Biên phòng - Với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, ở vùng cao miền Tây Nghệ An nói riêng, nghề đan truyền thống không hẳn là "cần câu cơm", nhưng lại trở thành cái nghiệp ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì đây là cái nghề mà ông cha đã để lại cho con cháu. Dù sinh sống ở đâu, họ cũng mang theo nghề truyền thống như muốn lưu giữ lại những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã gây dựng từ xa xưa. Thế nhưng hiện nay, vì những lý do "rất riêng" của nền kinh tế thị trường, nghề đan truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thậm chí thất truyền.
|
Một góc "xưởng đan" của già Lường Văn Thò. |
"Nghề đan những vật dụng truyền thống dùng trong gia đình, từ những cái gùi, cái rổ, cái rá... cho đến các phương tiện mưu sinh như các loại đó, đăng, nơm… là công việc rất công phu, tỉ mỉ với từng sợi đan và tốn rất nhiều thời gian, chỉ những người có tính cần cù, kiên nhẫn nhất mới làm được" - Già Sên Văn Quản, ở bản Phòng, xã vùng cao Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An mở đầu câu chuyện như vậy rồi kể tiếp, đại ý, muốn có một sản phẩm tốt, bền, người đan không những khéo léo, mà còn phải nhẫn nại. Như cái đó dùng để bắt cá tôm ngoài suối chẳng hạn, trong quá trình chuốt nan cho đến lên khung, cần phải có kỹ thuật khéo tay và đặc biệt là khoảng cách phải đều nhau, để khi đánh bắt cá, gặp dòng nước chảy, đó vẫn không có kẽ hở khiến tôm cá lọt ra ngoài.
Già Quản nói nhiều lắm, nhưng chúng tôi chẳng thể nào ghi nhớ hết được, chỉ biết đại loại rằng, để tạo nên một sản phẩm đan lát truyền thống theo đúng cách của dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, phải mất rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là vào rừng chọn những cây tre, cây lồ ô hay mây có độ dẻo phù hợp.
Việc chọn nguyên liệu này rất cần kinh nghiệm, vì nếu nguyên liệu không tốt, đồ dùng làm ra sẽ nhanh hỏng. Cây tre, cây lồ ô, nứa, mây sau khi chặt đem về thường được phơi khô, sau đó chẻ nhỏ thành sợi và được tiếp tục vót mỏng. Sau khi đan xong, tiếp tục được treo trên gác bếp để hun khói tránh mối mọt.
Thoạt nghe, quy trình sản xuất để tạo ra một sản phẩm mây tre đan truyền thống của người Thái có vẻ đơn giản, nhưng thực ra rất công phu, từ cách cài nan cho đến kiểu đan. Đặc biệt, khác với các sản phẩm là công cụ sản xuất như rổ rá, nong nia, nơm bắt cá, không quá đòi hỏi sự cầu kỳ, những vật dụng dùng lâu năm, ít nhiều đều mang tính thẩm mỹ như gùi, mâm ăn cơm, giỏ đựng xôi... thường rất khó trong việc tạo hoa văn, đường viền, màu sắc theo truyền thống của người Thái.
Với những sản phẩm này, kỹ thuật đan các kiểu lóng, kết nan, tạo màu tự nhiên rất phức tạp, không phải ai cũng làm được. Như với chiếc gùi, người Thái thường lợi dụng chính nan nứa, mây tre, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi, người đan sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn.
Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt, có tác dụng làm nổi bật các đường nét hoa văn.
"Với cái tuổi bát thập, lại theo nghề đan từ rất sớm, bây giờ, tôi có thể đan được tất cả những vật dụng truyền thống của dân tộc Thái. Có những thứ, đan một ngày được vài chiếc, nhưng có sản phẩm phải hàng tháng mới hoàn tất. Nhưng dù lớn hay nhỏ, khác nhau về công dụng, các sản phẩm đan truyền thống của người Thái chúng tôi đều đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, đặc biệt phải có tính kiên trì thì mới có thể làm được..." - Già Sên Văn Quản kết luận.
Nỗi lo thời hiện đại
Tâm sự với chúng tôi, già Sên Văn Quản cho rằng: "Ngày nay, với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật, các sản phẩm tiêu dùng làm bằng nhựa hay kim loại đủ loại nhiều vô kể, giá lại rẻ. Chính vì vậy, dù hàng ngày vẫn cặm cụi, tỉ mỉ trau chuốt và đan từng lóng mây, tre, nhưng làm ra những sản phẩm truyền thống khó mà tiêu thụ ngay được...".
Còn già Lường Văn Thò, ở bản Noòng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương - nghệ nhân đan lát nổi tiếng mà chúng tôi có dịp gặp trong chuyến điền dã tại vùng miền Tây xứ Nghệ thì trải lòng: "Dù bây giờ, đan lát vẫn là công việc hàng ngày của tôi, nhưng những vật dụng truyền thống, người ta ít dùng nên rất khó bán và giá rất rẻ so với công lao động bỏ ra. Có nhiều người vẫn đặt đan cái đó, cái nơm hay cái gùi, giỏ đựng xôi, tôi nhận làm để đỡ nhớ nghề thôi...".
![]() |
Giỏ đựng xôi của người Thái được đan rất cầu kỳ. |
Kể với chúng tôi câu chuyện cuộc đời gắn với nghề đan lát truyền thống suốt 7 thập kỷ qua (già Thò theo nghề đan lát từ khi mới 10 tuổi), người đàn ông da, tóc đã phai màu theo sương gió chỉ biết bùi ngùi khi nhiều người quay lưng với những vật dụng truyền thống của dân tộc mình.
Sau bao nhiêu năm trải qua những nỗi lo toan của đời người, những người con của già đều đã có gia đình riêng. Điều đáng buồn là, không ai trong số con cháu của già có ý định theo nghề cha ông. Biết thế, nên dù tuổi đã cao, hàng ngày, già vẫn miệt mài với nghề đan, không chỉ vì tiền, mà còn vì tấm lòng của người nghệ nhân với cái nghề thủ công đậm chất truyền thống của dân tộc mình.
Chiều về, già Lường Văn Thò đang chuẩn bị xếp gọn đồ nghề, bỗng từ ngoài cửa, một người nông dân chân chất ở bản bên vào nhà nhờ đan cái đó bắt cá với giá 100 nghìn đồng. "Nhiều người bảo tôi chỉ cần chích điện vài cái là có thể vớt cá ngoài suối dễ dàng, tội gì phải đơm đó cho mệt. Nhưng tôi nghĩ làm thế, những con cá thoát nạn cũng không phát triển được. Bỏ ra số tiền mua đó không biết lúc nào mới hoàn vốn, nhưng tôi vẫn chấp nhận".
Lời tâm sự của người đàn ông cùng tiết lộ của già Thò, rằng, để làm xong chiếc đó ấy, phải mất đến gần một tuần, nếu trừ tiền mua nguyên liệu, thì công sá của một ngày cần mẫn lao động chẳng được bao nhiêu, khiến chúng tôi cũng cảm thấy ngậm ngùi cho nghề đan truyền thống phải đối mặt với nguy cơ mai một đang hiện hữu.