Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Nỗi lo từ biến thể Omicron

Biên phòng - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết, 89 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron của Covid-19, gióng lên hồi chuông báo động về sự phát triển của biến thể này. Đáng lo ngại hơn, nhiều nước có Omicron ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng tăng gấp đôi cứ sau từ 2 đến 3 ngày. Thậm chí, ở những nước có mức độ miễn dịch cộng đồng cao cũng ghi nhận mức tăng mạnh. WHO cảnh báo, Omicron sẽ nhanh chóng “vượt mặt” biến thể Delta để giành vị trí“thống trị” số ca nhiễm ở mỗi quốc gia.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York, Mỹ vào ngày 19-12. Ảnh: REUTERS

Omicron đang khiến Chính phủ Anh có thể phải tái áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch “cứng rắn” trong dịp đón năm mới. Tính đến cuối tuần trước, Anh ghi nhận đến hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày với mức tăng khoảng 44% số ca nhiễm/tuần. Giáo sư Ben Cowling - Nhà dịch tế học nổi tiếng của Anh cho rằng, một “làn sóng” lây nhiễm Omicron lớn có thể “bùng nổ” vào tháng 1 năm 2022 mà hầu như không thể ngăn chặn được. Tái áp dụng các biện pháp mạnh về y tế công cộng là cách duy nhất làm chậm tốc độ lây lan.

Bày tỏ sự bi quan trước Omicron đang thống trị Thủ đô London, Anh, Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết, việc phải áp dụng các lệnh hạn chế “mạnh tay” sẽ là điều không thể tránh khỏi và hàng loạt ngành nghề tại thành phố này đang trên bờ vực sụp đổ. Bên cạnh sự gia tăng tổng số ca nhiễm, số ca nhiễm ở mức phải nhập viện cũng tăng gần 30% so với tuần trước. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm chủng vaccine Covid-19.

Sự “càn quét” của Omicron đang khiến các nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới trên khắp châu Âu tạm đình trệ, dù vốn rất khó khăn mới đạt được. Thủ tướng Pháp Jean Castex đã ví sự lây lan của Omicron ở châu Âu nhanh như là “tia chớp”. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, Omicron sẽ “thống trị” ở Pháp ngay từ đầu năm tới.

Chính phủ nhiều nước châu Âu đã phát đi thông điệp kêu gọi người dân hết sức cẩn trọng với Omicron, đồng thời tái áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, nổi bật như: Pháp và Áo thắt chặt hạn chế đi lại; Đan Mạch dừng các hoạt động vui chơi giải trí; Ireland áp đặt lệnh giới nghiêm 8 giờ tối;... Đặc biệt nhất là Hà Lan, quốc gia châu Âu duy nhất hiện nay đã áp dụng lệnh giãn cách xã hội ngay đúng dịp Giáng sinh và năm mới vì “làn sóng” dịch lần thứ 5 gây ra bởi biến thể Omicron. Ở Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Y tế Marta Temido cho biết, tỷ lệ nhiễm Omicron ở nước này khoảng 20% nhưng dự báo của cơ quan chức năng là 50% vào Giáng sinh và 1 tuần sau đó là 80%.

Tại Mỹ, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne nhìn nhận, dịch bệnh trong năm 2021 tồi tệ hơn năm 2020 khi số ca nhiễm và tử vong tăng gấp 3 lần. Dù chưa ghi nhận mức độ gia tăng số ca nhiễm Omicron khủng khiếp như châu Âu, song, chính phủ nước này nhận định, biến thể này sẽ sớm lan rộng. Nhìn về những ngày tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cảnh báo rằng, nước Mỹ sẽ phải đối diện với mức độ bệnh dịch nghiêm trọng hơn với nguy cơ tử vong cao hơn ở những người chưa tiêm chủng. Ông Biden nhấn mạnh, dịp năm mới sẽ là thời điểm Omicron lan truyền nhanh hơn nên người dân hãy tiêm đủ vaccine vì đây là cách duy nhất để bảo vệ bản thân và gia đình.

Dù Omicron ngày càng đe dọa sức khỏe toàn cầu nhưng dữ liệu nghiên cứu về biến thể này vẫn rất hạn chế. Các cơ quan y tế chưa nghiên cứu đủ dữ liệu phân tích mức độ lây lan so với các biến thể trước, khả năng miễn dịch, hiệu quả cụ thể của từng loại vaccine đối với Omicron,.... Dẫu vậy, các nhà khoa học y tế chỉ ra rằng, các trường hợp nhiễm được ghi nhận đều có diễn biến bệnh nhẹ. Song, việc lây nhiễm nhanh sẽ gây ra áp lực rất lớn đối với các hệ thống y tế và đe dọa đến nguồn nhân lực y tế khi rủi ro nhân viên y tế nhiễm bệnh cao hơn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO