Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Nơi khơi nguồn văn hóa đọc của cán bộ và nhân dân biên giới

Biên phòng - Nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ cũng như thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trên địa bàn biên giới, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, BĐBP An Giang đã nỗ lực tìm tòi nhiều mô hình công tác dân vận. Trong đó, mô hình “Phòng đọc biên giới” được triển khai tại UBND xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới.

Các em học sinh Trường Tiểu học A Nhơn Hưng, xã Nhơn Hưng đọc sách tại “Phòng đọc biên giới”. Ảnh: Hữu Toán

Giá trị thiết thực từ mô hình

Đồn Biên phòng Nhơn Hưng được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý địa bàn 2 xã Nhơn Hưng và An Phú, huyện Tịnh Biên, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí, nhận thức còn thấp. Hơn nữa, việc tiếp cận thông tin của lực lượng tuyên truyền viên trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bất cập, điều này làm cho khu vực biên giới do đơn vị quản lý luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, nếu công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân không được chú trọng.

Trước thực trạng trên, để giải quyết vấn đề thiếu thông tin, kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn, vào cuối tháng 11/2017, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng đã phối hợp với UBND xã Nhơn Hưng tổ chức khảo sát và triển khai thành lập mô hình “Phòng đọc biên giới”, với mục đích sẽ xây dựng nơi đây trở thành địa điểm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của đông đảo cán bộ và nhân dân biên giới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn phụ trách.

Đặc biệt, mô hình được thực hiện ngay khi Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021” được triển khai và hiện nay, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng đang tiếp tục triển khai Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” thì vai trò của mô hình “Phòng đọc biên giới” càng có ý nghĩa, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Đại úy Võ Văn Toán, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nhơn Hưng cho biết: “Với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và Thư viện tỉnh An Giang, sau gần 5 năm hoạt động, hiện tại, “Phòng đọc biên giới” đã có 3 tủ sách, trong đó, có 1 tủ sách pháp luật và 2 tủ sách các loại với hơn 3.000 đầu sách (chưa kể báo, tạp chí) ở nhiều lĩnh vực, từ pháp luật, kinh tế, chính trị đến văn hóa, văn nghệ, giải trí, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu các tài liệu, sách báo của cán bộ và người dân địa phương”.

Phối hợp từ nhiều phía

Để duy trì có hiệu quả mô hình “Phòng đọc biên giới”, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng và UBND xã Nhơn Hưng đã thành lập Ban quản lý phòng đọc, có nhiệm vụ quản lý, theo dõi việc cho mượn, trả và cập nhật biến động các đầu sách. Đồng thời, tổ chức phân công cán bộ được phụ trách phòng đọc có nhiệm vụ phân loại các tài liệu, sách pháp luật hết hiệu lực, bổ sung các ấn phẩm, sách báo mới đảm bảo kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và người dân trên địa bàn.

Cán bộ hưu trí xã Nhơn Hưng đến đọc sách tại “Phòng đọc biên giới”. Ảnh: Hữu Toán

Bên cạnh đó, Ban quản lý “Phòng đọc biên giới” còn liên kết với các trường học trên địa bàn, tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý cho học sinh của nhà trường đến để tìm hiểu với các thông tin mới mà nhà trường chưa có điều kiện truyền tải, qua đây giúp các em có thể trau dồi thêm nguồn kiến thức ngoài đời sống để áp dụng vào việc học một cách có hiệu quả.

Thầy giáo Trần Tấn Bửu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc cho biết: “Việc cho các em học sinh đến “Phòng đọc biên giới” để tìm hiểu các loại sách, báo, tạp chí mới sẽ giúp cho các em nâng cao kỹ năng đọc hiểu, trau dồi thêm các kiến thức mới ngoài chương trình giảng dạy của giáo viên. Hiện tại, để tiếp tục duy trì hoạt động bổ ích này, nhà trường đã phối hợp với các đoàn thể địa phương kêu gọi ủng hộ thêm các đầu sách, báo, góp phần xây dựng các tủ sách tại phòng đọc đa dạng về nội dung các ấn phẩm, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của học sinh nhà trường cũng như cán bộ, người dân trên địa bàn”.

Đặc biệt, trong những năm qua, “Phòng đọc biên giới” luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ hưu trí, các bậc lão thành cách mạng đến đọc sách, tìm hiểu các ấn phẩm báo chí. Là một trong những người bạn thân thiết của “Phòng đọc biên giới”, ông Nguyễn Tấn Chức, cán bộ hưu trí xã Nhơn Hưng cho biết: “Đối với cán bộ hưu trí chúng tôi, đến “Phòng đọc biên giới” không chỉ là thói quen, mà còn là một cách duy trì, giữ gìn văn hóa. Tại đây, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu các văn bản pháp luật mới được ban hành, đồng thời, giúp chúng tôi kết nối với cuộc sống sôi động bên ngoài thông qua các ấn phẩm báo chí. Hơn nữa, đến với phòng đọc, tôi còn được gặp gỡ anh em, bè bạn, vừa trò chuyện, vừa trau dồi kiến thức, qua đó, giúp tôi sống vui, sống khỏe và sống có ích cho xã hội”.

Theo bà Huỳnh Thị Trang, cán bộ quản lý “Phòng đọc biên giới”, do nhu cầu tìm hiểu các loại sách, báo, tạp chí pháp luật của người dân ngày một cao, ngoài tiếp nhận các đầu sách từ cấp trên phân bổ về phòng đọc, Ban quản lý đã tổ chức các đợt thiện nguyện quyên góp sách cũ, sách mới từ các nguồn trong và ngoài địa bàn, đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, tổ chức thêm các cuộc thi thuyết trình về sách hay, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức xã và cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng có cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của “Phòng đọc biên giới”.

“Phòng đọc biên giới” xã Nhơn Hưng không chỉ mang tri thức, ánh sáng văn hóa đến với người dân, mà còn góp phần hình thành thói quen đọc sách, gìn giữ văn hóa đọc cho mọi người. Thông qua việc xây dựng “Phòng đọc biên giới” đã góp phần tạo không gian đọc cũng như văn hóa đọc trong trường học, cộng đồng dân cư, khuyến khích mọi người tích cực tìm hiểu thông tin, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nguồn thông tin, tài liệu quan trọng này còn giúp đội ngũ cán bộ xã, tuyên truyền viên các cấp có điều kiện khai thác hiệu quả nguồn thông tin, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, làm nền tảng vững chắc xây dựng khu vực biên giới ngày một vững mạnh.

Nhằm tìm kiếm, tôn vinh và góp phần nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” năm 2022. “Phòng đọc biên giới” tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vinh dự là một trong 10 mô hình tiêu biểu đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi này.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO