Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 07:07 GMT+7

Nội chiến đe dọa Nam Xu-đăng

Biên phòng - Quốc gia non trẻ nhất thế giới Nam Xu-đăng đang chìm trong xung đột và bạo lực. Chỉ sau hơn một tuần bùng phát từ ngày 15-12-2013, xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người và làm gần 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa tại 5 trong tổng số 10 bang của nước này. Đến ngày 22-12, quân nổi dậy đã chiếm được Ben-ti-tu, thủ phủ bang U-ni-ty sản xuất dầu mỏ quan trọng và mặc dù chính quyền ở Giu-ba tuyên bố họ vẫn kiểm soát được các mỏ dầu chủ chốt đối với nền kinh tế tại bang này, song nguy cơ về một cuộc nội chiến sắc tộc ở quốc gia Đông Phi này đang gia tăng từng ngày.

24ban-1.jpg
Tổng thống S.Ki-a (đội mũ) và cựu Phó Tổng thống R.Ma-cha, hai người cùng chiến tuyến nay thành đối địch. Ảnh: Rukundo Julius
Tách khỏi Cộng hòa Xu-đăng sau nhiều thập kỷ chiến tranh, tháng 7-2011, Nam Xu-đăng đã chính thức trở thành quốc gia thứ 193 trên thế giới. Tuy nhiên, do nghèo đói và khủng hoảng, Nam Xu-đăng vẫn thường xuyên xung đột với Xu-đăng, khiến quan hệ hai bên gặp nhiều sóng gió do chưa giải quyết được việc phân định ranh giới và nguồn tài nguyên dầu mỏ. Tuy đến nay, dầu đã được khai thác và vận chuyển trở lại qua hai nước, nhưng thực tế, tranh chấp vẫn chưa thực sự được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, Chính phủ Nam Xu-đăng nhiều lần bị chỉ trích phải chịu trách nhiệm về tình trạng yếu kém về kinh tế.

Bạo lực bùng phát và leo thang

Tổng thống Xan-va Ki-a, một chính trị gia khôn ngoan, đã duy trì được vị thế hàng đầu trong nền chính trị Nam Xu-đăng từ năm 2005, mặc dù diễn ra cuộc đấu tranh quyền lực ngày càng khốc liệt trong nội bộ đảng Phong trào Giải phóng nhân dân (SPLM) cầm quyền. Tháng 7 năm nay, ông Ki-a đã tiến hành một bước đi táo bạo khi sa thải toàn bộ Nội các của mình, trong đó có cả Phó Tổng thống Ri-ếch Ma-cha, người được coi là một ứng cử viên sáng giá trong cuộc cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2015.   
 
Quyết định táo bạo đó của Tổng thống Ki-a đã bắt đầu đẩy quốc gia non trẻ với dân số chưa tới 10 triệu người này vào bất ổn và trở thành nguyên nhân châm ngòi cho một sự rạn nứt chính trị và quân đội ở Nam Xu-đăng. Mâu thuẫn bắt đầu âm ỉ từ đó và bùng phát thành bạo lực lớn vào tối 15-12, tại doanh trại quân đội ở Thủ đô Giu-ba, giữa hai nhóm binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh cộng hòa, trong đó, một thuộc bộ tộc Din-ca trung thành với Tổng thống Xan-va Ki-a và một thuộc bộ tộc Nu-ê của cựu Phó Tổng thống Ri-ếch Ma-cha.

Ngày hôm sau, Tổng thống Ki-a đã phát biểu trước quốc dân đồng bào trong trang phục quân đội, tuyên bố vừa đập tan một âm mưu đảo chính do cựu Phó Tổng thống Ma-cha cầm đầu và cuộc đấu súng đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nam Xu-đăng cũng cho biết, nhiều cựu thành viên Nội các đã bị bắt giữ và tên tuổi của họ được công bố trên trang web chính thức của Chính phủ. Ông Ma-cha, một chính trị gia kỳ cựu trong khu vực từ 30 năm nay, đã bác bỏ cáo buộc tham gia đảo chính, song lại tuyên bố đang lãnh đạo nhóm nổi dậy chống Chính phủ và cho rằng, ông Ki-a lợi dụng các cuộc đụng độ giữa các binh sĩ như là một cái cớ để trấn áp phe đối lập.

Nghiêm trọng hơn, chiến sự đã nhanh chóng lan từ Thủ đô Giu-ba ra các khu vực dầu mỏ trọng yếu như Giông-lây hay bang U-ni-ty, một trong những khu vực khai thác dầu đem lại nguồn thu chủ chốt cho đất nước nghèo khó này. Chính phủ Nam Xu-đăng đã xác nhận lực lượng nổi dậy trung thành với ông Ri-ếch Ma-cha đã chiếm giữ nhiều địa điểm trong các cuộc giao tranh với quân Chính phủ, giành được quyền kiểm soát một số mỏ dầu quan trọng. Sự việc này đe dọa cắt đứt nguồn mạch kinh tế quan trọng vốn chiếm tới gần 99% ngân sách. Chính phủ Nam Xu-đăng cũng thừa nhận đã mất quyền kiểm soát thành phố Bô-ơ thuộc bang Giông-lây đông dân và quan trọng nhất của đất nước. Đến nay, xung đột vẫn tiếp tục lan rộng và ngày càng khốc liệt hơn, đẩy quốc gia nằm lọt thỏm giữa đất liền này đến bên bờ vực nội chiến.

Quốc tế nỗ lực ngăn Nam Xu-đăng rơi vào nội chiến

Một báo cáo của Văn phòng Phối hợp Cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, nạn cướp bóc và hôi của đã diễn ra tràn lan tại các cơ sở cứu trợ nhân đạo ở Giông-lây và U-ni-ty, trong đó, một số cơ sở của LHQ và các tổ chức phi Chính phủ ở Bô-ơ đã bị cướp sạch, kể cả phương tiện đi lại.

Trước tình hình đó, LHQ tuyên bố đang nhanh chóng cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nam Xu-đăng để bảo vệ dân thường, trong khi cộng đồng quốc tế hối thúc hai bên đình chiến do lo ngại sẽ có các ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định mong manh của châu Phi. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã khuyến nghị điều động thêm 5.500 binh sỹ và hơn 400 cảnh sát cùng nhiều thiết bị vận tải, khí tài từ các lực lượng đang đóng ở châu Phi đến Nam Xu-đăng. LHQ còn chính thức đề nghị nước láng giềng U-gan-đa làm trung gian hòa giải xung đột tại Nam Xu-đăng. Ngày 20-12, các nhà hòa giải từ các quốc gia châu Phi khác cũng đã tới Giu-ba để gặp Tổng thống Ki-a và có các cuộc đàm phán được coi là "khá tích cực".
24aan-1.jpg
Dòng người đổ đến lánh nạn tại cơ sở của Liên hợp quốc ở Thủ đô Giu-ba. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã lên tiếng cảnh báo Nam Xu-đăng về cuộc xung đột kéo dài suốt hơn tuần qua, nhấn mạnh quốc gia này đang đứng trước "bờ vực" nội chiến và rằng, một cuộc đảo chính quân sự sẽ dẫn tới việc Oa-sinh-tơn cùng các đồng minh đình chỉ các hỗ trợ về mặt quân sự và ngoại giao cho quốc gia giàu dầu mỏ này.

Ông Ri-chác Đao-ni, Phó Giám đốc phụ trách châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), cho rằng sau khi Nam Xu-đăng giành độc lập, Mỹ đã trở thành "mạnh thường quân" lớn nhất về mặt chính trị và kinh tế của Giu-ba, bởi vậy "hiện Mỹ đang cân nhắc tình hình, và không muốn các nỗ lực bị "đổ sông đổ bể'". Ông và giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Mỹ - quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc Nam Xu-đăng giành độc lập năm 2011 - đang gia tăng các sức ép ngoại giao trong bối cảnh xung đột tại quốc gia này ngày càng nghiêm trọng, song Oa-sinh-tơn sẽ không cân nhắc can thiệp quân sự. Ông nói: "Can thiệp quân sự vào Nam Xu-đăng sẽ là một quyết định cực kỳ mạo hiểm. Xét toàn cảnh châu Phi hiện tại, Quân đội Mỹ chắc chắn không hề muốn tham chiến trực tiếp".

Nam Xu-đăng là đất nước của các bộ lạc, trong đó, bộ lạc Din-ca của Tổng thống Ki-a chiếm phần lớn và bộ lạc Nu-ê của ông Ma-cha đông dân thứ hai. Hai bộ lạc này luôn mâu thuẫn với nhau khiến xung đột thường xuyên nổ ra trên khắp đất nước, thậm chí cả trong quân đội. Do vậy, sau các cuộc đụng độ bùng phát vừa qua, người ta càng lo ngại rằng, nước này dễ chìm sâu vào một cuộc nội chiến mang màu sắc sắc tộc.

Như vậy, chỉ hơn 2 năm kể từ khi tách ra khỏi Cộng hòa Xu-đăng, chính quyền Nam Xu-đăng không những chưa đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói, mà còn không giải quyết được những mâu thuẫn tiềm ẩn kéo dài dẫn đến bạo lực leo thang, hoạt động khai thác dầu mỏ đình trệ và có thể đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Trong những ngày qua, một trong 4 máy bay trực thăng của LHQ được phái đến bang Giông-lây, đã bị trúng hỏa lực từ vũ khí hạng nhẹ, nhưng không ai bị thương. Trong khi đó, 3 máy bay của Mỹ cũng đã bị tấn công bởi những lực lượng chưa được xác định trong lúc tìm cách sơ tán các công dân Mỹ, khiến 4 nhân viên quân sự bị thương. Tính đến nay, Mỹ đã sơ tán được 380 công dân Mỹ và khoảng 300 công dân các nước khác khỏi Nam Xu-đăng.
Cẩm Linh

Bình luận

ZALO