, cứ sau mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì nỗi niềm, trăn trở về môn Lịch sử lại được nhân lên bội phần.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, học sinh ngày nay vẫn yêu và quan tâm đến lịch sử, nhìn rộng ra là người dân Việt Nam ai cũng yêu nước, quan tâm đến lịch sử và văn hóa dân tộc. Vấn đề là chúng ta chưa biết khơi dậy tình yêu cảm tính ấy thành tình yêu duy lý, nên nhiều người thờ ơ với học lịch sử, chưa biết ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Và cũng vì cứng nhắc trong việc dạy và học lịch sử hiện nay đã khiến người học nhanh chóng quên đi các dấu mốc lịch sử chói lọi, các bài học lịch sử giá trị...

Nhiều ý kiến cho rằng, lịch sử khó trở thành môn học hấp dẫn nếu học sinh chưa nhận thức đầy đủ: Học lịch sử để làm gì? Do vậy, các nhà hoạch định chính sách, những nhà làm giáo dục cần đổi mới tư duy trong giảng dạy, truyền đạt, nhất là sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Lịch sử sẽ được cởi trói trước quan niệm môn chính, môn phụ khi chúng ta đổi mới toàn diện nền giáo dục nhà trường. Trong đó, thầy cô giáo đóng vai trò quyết định. Ngoài ra, việc tuyên truyền, định hướng tốt trong gia đình cũng không kém phần quan trọng. Cha mẹ sẽ là những người thầy đầu tiên dạy các em yêu lịch sử dân tộc. Còn ở góc độ quản lý nhà nước, chúng ta cần thực hiện tốt chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đề ra.

Thi lịch sử đạt kết quả kém ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng và để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO