Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:17 GMT+7

Noi gương theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là một nhà báo vĩ đại. Noi gương Bác, những người làm báo trong Quân đội luôn tích cực học tập, rèn luyện để trở thành những nhà báo có bản lĩnh, trí tuệ và giàu nhiệt huyết. Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), các phóng viên Báo Biên phòng đoạt Giải Báo chí Quốc gia và các cuộc thi báo chí trong năm 2019 đã có những chia sẻ về việc học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

d0rl_8-1

Đại tá, nhà báo Nguyễn Đăng Bảy: Các thế hệ làm Báo Biên phòng và bản thân tôi đã học được ở Bác rất nhiều. Trước hết, người làm báo phải có cái tâm trong sáng, phải gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng, với nghề nghiệp. Mỗi khi tác nghiệp, tôi đều học theo 6 đặc trưng phong cách làm báo của Bác Hồ, đó là: Viết báo phải có đủ căn cứ, viết phải sát đối tượng, viết ngắn gọn, giản dị, viết phải sinh động, lôi cuốn và khiêm tốn. Mỗi lần đi cơ sở, tôi luôn chú trọng khai thác, viết bài nêu gương những người tốt, việc tốt, lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực. Tôi cũng rất thẳng thắn trong phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống... 

Loạt 3 bài “Xây "cột mốc lòng dân" nơi đại ngàn Tây Nguyên” đoạt giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2018 được nhóm tác giả chúng tôi (Nguyễn Đăng Bảy, Đình Kháng, Hồ Đăng) lên kế hoạch và triển khai thực hiện trong vòng 3 tháng. Để hoàn thành bài viết, chúng tôi đã làm một vệt công tác dài ngày, từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Cùng với việc tới các đồn Biên phòng, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để tới các bản làng, gặp từng hộ dân để thấy họ làm, nghe họ nói và tận mắt thấy cuộc sống của người dân. Những hình ảnh xúc động về tình quân dân trên biên giới đã để lại nhiều cảm xúc giúp chúng tôi hoàn thành loạt bài này.

krht_8-2

Thiếu tá, nhà báo Lê Văn Luận: Bác Hồ viết một cách rất dễ hiểu, đề cao vấn đề thực tiễn. Học phong cách làm báo của Bác nên trong quá trình làm báo, tôi luôn đi vào thực tiễn với những mô hình mới, những con người có ý chí vươn lên. Khi viết báo, Bác luôn đi vào trực diện có gì nói nấy, dùng câu từ dễ hiểu. Tôi đã học được ngôn từ và phong cách của Bác. Trước khi viết, tôi phải xem họ nói, tìm hiểu thật kỹ, đúng như nó vốn có, cố gắng tìm ra được những chi tiết rồi chắt lọc, xây dựng thành bài viết mang hơi thở của cuộc sống. 

Trong cách phê bình, chỉ đạo hay hướng dẫn mọi người, Bác Hồ luôn nhẹ nhàng, nói có tình, có lý, nhưng Bác cũng rất cứng rắn với những đơn vị, những người quan liêu. Trong viết báo, học Bác, tôi không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những vụ việc đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Loạt bài phóng sự “Uy lực” giữa Biển Đông” đăng trên phụ trương An ninh biên giới đã đoạt giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2018, là “cái kết” câu chuyện của tôi luôn gắn bó mật thiết với ngư dân. Cả cuộc đời họ lao động sản xuất trên biển, có muôn vàn hình ảnh, chi tiết chứa chan lòng người. Với vai trò người làm báo, tôi đã sử dụng “vũ khí” của mình để dần khơi ra được những câu chuyện độc đáo. Khi ngư dân đã thấy tin tưởng nhà báo, họ sẽ nói ra những câu chuyện sâu thẳm, mà cả cuộc đời họ luôn “treo” ở đầu ngọn sóng. Tình yêu mãnh liệt của nhà báo “đặt” ở câu chuyện nào, sẽ được bạn đọc trân trọng đón nhận và ghi nhận”.

g8ke_8-3

Thượng úy, nhà báo Nguyễn Viết Lam: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn đề cao tính chân thực của vấn đề, sự kiện, nhân vật trong tác phẩm báo chí. Khi viết về nhân tố điển hình, sẽ cố gắng lột tả được những đóng góp của nhân vật, điển hình cho cuộc sống, xã hội, tuy nhiên không vì thế tô hồng, nói quá. Đối với những vấn đề tiêu cực, tồn tại trong xã hội, tôi luôn cố gắng thu thập đầy đủ số liệu, thông tin để đưa sự việc đến với dư luận một cách khách quan nhất. Nhưng cũng không áp đặt chủ quan, quy kết và cố gắng định hướng dư luận theo hướng tích cực, vì cái chung của xã hội. 

Đề tài của tôi đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức năm 2019 là cán bộ BĐBP, thầy giáo quân hàm xanh đang công tác tại địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Với cá nhân tôi, họ không chỉ đang thực hiện nhiệm vụ được giao mà họ hành động với tấm lòng, tâm huyết, chấp nhận hi sinh cho sự tiến bộ, vươn lên, đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở địa bàn khó khăn, gian khổ. Tác phẩm của tôi được hoàn thiện trên cơ sở ghi chép tỉ mỉ, chân thực làm nổi bật những đóng góp của nhân vật đối với nhân dân, học trò nơi biên giới trong cả quá trình dài công tác. Chính vì lẽ đó, tôi tin rằng tác phẩm của mình đã làm lay động được trái tim người đọc, được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao.     

u04v_8-4

Nhà báo Lê Đồng: Vừa qua, loạt 3 bài “Nóng bỏng tội phạm mua bán người qua biên giới” của tôi và phóng viên Thái Kim Nga đã đoạt giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Đề tài phản ánh về hoạt động của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới thời gian qua đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đáng lên án hơn cả là bọn tội phạm sẵn sàng lừa bán cả chính người thân của mình để kiếm tiền, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, nạn nhân vẫn luôn đau đáu nỗi oán hận người thân, cam chịu mà không dám tố giác tội phạm... Vì những bất công, sự chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, tinh thần của những phụ nữ đang phải chịu nhiều thiệt thòi nên chúng tôi đã quyết tâm chọn đề tài mua bán người.

Học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã dày công nghiên cứu hồ sơ các vụ án, kiên trì gặp gỡ các nhân chứng, nạn nhân để lấy tư liệu. Qua đó, đưa đến bạn đọc những thông tin xác đáng về vấn nạn mua bán người trên khu vực biên giới, đồng thời đề xuất những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này và được dư luận đánh giá cao.

Nguyên Thanh (Thực hiện)

Bình luận

ZALO