Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Nơi dòng Sê San “uốn mình” sang đất bạn

Biên phòng - Phà 8, dốc Bò, ngã ba Suối Đôi là những địa danh nằm trên cung đường tuần tra biên giới do Đồn Biên phòng (BP) Ia Chía, BĐBP Gia Lai quản lý. Đây cũng là một trong những điểm cuối của con sông Sê San trước khi “uốn mình” trên ghềnh đá chảy sang đất bạn Campuchia.

Chỉ huy Đồn BP Ia Chía trao tặng vật chất y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Ảnh: Thái Kim Nga

Với vài thông tin ngắn gọn như thế để hình dung việc quản lý, bảo vệ đoạn biên giới nằm gọn trên sông Sê San chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với đơn vị có tuổi đời còn rất trẻ như Đồn BP Ia Chía. Đó là chưa nói đến địa bàn đứng chân vốn một thời được ví như trung tâm của cái gọi là “Tin lành Đề Ga” trên khu vực biên giới…

Đồn trên núi - biên giới trên sông

Kỷ niệm nhớ nhất trong tôi về Đồn BP Ia Chía, đó là ngày tôi trở lại đất Tây Nguyên làm phóng viên thường trú đúng vào dịp đơn vị này chính thức được thành lập (ngày 4-3-2002). Hồi đó, giữa 3 mặt là “núi trập trùng núi”, “rừng ngút ngàn rừng” và mặt còn lại là con sông Sê San cuồn cuộn trên ghềnh đá, “nghiêng mình” đổ sang đất bạn Campuchia.

Anh Phan Đình Thành, Đồn trưởng đầu tiên của Đồn BP Ia Chía thường nói vui mà cũng rất thật với tôi: “Ở đây, đồn thì tít trên núi, còn đường biên giới thì ngập dưới lòng sông. Lính BP vừa phải biết trèo, vừa phải biết lội (bơi) để có thể bám trụ thực hiện nhiệm vụ...”. Thật ra, Đồn trưởng nói cho nhẹ nhàng vậy thôi, chứ thử thách ấy chỉ là “khúc dạo đầu” cho chuỗi ngày gian nan, vất vả, mà đôi khi đã chạm đến giới hạn sức chịu đựng của con người.

Thế hệ đầu tiên của Đồn BP Ia Chía (đã 20 năm về trước) chắc sẽ không bao giờ quên những ngày đầu vác ba lô lên núi, căng bạt dựng lều ở tạm sát bên con suối Ia Mun (nay là khu tăng gia sản xuất của đồn). Ngày đó, rừng còn nguyên sinh, lính BP đến ở chỉ làm đúng 3 việc trong một ngày, đó là: sáng đi tuần tra, chiều tăng gia sản xuất, còn tối về là... “ôm tủ lạnh”. Thật ra, thời điểm đó, sốt rét cũng đã phần nào được kiềm chế, nhưng vì rừng sâu, mà người mới, nhà lại tạm thì tránh sao được chuyện chưa kịp bung quần áo (sốt) đã phải kéo kín mền (rét).

Ban đầu, Đồn BP Ia Chía được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới 12,4km nằm trên sông Sê San. Đây là khu vực được đánh giá có địa hình hiểm trở, phức tạp bậc nhất trên khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai, với hệ thống sông, suối, núi đồi chằng chịt, mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn. Việc đi lại, cơ động lực lượng và bảo đảm lương thực, thực phẩm gặp vô vàn khó khăn.

Ở trong cảnh “đồn trên núi, biên giới trên sông”, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường, vừa củng cố nơi ăn chốn ở, vừa đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Nhiều đồng chí còn mang cả cây, con giống từ quê nhà lên đơn vị để “chuồng thêm đàn, giàn thêm hoa”, từng bước cải thiện đời sống, khắc chế những bất lợi đến từ tự nhiên.

Những ngày đầu tiên ấy, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng là vấn đề hết sức nan giải do hầu hết cán bộ, chiến sĩ được điều động từ các đơn vị khác, chưa kịp thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu và địa hình. Anh em vừa phải tập trung xây dựng cơ bản, củng cố doanh trại cơ sở vật chất, vừa đẩy mạnh tuần tra, bảo vệ biên giới và quản lý xây dựng địa bàn. Mặc dù vậy, vượt qua tất cả, lính BP bên con sông Sê San “uốn mình” chảy sang đất bạn vẫn luôn bám trụ vững vàng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Kiên trì, uyển chuyển trong xây dựng, quản lý địa bàn

Ngay sau ngày thành lập, Đồn BP Ia Chía phải tập trung đấu tranh với các hoạt động của phản động FULRO núp bóng dưới cái gọi là “Tin lành Đề Ga”, cũng như đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, tuyên truyền phòng chống vượt biên trái phép.

Đây có thể nói là giai đoạn cam go, thử thách nhất, bởi trên địa bàn xã Ia Chía, nhóm đối tượng mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi, được sự chỉ đạo, hậu thuẫn của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO lưu vong đã tăng cường củng cố lực lượng ngầm, hình thành khung chính quyền phản động và những đường dây tổ chức, đưa đón người vượt biên trái phép sang Campuchia. Cùng với đó là hoạt động vi phạm quy chế biên giới săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, trộm cắp cũng diễn biến hết sức phức tạp.

Trước tình hình đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Đồn BP Ia Chía đã triển khai toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch phòng chống vượt biên, xâm nhập, phòng chống tội phạm... Đồn thường xuyên cử cán bộ chỉ huy trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các đội công tác thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.

Một trong những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đồn BP Ia Chía trong giai đoạn từ năm 2004-2008, đó là trực tiếp tham gia 2 chuyên án nghiệp vụ mang bí số G804 và H905 do Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai xác lập, nhằm đấu tranh phá rã khung chính quyền ngầm của bọn phản động FULRO do Puih Hem và “nữ quái” Puih Blat cầm đầu ở 6 làng trên địa bàn xã Ia Chía và đấu tranh ngăn chặn hoạt động câu móc vượt biên trái phép. Kết quả, 5 nhóm “Tin lành Đề Ga” cùng hàng trăm lượt đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý (trong đó, có 3 đối tượng bị đưa ra truy tố trước pháp luật).

Đây có thể nói là trận tuyến không tiếng súng, nhưng cực kỳ nóng bỏng và dai dẳng, bởi các nhóm “Tin lành Đề Ga” trên địa bàn xã Ia Chía giống như khối ung nhọt, “nặn rồi lại mọc”, vừa ngoan cố chống phá chính quyền, vừa gây mất đoàn kết, chia rẽ ngay trong cộng đồng dân tộc mình. Riêng “nữ quái” Puih Blat, với bản chất ngoan cố, phản động, đã liên tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng và nhiều lần công khai thách thức pháp luật.

Sau nhiều lần răn đe, nhắc nhở và đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân nhưng không thành, ngày 11-4-2008, Đồn BP Ia Chía đã phối hợp với Công an huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) tiến hành bắt giữ Puih Blat và 2 tên cầm đầu khác của nhóm “Tin lành Đề Ga” tại làng Bang, thu giữ nhiều tài liệu phản động.

Tình hình an ninh địa bàn từ đó mới thực sự được giữ vững và ổn định. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống ung nhọt “Tin lành Đề Ga” vẫn âm thầm diễn ra một cách dai dẳng, thử thách tính kiên trì, lòng quyết tâm của những người lính BP bên dòng sông Sê San. Mãi đến tháng 4-2014, khi Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, vận động số đối tượng “Tin lành Đề Ga” trên địa bàn xã Ia Chía trở về sinh hoạt đạo Tin lành miền Nam Việt Nam thì những phức tạp về an ninh chính trị mới thực sự được vãn hồi.

Đội công tác địa bàn của đồn phối hợp với lực lượng tăng cường từ Bộ Chỉ huy thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, tổ chức hơn 600 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc các đối tượng để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hàng trăm ngày công lao động sản xuất, cũng như xử lý, giải quyết nhiều vụ việc còn tồn đọng trong cộng đồng.

Có thể nói, sự bền bỉ, linh hoạt trong giải quyết các điểm nóng và tình yêu thương, trách nhiệm của người lính Đồn BP Ia Chía đã từng bước chuyển hóa địa bàn, góp phần xây dựng vùng biên giới bên dòng sông Sê San ngày càng ổn định và phát triển. Hình ảnh người chiến sĩ BP ngày đêm tận tụy đồng hành với buôn làng, mạnh mẽ, cương quyết trong đấu tranh chống các loại tội phạm, nhưng cũng rất đỗi gần gũi, thân thương trong lòng nhân dân chính là tài sản quý giá để xã Ia Chía vững bước tiến về phía trước.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO