Biên phòng - Nguồn lực lao động qua đào tạo ví như động lực của nền kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ đã đề ra hàng loạt chiến lược đào tạo nghề cho người dân ở miền núi, nông thôn và thành thị. Một số trường cao đẳng nghề đang nhập giáo trình, máy móc ở nước ngoài về để đào tạo lao động chất lượng cao. Tỉnh Khánh Hòa đang “cháy” nguồn lực lao động, nếu như không giải được bài toán lao động, nhiều công trình xây dựng hàng nghìn tỉ đồng có nguy cơ không tuyển được lao động làm việc.
Bài 1: Gian nan đào tạo nghề nông thôn

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai đề án đào tạo nghề nông thôn với tổng mức kinh phí 25.000 tỉ đồng. Từ cái “bầu sữa” lớn này, các tỉnh bắt đầu bằng mọi cách để tuyển sinh, mở các lớp học nghề bậc sơ cấp ngay tại xã, phường. Tỉnh Khánh Hòa có lớp tự nguyện thì học “ngon lành”, còn lớp “ép học” để lấy thành tích thì đối phó là chủ yếu.
Lần mò mãi, tôi cũng tiếp cận được lớp học nghề thú y tại xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh. 7 giờ 30 phút thứ Bảy, tôi có mặt tại UBND xã Vạn Phú, thấy vắng không có học viên nào, ngồi chờ đến 8 giờ thì có lác đác mấy học viên đi vào và mang theo 4 con gà sống, tôi kéo họ lại ngồi ghế đá trò chuyện:
- Hôm nay, có nhậu hay sao mà có mấy con gà tơ ngon thế?
- Gà đó để lớp thực hành tiêm thuốc, mổ ra xem nội tạng chẩn đoán bệnh, sau rồi tính tiếp - Ông Dương Nỡ, ngồi đối diện tôi phân trần.
- Sao các anh đi học không mang theo sách, tài liệu gì?
- Thầy có phát tài liệu, đang để ở nhà. Học sơ cấp nghề, chủ yếu học thực hành, ghi chép nhiều nhức đầu lắm, lại khó hiểu.
Lấy chuồng gà làm “giảng đường”
8 giờ 30 phút, thầy giáo (bác sĩ thú y Võ Xuân Thông) đến, đi quanh tìm chỗ học thực hành gồm “bàn mổ” gà, bàn để dụng cụ đồ nghề thú y. Buổi học bắt đầu. Thầy giáo dùng bơm tiêm và mấy ống nước cất hướng dẫn cách lấy thuốc, sau đó gọi một số người lên làm thực hành. Tiếp đó, thầy giáo đưa con gà lên bàn, hỏi các học viên: “Bây giờ tiêm ở vị trí nào?”. Người trả lời tiêm ở đùi, người nói ở cánh. Rồi thầy tiêm mẫu, sau đó các học viên lên chen nhau tiêm vào con gà. Lát sau, thầy gọi người bắt gà, thu gọn đồ lên xe máy chạy đi. Thấy lạ quá, tôi hỏi một học viên:
- Tại sao không học mà vác gà đi đâu vậy?
- Về nhà mổ gà, đây không mổ được.
Tôi cũng phóng xe chạy theo thầy. Tấp vào nhà của học viên để gà ở sân, bác sĩ Thông nói to: “Mời các anh, chị đi bộ ra thăm một trại gà, xem họ làm đúng hay làm sai. Rồi ta về học mổ gà”. Đến trại gà của ông Nguyễn Thanh Phương (học viên lớp học) đang nuôi khoảng 1.000 con gà thịt, mọi người vào tận chuồng gà. Bác sĩ Thông nói: “Đây là chuồng nuôi gà với số lượng lớn, làm tương đối tốt. Phía dưới nền rải trấu nên không bị hôi, không bị ẩm ướt; phía trên có gắn quạt, có máng để thức ăn, nước uống... Nuôi kiểu như thế này, một người có thể nuôi mấy nghìn con gà, trừ đi mọi chi phí, một tháng cũng kiếm được gần 10 triệu đồng tiền lãi.Anh chị nào có thắc mắc gì cứ hỏi, tôi hướng dẫn tại đây. Học ở chuồng gà là nhanh hiểu và nhớ lâu nhất?”... Kết thúc thời gian học thực tế tại chuồng gà, giáo viên yêu cầu học viên quay về nhà ông Phương để học thực hành chẩn đoán bệnh của gà, thông qua mổ kiểm tra từng bộ phận nội tạng. Bác sĩ Thông vừa mổ, vừa nói: “Phổi có màu đẹp như thế này là không có bệnh hô hấp. Đây là cái ruột già, nó bị sưng to, chứng tỏ gà đang bị bệnh về đường tiêu hoá...”.
