Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 06:31 GMT+7

Nội của lính Biên phòng

Biên phòng - Bà Võ Thị Đào nắm chặt bàn tay của Đại úy Nguyễn Ngọc Tuyển và Thiếu úy Lý Văn Tiệp rồi đưa bàn tay nhăn nheo quàng vào lưng, vào vai như tìm chút hơi ấm của tình thân. Đối với những người lính ở Đồn Biên phòng Đức Minh, BĐBP Quảng Ngãi, bà Đào giống như bà nội của anh em cán bộ, chiến sĩ.

Bà Võ Thị Đào - nội của những người lính Đồn Biên phòng Đức Minh. Ảnh: Văn Chương

Buổi chiều, trời trở gió, ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ mãi, bà Võ Thị Đào, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi lại ra trước sân, nơi hàng hoa vạn thọ đã trổ màu vàng rực ngóng về phía con đường. Có tiếng xe máy, rồi sau đó, 2 người lính ở Đồn Biên phòng Đức Minh luôn coi bà như người thân ruột thịt xuất hiện. Thiếu úy Lý Văn Tiệp vừa nhìn thấy bà đã cất giọng chào lễ phép, sau đó hỏi: “Nội ơi, nội có nhớ món thịt nướng hôm trước không?”. Nghe giọng nói ấm áp của người lính trẻ, bà vui hẳn lên, bước đi nhanh nhẹn như chưa biết đến tuổi già. Bà cầm tay Thiếu úy Tiệp rồi nói: “Hôm nào con làm bữa thịt nướng nữa, nội ăn ngon và vì vui quá nên nhớ mãi”.

Bà Đào ngồi bên cạnh Đại úy Nguyễn Ngọc Tuyển và kể lại bao câu chuyện cũ. Bà nói rằng, quê hương giải phóng mấy chục năm rồi, rừng tre rậm rạp dẫn ra biển đã được phát quang và nơi đó là nơi đứng chân của Đồn Biên phòng Đức Minh bây giờ. Thời trẻ, bà hay đi qua đồn và nhớ người cha là cụ Võ Rơm hàng ngày đi theo lối này ra biển để đánh cá, mang về nấu ăn cho anh em bộ đội. Ông bảo, nhà mình cho bộ đội ở nhiều quá, để cha ra biển kiếm chỗ dựng lều.

Vậy rồi, cụ mất khi một chiếc tàu tuần tiễu cập sát bờ và nã súng. Cụ Đinh Thị Điệt, mẹ của bà Đào đã mất khi bà còn là một cô bé, giờ tới lượt người cha qua đời, chỉ còn lại 3 chị em gái lang thang ở làng cát và cách không xa là đồn địch, suốt ngày nghe tiếng súng AR 15, rồi AK 47. Khi nghe tiếng súng, mọi người thường đồn đoán chuyện đơn vị chủ lực sẽ về làng, khi nào thì đánh trận lớn để cắt đường, nhổ bốt địch nằm cách làng không xa.

Bà Đào từng có người chồng là ông Nguyễn Mến, một cán bộ du kích ở địa phương. Ông bị thương trong một trận đánh vào năm 1972 và vết thương hành hạ nhiều năm khiến ông qua đời, trong khi vợ chồng chưa kịp sinh được một mụn con. Kể từ khi ông qua đời, bà Đào sống cuộc đời đơn chiếc trong căn nhà rộng chưa đầy 30m2 nằm giữa xóm cát. Giữa lúc bà sống cuộc đời cô quạnh, không còn nhiều người thân thích thì những người lính Biên phòng đã đến với ngôi nhà nhỏ.

Thiếu tá Hồ Văn Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đức Minh tâm tình: “Trong Quân đội phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, vì vậy, việc chăm lo cho bà Đào vừa thể hiện tình quân dân như cá với nước, đồng thời, cũng là cách đơn vị giáo dục cho những người lính về trách nhiệm với những người đi trước”.

Tại Đồn Biên phòng Đức Minh, thỉnh thoảng có món ăn ngon, cán bộ, chiến sĩ lại mang đến cho bà Đào. Tết đến gần, anh em đã tổ chức cho bà một bữa tất niên để tạo không khí ấm cúng trong gia đình. Bà Đào cảm thấy vui vô bờ bến, vì căn nhà trở nên ồn ào và đầy tiếng cười của các con, các cháu bộ đội. Ngày vui, bà Đào nhắc lại chuyện ngôi nhà ngói từng bị dột nát, cứ mỗi lần trời đổ mưa thì bà phải xuống nhà bếp tá túc. Anh em Biên phòng thấy nhà dột thì đã phối hợp cùng chị Nguyễn Thị Lệ Diễm, người thường phối hợp làm công tác từ thiện xã hội, tổ chức quyên góp để thay mái tôn, đồng thời đóng luôn la phông cho ngôi nhà của bà Đào thêm mát mẻ.

Ngày ngôi nhà hoàn thành, bà Đào cứ đi ra, đi vào rồi lại sang hàng xóm với bước chân cà nhắc để kể chuyện bộ đội leo lên nóc nhà thay ngói, bộ đội kiểm tra từng thanh xà gỗ, quét lại tường vôi, dọn dẹp nhà bếp, sửa máng nước... nên ngôi nhà kín gió và trở nên ấm áp. Bà móm mém cười và nói rằng, nhờ có sự chăm sóc của các con bộ đội nên chắc sống thọ thêm được nhiều tuổi.

Tôi đến thăm bà cũng là lúc những người lính ở Đồn Biên phòng Đức Minh vừa đến chơi. Bà nắm chặt tay 2 người lính ở đồn rồi xoa lưng, lay vai, siết chặt tay như tìm hơi ấm của tình thân. Ngày Tết cận kề, những khóm hoa vạn thọ trước nhà bà đã đơm bông vàng rộ như màu của đồng quê, rơm rạ để mong ngóng những người lính Biên phòng. Anh em tới thăm và khi ra về thì bà bước theo ra tới tận ngõ và nói: “Nội nhớ các con, mấy ngày nữa thì lại tới thăm nội nghe!”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO