Biên phòng - Chiến tranh đã lùi xa nhưng cho đến giờ vẫn còn rất nhiều người đang phải gánh chịu nỗi đau do bom mìn, vật liệu còn sót lại sau chiến tranh. Có những người dân bình thường, sau một tiếng nổ bất thình lình đã mất đi một bộ phận cơ thể, thậm chí bị tước mất sự sống. Những tiếng nổ sau chiến tranh thậm chí tước mất cả một tương lai tươi sáng của những em nhỏ không may vướng phải bom mìn.

Mất mạng vì bom mìn
Trong những năm gần đây, có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân, phải hứng chịu nỗi đau nặng nề do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đó là những người trong một gia đình ở thôn Tà Lương, thị trấn vùng cao Tô Hạp, huyện miền núi Khánh Sơn, Tỉnh Khánh Hòa. 7 tháng trước, vào ngày 18-8-2017, một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà anh Bo Bo Xếp. Khi tới khu vực phát ra tiếng nổ, người dân kinh hoàng phát hiện người nằm la liệt máu me bê bết. Vụ nổ khiến 6 người chết, trong đó có hai cháu nhỏ (10 tuổi và 3 tuổi) con của anh Bo Bo Xếp, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân vụ nổ sau đó được cơ quan chức năng xác định là do gia đình bị nạn cưa đầu đạn 105mm để lấy thuốc nổ và vỏ đạn bán phế liệu.
Chúng tôi gặp anh Vàng Mí Phồng, dân tộc Mông tại ngôi nhà nhỏ ở thôn Pao Mã Phìn- một thôn giáp biên xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Anh Phồng vốn là một người lành lặn, thế nhưng trong một lần đi làm nương, chỉ sau một tiếng nổ lớn, thân thể anh đã không còn nguyên vẹn do cha mẹ ban tặng.
Nhắc lại chuyện cũ, đôi mắt anh đượm buồn: “Lần đó, tôi đi làm ở sát biên giới. Đang đi, tôi bỗng nghe tiếng nổ lớn, thấy đau nhói ở chân. Tôi ngất đi một lúc, khi tỉnh dậy thì thấy máu ở chân chảy rất nhiều. Ở trên núi cao, lại có một mình nên tôi nén đau, tự tay xé áo băng bó vết thương. Sau đó, chống gậy lết xuống núi. Lết được một đoạn là tôi phải dừng nghỉ. Khi đến khu vực thấp hơn, có sóng điện thoại, tôi mới gọi được anh em tới giúp đưa đi bệnh viện”. Dù mất khá nhiều máu nhưng anh Phồng đã được bác sĩ tận tình cứu chữa qua khỏi lưỡi hái tử thần. Điều đáng buồn là cẳng chân trái của anh bị mìn phá nát, các bác sĩ phải cắt bỏ. Vậy là từ người lành lặn, chỉ sau một tiếng nổ lớn, anh Phồng trở thành người tàn tật.
Một vụ việc khác cũng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Phú Yên vào ngày 14-5-2016. Hôm đó, tại khu vực Thác Cỏ, ven sông Ba thuộc buôn Mả Vôi, xã Đức Bình, huyện Sông Hinh, 3 thanh thiếu niên rủ nhau cưa quả bom còn sót lại sau chiến tranh để lấy sắt bán phế liệu. Trong quá trình cưa, quả bom phát nổ làm cả 3 người tử vong. Các nạn nhân đều có tuổi đời trẻ: Ksor Y Ven 24 tuổi, Ksor Y Thắng 22 tuổi và Kpá Y Long 16 tuổi.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, vào ngày 19-3-2016 cũng xảy ra một vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội làm 4 người thiệt mạng, 10 người bị thương. Vụ nổ cũng làm 36 căn hộ bị sụt nứt, hư hỏng, 6 xe máy bị cháy, 1 ô tơ bị hư hỏng. Cơ quan công an sau đó xác định đặc điểm của vật gây nổ là 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đướng kính khoảng 40-45 cm, dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg. Qua điều tra, cơ quan công an cũng xác định, trong số các nạn nhân thiệt mạng có anh Phạm Văn Cường, thuê nhà số 15-TT19 để thu mua phế liệu. Ngày 19-3, Cường nhờ một thanh niên hàng xóm lăn giúp vật có miêu tả như trên từ trong nhà thuê ra vỉ hè dùng đèn khò cắt phá khối kim loại dẫn đến vụ nổ gây ra hậu quả nặng nề như trên.
Chung tay vì một Việt Nam không còn bom đạn
Có thể thấy, mìn, vật nổ sau chiến tranh đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, tính mạng, cuộc sống, lao động sản xuất của người dân. Nó có thể tiếp tục gây hậu quả vô cùng khủng khiếp nếu không được xử lý đúng cách. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong 5 năm trước có 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Số nạn nhân của bom mìn, vật nổ được báo cáo tại các tỉnh này là 1.813 trường hợp, trong đó 919 người bị chết và 894 người bị thương. Tỷ lệ tử vong trong tổng số nạn nhân là 50,7 %. Các hoạt động dẫn đến tai nạn và nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ là do việc tìm kiếm phế liệu (chiếm 31,19%), chơi đùa nghịch (chiếm 27,55%). Có thể nói, do tính chất tự phát của các hoạt động tìm kiếm, thu gom phế liệu và do không hiểu biết về bom mìn, vật nổ nên các hành động tháo, cưa, cắt lấy thuốc nổ và vỏ kim loại của người dân rất dễ gây ra tai nạn và trở thành nạn nhân của bom mìn, vật nổ.
Điều đáng lo ngại là theo kết quả điều tra của Bộ Quốc phòng, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12-2017 ở nước ta là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước. 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ ô nhiễm khác nhau. 15 tỉnh có tỉ lệ diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất là: Quảng Ninh, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Quảng Trị. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất (81,36%).
Từ hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn và ành hưởng của ô nhiễm bom mìn vật nổ đến phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, chính phủ đã triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp để thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và tiến hành trao đổi hợp tác với các tổ chức quốc tế, các công ty chế tạo thiết bị dò tìm và xử lý bom mìn ở một số quốc gia.
Tháng 3-2018, Việt Nam đã khởi động dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bom mìn. Trong năm 2017, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ cho 151 nạn nhân bom mìn với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng triệu đồng. Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) thực hiện rà phá bom mìn được 1.100 ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200 ha tại Quảng Trị. Năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn phục vụ nhu cầu phát triển KTXH, mang lại bình yên cho cuộc sống.
Với quyết tâm mạnh mẽ làm cho đất nước ta không còn bom mìn, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (701) đã được thành lập. Tại lễ ra mắt ban chỉ đạo 701 ngày 3-4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học. Làm tốt công tác phòng tránh tai nạn, tích cực hỗ trợ nạn nhân.
Ngọc Lan