Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Nơi cuối trời Nam Tây Nguyên

Biên phòng - Quản lý địa bàn không dân, xung quanh lại được bao bọc bởi rừng phòng hộ vành đai biên giới, rừng phòng hộ Thác Mơ và vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước, nên có thể xem Bu Cháp là đồn Biên phòng (BP) xa xôi nhất của tỉnh Đắk Nông. Ở cuối trời Nam Tây Nguyên, nơi hai con suối Đắk Đam và Đắk Huýt hợp lưu rồi đổ về hướng Tây, cứ tưởng lính BP chỉ có mỗi việc tuần tra, bảo vệ biên giới, vậy mà “việc nhiều không tưởng”. Mùa nào việc đó, có khi đôi ba công chuyện trong một chuyến đi, để đất rừng biên giới được giữ nguyên hiện trạng…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bu Cháp tuần tra, bảo vệ biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

“Vừa tuần tra, vừa tăng gia, tiếp phẩm”

Tôi dõi theo bước chân vội vàng của Đại úy Mai Xuân Hợp, Chính trị viên phó Đồn BP Bu Cháp trong một cuộc “thông đường” sau cơn mưa. Năm nào cũng vậy, hễ mùa mưa đến là cây cối lại đổ trên đường tuần tra biên giới. Bất kỳ vị trí nào, từ Chốt kiểm soát 470 của Đồn BP Bu Cháp sang Đồn BP Đắk Bô (BĐBP Bình Phước) cho đến hết Vườn quốc gia Bù Gia Mập, ở đâu còn cây là ở đó vẫn còn nguy cơ ngã đổ. Ngày thường, không mấy khi có người và phương tiện lưu thông, nhưng với lính BP, đây là con đường gần gũi và thiêng liêng nhất, nó giống như huyết mạch chảy trong cơ thể của họ vậy. Trên tay Chính trị viên phó là con dao và bó măng rừng…

Nhìn bó măng rừng, tôi chợt nhớ đến những cơn mưa dầm dề nơi đất trời biên giới Tây Nguyên. Mưa nhiều thì các loại rau đều bị úng rụi, ngoại trừ măng rừng. Chính vì vậy, “thực đơn” quen thuộc mỗi ngày của lính BP trên các điểm chốt là loại sản vật này, không luộc thì xào, ăn tươi không hết thì đem muối. Không biết đây có phải là “thủ phạm” góp phần gây nên những trận sốt rừng hay không, nhưng ngày xưa, hễ mùa măng đến là y như rằng lính BP lại thay phiên nhau “ôm tủ lạnh”. Tất nhiên, tác nhân chính vẫn là môi trường ẩm ướt, muỗi vắt sinh sôi, nảy nở nhiều, trong khi điều kiện sống của lính BP ngày đó còn khó khăn, thiếu thốn thì sốt rét là điều khó tránh khỏi.

“Ở đây, anh em vừa đi tuần tra biên giới, tuần tra bảo vệ rừng, vừa tăng gia tiếp phẩm, anh ạ. Mưa nhiều quá, các loại rau trồng rất khó phát triển, nên chúng tôi tranh thủ kiếm thêm chút rau rừng về cải thiện ở chốt. Mình còn đỡ, chứ bên Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Đồn BP Đắk Bô và lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) còn xa xôi, cách trở hơn nhiều. Ngày thường, chúng tôi còn kiêm luôn cả việc tiếp phẩm cho anh em bên đó…”. Vẻ hóm hỉnh của đồng chí Chính trị viên phó ít nhiều giúp cho buổi tuần tra thông tuyến ở nơi giao nhau giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ trên đường biên giới cũng bớt quạnh hiu hơn.

Thì ra, nơi cuối trời Nam Tây Nguyên, lính BP tưởng ít việc mà việc nhiều không tưởng. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đồng nghiệp và lực lượng Kiểm lâm của tỉnh Bình Phước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điều này thì tôi có thể khẳng định vừa bằng trực quan, vừa dựa trên những con số. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn Đồn BP Bu Cháp quản lý, tuyệt nhiên không để xảy ra bất kỳ vụ việc nào liên quan đến vi phạm lâm luật. Các hoạt động đốt, phá rừng làm nương rẫy, cơi nới lấn chiếm đất rừng, săn bẫy thú rừng, khai thác lâm sản trái phép... đều bị vô hiệu hóa trước “gọng kìm” luôn trong trạng thái siết chặt của BĐBP và Kiểm lâm thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.

