Biên phòng - Trấn giữ mảnh đất biên giới nơi đầu nguồn sông Hậu, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, BĐBP An Giang luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, các anh còn có nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia với người dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Tuần tra trên sông
Ba giờ sáng, khoác chiếc áo chống lạnh của bộ đội, quấn thêm cái khăn rằn, tôi theo Đại úy Nguyễn Phước Tới, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình và tổ công tác đi tuần tra biên giới. Khởi hành từ cổng sau của đồn, chiếc vỏ lãi chầm chậm đưa chúng tôi xuôi theo dòng Bình Di - một nhánh nhỏ của sông Hậu, ôm trọn huyện đầu nguồn An Phú. Đại úy Tới nói, phải chạy chậm thì mới quan sát được ghe, thuyền và các dấu hiệu khả nghi của các đối tượng. Trên biên giới, dọc theo sông Hậu, có khúc sông rộng trên 300m. Ngược lại, dọc theo sông Bình Di, nhiều đoạn rất hẹp, chỉ chừng 100m đổ lại. Khu vực này dân cư hai bên sinh sống đông đúc, nên các đối tượng rất dễ lợi dụng việc giăng câu, đánh cá để vận chuyển hàng lậu hoặc đưa đón người xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép. Năm qua, đơn vị đã nhiều lần phát hiện, thu giữ hàng lậu được cột vào phao, can nhựa thả trôi sông. Lúc dịch Covid-19 căng thẳng, đã có nhiều đối tượng XNC trái phép bằng cách ôm phao bơi qua sông như người nhái... “Chỉ cần mình sơ hở vài phút là đối tượng đã có thể bơi từ bên này qua bên kia biên giới và ngược lại, nên anh em ở các tổ, chốt không một phút lơ là, nhất là vào ban đêm” - Đại úy Tới cho biết.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý đoạn biên giới dài 15,6km, trong đó, có 12km chạy dọc sông (gần 10km chạy dọc sông Hậu và trên 2km chạy dọc sông Bình Di). Người dân hai bên vốn có quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, nên vẫn thường qua lại mua bán, thăm thân, trao đổi hàng hóa. Một số đối tượng đã lợi dụng vấn đề này để lén lút vận chuyển, mua bán hàng lậu hoặc tiếp tay, tổ chức đưa đón người qua lại biên giới trái phép với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Những năm trước kia, địa bàn do đơn vị quản lý được coi là phức tạp của tỉnh An Giang về an ninh trật tự, buôn lậu và XNC trái phép.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, đơn vị thường xuyên duy trì 40 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch (PCD) với 487 người tham gia (trong đó, BĐBP 147 đồng chí, lực lượng khác 340 đồng chí). Trong năm 2021, đơn vị đã độc lập và phối hợp bắt 5 vụ/5 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 5g Methamphetamin và trên 7kg heroin; bắt 13 vụ/5 đối tượng, thu giữ 50kg đường cát, 7.170 gói thuốc lá ngoại các loại, trị giá hàng hóa khoảng 200 triệu đồng. Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cũng phát hiện, bắt 580 vụ/1.152 đối tượng có hành vi XNC trái phép; xử lý vi phạm hành chính 982 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 3,1 tỷ đồng.
Theo Đại úy Tới, do đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều tổ, chốt trên biên giới cũng như thường xuyên tiến hành tuần tra, ngăn chặn nên thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu đã giảm nhiều. Đã 6 tháng nay, chưa có vụ buôn lậu lớn nào bị triệt phá trên tuyến biên giới Long Bình.

Đón Tết trên sông
Chiếc vỏ lãi chở tổ tuần tra cứ thế lặng lẽ đi trong đêm. Thấy có gì khả nghi hoặc khi gặp ghe, thuyền đi qua, những chiếc đèn pin mới được bật lên, sáng lóa. Đã là những ngày giáp Tết, nên dường như ai cũng có vẻ vội vàng, nhịp chèo có vẻ nhanh hơn, tiếng máy trên các ghe, thuyền cũng như có vẻ to hơn, rộn rã hơn. Thế nhưng, khi tổ công tác Biên phòng yêu cầu dừng lại để kiểm tra, mọi người đều vui vẻ chấp hành. Một số người còn cung cấp cho bộ đội một số thông tin về các dấu hiệu khả nghi mà họ bắt gặp trên đường đi...
Gần 5 giờ sáng, chúng tôi ghé thăm anh em đang làm nhiệm vụ ở Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và PCD số 16, tại ấp Tân Hòa, thị trấn Long Bình. Trên chiếc bè cá nằm cặp bờ sông Hậu (của người dân cho mượn) làm nơi đóng chốt, gió tảng sáng thốc vào lành lạnh. Trung úy Bùi Văn Dũng, Chốt trưởng nói: “Lúc nào chúng tôi cũng bố trí người gác, nhưng mấy hôm nay gió thổi mạnh, trời lại lạnh nên anh em dậy sớm hơn, tiện thể nhóm thêm cái bếp, vừa tranh thủ đun nước, vừa ngồi sưởi ấm”. Đại úy Tới nói, phần lớn các tổ, chốt của đơn vị đóng nhờ nhà của các hộ dân hoặc các bè cá, ghe thuyền neo đậu trên sông. Do tính chất công việc, nên anh em ăn uống, sinh hoạt tại chỗ để đảm bảo trực canh gác 24/24 giờ. Chốt nào chật hẹp không nấu nướng được thì sẽ nấu nhờ các chốt khác.
Khúc sông nơi trú quân của Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và PCD số 16 khá rộng, khoảng gần 300m, trống gió nên đêm xuống thường trở lạnh. Về mùa mưa thì vất vả hơn, gió thổi mạnh, mưa tạt, nước sông dâng cao, chiếc bè lúc nào cũng dập dềnh nên khó có giấc ngủ ngon. Ban ngày tuần tra, nắng cháy da, đêm gác, trời lại trở lạnh, nhưng mọi người trên chốt dù là chiến sĩ Biên phòng hay các đồng chí thuộc lực lượng phối hợp cũng luôn khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và PCD mà thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động an sinh xã hội để hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa, người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó, đã tổ chức tốt các hoạt động như: “Tổ đi chợ giúp dân”; “Gian hàng 0 đồng”; “Chuyến xe chia sẻ yêu thương”...; tặng các hộ dân nghèo trong địa bàn trên 65.000 khẩu trang y tế, 2.000 chai nước sát khuẩn, hơn 2.000 phần quà, tổng trị giá trên 360 triệu đồng. Nghĩa cử cao đẹp đó đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch.
So với số anh em trên chốt, Trung úy Bùi Văn Dũng là “lính cựu”, gắn bó với bè cá này từ đầu mùa dịch đến nay. Đã 7 tháng nay, Trung úy Dũng và Đại úy Nguyễn Lê Chung, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh An Giang chưa được về thăm nhà. Hay như anh Thôi Thiện Đức, Dân quân thị trấn Long Bình, nhà cách chốt chưa tới 2km, nhưng cũng 3 tháng nay chưa một lần về thăm gia đình.
Nhắc chuyện Tết, Chốt trưởng Dũng nói, anh cưới vợ năm 2019, nhưng chưa một lần đưa vợ về thăm quê mình ở Thanh Hóa. “Từ khi có dịch, tôi cùng anh em lên chốt cho đến nay luôn. Mà đến khi hết dịch, chúng tôi cũng bám trụ ở biên giới thôi, BĐBP mà. Ở đồn hay ở chốt cũng vậy, vất vả, gian nan riết cũng quen. Chỉ mong là mau hết dịch để thỉnh thoảng còn được về nhà chơi với con, ăn bữa cơm vợ nấu”... Trung úy Dũng háo hức khi nhắc đến không khí Xuân: “Tết ở miền Nam nắng ấm, không lạnh như ngoài Bắc. Tết này, tôi sẽ nhờ vợ nấu một nồi thịt kho tàu và một nồi canh khổ qua nhồi thịt thật bự gửi lên chốt, vì đây là “món ruột” mà tôi rất thích”.
Mùa Xuân của lính Biên phòng đơn giản vậy thôi, mộc mạc, dễ thương như màu xanh áo lính vậy!
Đăng Bảy