Qua tìm hiểu “lý lịch” của các học viên, tôi được biết, đa phần họ đã lớn tuổi (từ 40 đến 65 tuổi), trong đó có những ông chủ có trại gà vài ngàn con, trại heo vài chục con, hộ ít cũng đã nuôi 20-100 con gà thả vườn. Đa số họ đều ham học, ham tìm hiểu để biết thêm kiến thức và đi học đầy đủ. “Lâu nay, dân vùng này nuôi gà, nuôi heo theo kiểu dân gian, truyền miệng nhau. Qua học lớp thú y, chúng tôi biết được cách phòng dịch hiệu quả, cách nuôi gà đạt năng suất cao. Nếu có vốn tôi sẽ mở trang trại nuôi gà” – Ông Võ Phụng Anh chia sẻ.
Chua chát vận động mở lớp học
Đào tạo nghề lao động nông thôn có 2 phân khúc. Nghề nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân tỉnh chịu trách nhiệm mở lớp giảng dạy. Nghề phi nông nghiệp do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Tỉnh giao chỉ tiêu học nghề xuống cấp huyện, huyện dồn về UBND xã, phường, thị trấn triển khai. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... là những tổ chức chủ công đi vận động người ra lớp đào tạo nghề lao động nông thôn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa mở đầu cuộc trao đổi:

- Hôm vừa rồi, huyện tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 về đào tạo nghề nông thôn, cả 18 xã và thị trấn chưa tổ chức được lớp nghề nào. Ai lên phát biểu cũng kêu khó đi vận động đủ số lượng người ra lớp học.
- Lẽ ra, với một xã nông nghiệp như Diên Toàn sẽ có nhiều người theo học lớp đào tạo lao động, nguyên nhân ở đâu mà không mở lớp được? - Tôi hỏi.
- Năm trước, xã đã mở được lớp nấu ăn, làm đủ mọi cách, vừa năn nỉ, vừa hù dọa, mấy bà mới đăng ký đủ sĩ số để mở lớp. Thời gian học mà gặp đài truyền hình chiếu những bộ phim hay, thì lớp chỉ đi học lèo tèo vài người. Năm nay, xã xin mở lớp nấu ăn tiếp. Mấy ông trên tỉnh không cho, họ nói học không hiệu quả, rốt cục về chỉ nấu cho chồng con ăn thôi.
- Dân trong xã cần nhiều việc làm, chứ đâu nhất thiết nấu ăn?
- Có mở lớp học phụ hồ, may..., nhưng có “ma” nào tới học đâu. Phụ hồ cần gì phải học, họ đi xuống công trình, người ta bảo xúc bao nhiêu cát, rồi đổ vô mấy xẻng xi măng, rồi bưng gạch, vác đá..., ngày kiếm hơn 200.000 đồng. Chiều về được mấy ông thầu mời chút nhậu nữa. Học may, ở khu công nghiệp họ tuyển lao động phổ thông, vào nhà máy họ vừa dạy, vừa làm, được trả lương theo ngày. Theo học lớp nghề sơ cấp 3 tháng tại xã, cầm giấy chứng nhận trên tay không kiếm được việc làm.
Tình trạng khá phổ biến ở nông thôn hiện nay, các bạn có ý chí học tập tốt sẽ đi học đại học ở xa; thấp thì học trường cao đẳng, trung cấp nghề. “Số còn sót lại tại địa phương là những em làm biếng thì nhiều, học và lao động thì ít. Mời được số này vào các lớp học nghề tại xã là cả một hành trình gian nan” – Ông Trần Duy Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên An, Diên Khánh nói. Theo ông Linh, đất sản xuất nông nghiệp của xã Diên An được xếp vào loại “bờ xôi ruộng mật” đã bị đô thị hóa và mở đường gần hết. Vì lẽ đó, lao động trong xã cũng cần được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm.
Bài 2: Dân “sợ” trường trung cấp nghề
Hải Luận