Riêng Đồn BP Bu Cháp, mặc dù trên địa bàn quản lý không có khu dân cư sinh sống, nhưng do lịch sử để lại, vẫn có 20 hộ gia đình ở bon Bu Krắc, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức lên đây “tạm trú” dài ngày để làm nương rẫy. Đội công tác Vận động quần chúng và lực lượng nghiệp vụ của đồn thường xuyên bám nắm tình hình, tập trung tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt quy chế biên giới, tuyệt đối không lấn chiếm đất rừng, cơi nới nương rẫy, vi phạm lâm luật. Kể từ sau ngày đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Đồn BP Bu Cháp triển khai lực lượng tuần tra, chốt chặn, kiểm soát lưu động, thường trực 24/24 giờ trên đường tuần tra biên giới, không để xảy ra bất kỳ tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép nào. Biên giới nơi cuối trời Nam Tây Nguyên luôn được quản lý, bảo vệ tuyệt đối an toàn trong cơn đại dịch.

Vững vàng nơi miền cực Nam Tây Nguyên

Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên đơn vị đang được xây dựng cơ bản, cả Thiếu tá, Đồn trưởng Lê Đức Tuy và Thiếu tá, Chính trị viên Trần Đăng Khoa đều tỏ rõ quyết tâm xây dựng Đồn BP Bu Cháp ngày càng vững mạnh, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác tăng gia sản xuất của BĐBP Đắk Nông. Mục tiêu của Đồn trưởng và Chính trị viên là sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản sẽ tăng diện tích vườn rau xanh lên 0,8ha với hệ thống tưới tiêu, giàn, lưới hiện đại, phủ xanh các loại cây ăn quả, cây lấy hạt quanh khuôn viên doanh trại. Bên cạnh đó là quy hoạch mở rộng khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình bán tự nhiên, khép kín trong khuôn viên thả vườn rộng khoảng 1ha.

Với những gì đang có, chắc chắn, mục tiêu nêu trên là không hề đơn giản, nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người lính BP nơi cuối trời Nam Tây Nguyên. Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2021, sản lượng rau xanh, củ, quả các loại từ 2 vườn tăng gia (tổng diện tích 0,3ha) của Đồn BP Bu Cháp đạt gần 9 tấn.

Cùng với đó, đồn duy trì đàn gia súc, gia cầm khoảng 200 con, trong đó, có 13 con bò, 25 con heo và chăm sóc, thu hoạch 2.500 gốc cà phê (khoảng gần 3ha), 0,7ha mắc ca, 0,5ha cây ăn quả các loại. Tổng nguồn thu từ công tác tăng gia sản xuất của đơn vị năm 2021 đạt trên 200 triệu đồng. Như vậy, với quyết tâm tăng diện tích trồng rau xanh lên gần gấp 3 lần so với hiện tại và mở rộng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm thả vườn lên đến 1ha, hứa hẹn nguồn thu từ tăng gia sản xuất của Đồn BP Bu Cháp sẽ được cải thiện rất nhiều trong thời gian tới.

Thiếu tá, Chính trị viên Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Thời gian này, đơn vị đang trong quá trình xây dựng cơ bản, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ còn tạm bợ, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù vậy, chúng tôi luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh. Riêng công tác tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ, phát huy những lợi thế sẵn có của tự nhiên và nhân lực, chúng tôi tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại cây, con thế mạnh như cà phê, mắc ca, bò, heo... Từ đó, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện tốt đời sống cho bộ đội, tạo tiền đề hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Về mặt địa lý, có thể nói, Đồn BP Bu Cháp là một trong những đơn vị xa xôi, cách trở nhất của tỉnh Đắk Nông. Ở nơi cuối trời Nam Tây Nguyên, những người lính BP đang từng ngày “vượt nắng, thắng mưa” biến những điều bất lợi thành lợi thế để xây dựng đồn BP trở thành cứ điểm vững chắc trên biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO