Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 12:36 GMT+7

Nỗi lo “biến mất” nghề đan mây truyền thống

Biên phòng - Lớn lên bên mâm cơm truyền thống của người Hà Nhì, ông Ly Giờ Lúy, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bảo rằng, chiếc mâm thân thuộc với ông đến mức nhìn nó sẽ thấy ngon miệng hơn. Có điều, trang thiết bị của đời sống hiện đại đang hiện hữu ngày càng nhiều trong từng gia đình nơi đây. Chiếc mâm truyền thống có nguy cơ biến mất trong mỗi nếp nhà người Hà Nhì. Chứng kiến điều đó, ông Lúy, người đã trải qua 64 mùa xuân bên chiếc mâm truyền thống chẳng thể vui.

Ông Lúy là một trong số ít người Hà Nhì ở xã Y Tý còn giữ nghề đan mâm truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên

Tôi tới nhà ông Lúy đúng dịp đồng bào dân tộc Hà Nhì đón Tết truyền thống. Cô con gái lớn của ông nhanh nhẹn dọn mâm cơm đãi khách. Đồ ăn truyền thống của người Hà Nhì trong ngày Tết chủ yếu chế biến từ thịt lợn. Trên mâm có cả bánh giày, xôi tím, nấm xào, chè gừng... được bày biện rất đẹp mắt và hấp dẫn. Thế nhưng, điều khiến tôi chú ý lại là chiếc mâm mây thâm bóng màu bồ hóng, có lẽ tuổi đời cũng không ít. Hình dáng chiếc mâm gần giống với chiếc trống đồng, bề mặt tròn, đường kính khoảng 1m. Mâm có chân đế rất vững. Chiều cao của mâm khoảng 50cm. Chiếc mâm là một phần không thể thiếu đối với người Hà Nhì đen ở Y Tý. Nó vừa là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, vừa được dùng để bày đồ cúng trong tất cả các nghi lễ cúng tế trong năm của người Hà Nhì.

Dùng cơm xong, ông Lúy mời tôi vào gian bếp uống nước trà để xua cái lạnh do sương xuống trong đêm ở vùng biên được coi là lạnh nhất tỉnh Lào Cai. Với người Hà Nhì, gian bếp có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt chung, gắn kết các thành viên trong nhà với nhau. Nhiều gia đình ăn cơm ngay bên cạnh bếp. Trên gác bếp nhà ông Lúy có hai chiếc mâm mây, một chiếc đã làm xong, còn một chiếc mới đang được hoàn thiện phần chân đế. Ông lấy cả hai chiếc xuống cho tôi xem. “Mâm mây khi đan xong phải gác trên bếp để cho lên màu. Bồ hóng sẽ như một lớp sơn giúp cho nan mây dẻo dai, không bị mọt” - ông Lúy giải thích cho tôi hiểu vì sao phải để mâm trên gác bếp.

Ông Lúy năm nay 64 tuổi, hiện là một trong số ít người ở Y Tý vẫn tự tay đan mâm cơm truyền thống của người Hà Nhì cho con cháu dùng và bán cho bà con dân bản. Ông bảo, nguyên liệu để làm một chiếc mâm đều từ thiên nhiên, bao gồm: Mây, trúc, tre, sệ, giang. “Những cây rừng đó giờ không còn có nhiều như ngày trước, phải rất vất vả mới lấy được. Trước đây, mỗi lần vào rừng, tôi phải đi tới 4-5 tiếng đồng hồ, đến tận khu vực rừng xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để lấy. Đường đi nhiều dốc cao, từ mốc 85 đi lên tận đỉnh núi mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới có cây mây. Phải chọn những cây già, dẻo, dai chắc nhất trong rừng. Giờ thì, nguyên liệu làm mâm ngày càng khan hiếm, tuổi càng cao, tôi phải đặt mua dây mây tận dưới Tuyên Quang.” - Ông Lúy chia sẻ.

Các công đoạn đan một chiếc mâm mây rất công phu. Làm thuần thục như ông Lũy nhanh cũng 8 ngày mới hoàn thành một chiếc mâm trong điều kiện đã có đủ các loại nguyên liệu. “Đầu tiên, phải đan vành mâm, sau đó là chân mâm và sau cùng là đan bàn mâm - đây chính là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người đan phải tỉ mẩn và khéo léo. Nếu không cẩn thận thì không thể ghép kín bàn mâm với chân mâm được. Điều này đòi hỏi người đan phải thật khéo tay, đan vòng của chân và mâm đều nhau mới khớp được. Bàn mâm phải đan 3 lớp. Trước khi đan phải chuốt nan trúc và dây mây thật bóng thì mâm mới đẹp” - ông Lúy cho biết.

Ngắm nhìn chiếc mâm cơm của người Hà Nhì, có thể thấy rằng, kỹ thuật đan mâm rất tinh tế. Có thể ví mỗi chiếc mâm là một tác phẩm nghệ thuật bởi những họa tiết, hoa văn đẹp mắt được tạo dựng bằng kỹ thuật đan tay rất tinh xảo. Đi kèm với mỗi chiếc mâm là bộ ghế ngồi cũng được đan tay bằng mây, tre và trúc. Ngoài mâm cơm, ghế ngồi, ông Lúy còn biết đan gùi, rổ, rá bằng mây, tre phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.

Hiện nay, giá mỗi chiếc mâm mây từ 1,5 đến 2 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một chiếc mâm nhôm đúc giống hệt kiểu dáng bán ngoài chợ, vì vậy mà một số hộ gia đình sẵn sàng mua mâm nhôm về dùng thay vì chiếc mâm truyền thống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chiếc mâm cơm truyền thống của người Hà Nhì ngày càng thưa vắng dần trong cộng đồng người Hà Nhì ở Y Tý.

Trời càng khuya càng lạnh, giọng ông Lúy càng nhỏ dần, buồn bã: “Bây giờ, không còn nhiều người biết đan mâm. Trong xã hiện chỉ còn có vài người như ông Ly Hờ Suy, Chu Thó Se, Phu Giờ Lù, Sò Giờ Vù, Phu Dé Lúy, Ly Ché Đo biết đan mâm truyền thống của người Hà Nhì. Thanh niên bây giờ ít người để ý đến việc học đan. Lớp người chúng tôi mà về với tổ tiên thì có lẽ nghề đan mâm sẽ không còn ai biết đến. Người Hà Nhì mà không dùng chiếc mâm của mình thì còn đâu là người Hà Nhì nữa”.

Nỗi lo của ông Lúy không phải là không có cơ sở. Nhịp sống hiện đại mang lại nhiều điều thuận lợi và văn minh cho đồng bào nơi đây, nhưng cũng khiến văn hóa, phong tục của bà con phai nhạt đi ít nhiều. Ông Lúy bảo rằng, mỗi lần nhìn thấy người Hà Nhì thay mâm mây bằng chiếc mâm nhôm bán nhan nhản ngoài chợ, lòng ông lại nặng trĩu nỗi buồn lẫn âu lo.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO