Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 03:38 GMT+7

Nơi ấy - Trường Sa…

Biên phòng - Phát huy truyền thống anh hùng của BĐBP, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khánh Hòa luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khó, chắc tay súng góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi ấy, các anh luôn xây dựng tình đoàn kết quân dân khăng khít, trở thành điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển…

vmsi_8a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa thăm hỏi, động viên người dân sinh sống trên đảo. Ảnh: Văn Giang

Vững vàng nơi đầu sóng

Chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Trường Sa và được dự buổi lễ chào cờ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. 10 lời thề danh dự của QĐND Việt Nam, qua giọng đọc của một cán bộ vang lên, thể hiện tinh thần quyết tâm vượt mọi thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo Tổ quốc, của quân dân Trường Sa. Giữa mênh mông đại dương, ngắm nhìn cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh và nghe những lời hô “xin thề” vang vọng trên biển, như thấy được uy dũng của những người con đất Việt nơi đầu sóng.

Trung tá Phan Lê Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trường Sa cho biết: Kế thừa truyền thống hào hùng của bao thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, vững vàng nêu cao tinh thần cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Hải quân không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xác định rõ vị trí, vai trò của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.

“Đặc sản” ở Trường Sa là nắng, gió, sóng biển và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Có lẽ vì thế đã tôi luyện cho những người lính Biên phòng có bản lĩnh, tinh thần và ý chí “thép”. Trên gương mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây đã nhuốm vị mặn mòi của biển. Những gương mặt cương nghị, rắn rỏi sẵn sàng đương đầu với bao sóng gió đại dương.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở họ là khi đề cập đến những gian khó, thì các anh luôn nở nụ cười tươi, không thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình và quyết tâm vượt khó. Thế mới biết không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã các anh, những người lính Trường Sa luôn bỏng cháy tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.

Trung tá Phan Lê Giáp cho biết: “Ngoài thực hiện tốt nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn chú trọng xây dựng nếp sống đẹp, để sáng mãi với truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương”, “quân với dân như cá với nước”. Đứng chân ở Trường Sa, chúng tôi luôn thấu cảm được những thiệt thòi của các em học sinh nơi đây nên mở lớp dạy tiếng Anh cho các em được hơn 1 năm nay. Những kiến thức chúng tôi truyền dạy là hành trang bước đầu để sau này, các em vào đất liền tiếp tục học tốt môn học này”.

Tô thắm tình quân dân

Với phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương”, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Trường Sa luôn chú trọng xây dựng tình nghĩa quân dân. Chính vì lẽ đó, cuộc sống của quân và dân nơi đây dường như không có khoảng cách, luôn cùng một ý chí, gần gũi như cá với nước.

Sinh sống ở thị trấn Trường Sa đã nhiều năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chương và chị Trần Thị Kim Liên không thể nào quên những tình cảm mà bộ đội dành cho gia đình mình. Anh Chương chia sẻ, người dân nơi đây luôn được đón nhận những tình cảm đặc biệt của người lính quân hàm xanh. “Mỗi khi có bão, các cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp đến từng nhà dân hỏi thăm và phụ giúp gia đình chằng chống nhà cửa” - Anh Chương kể.

Tình cảm quân dân trên đảo như máu thịt, người trong một nhà. Dân hết gạo, hết thức ăn, nước uống... đều được bộ đội trên đảo chia sẻ. Những ngày trời yên, biển lặng, quân và dân nơi đây lại cùng nhau ra khơi buông lưới đánh bắt hải sản để cải thiện đời sống. Hằng đêm, tại trụ sở Đồn Biên phòng Trường Sa lại vang lên tiếng trẻ em học tiếng Anh. Lớp học là phòng họp của đồn, vỏn vẹn chỉ có 10 học sinh là con em của các hộ đang sinh sống, làm việc trên đảo. Hôm chúng tôi đến thăm lớp học, người đứng lớp là Trung tá Mai Đăng Hồ, cán bộ Đồn Biên phòng Trường Sa. Những bài giảng được các thầy giáo mang quân hàm xanh chuẩn bị rất chu đáo. Cách giảng bài cũng khá sinh động, giúp các em dễ tiếp thu bài học.

Trung tá Mai Đăng Hồ chia sẻ: “Khi ra đây công tác, chúng tôi thấy các em chưa được trang bị ngoại ngữ và chưa có môn học này trong nội dung chương trình, nên có ý tưởng dạy tiếng Anh cho các em. Khi chúng tôi đề xuất vấn đề này với chỉ huy đồn thì được đồng ý ngay. Đêm đến, chúng tôi đều cử cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đến từng hộ đón các em đến lớp học. Những ngày đầu, khi tiếp xúc với bộ môn tiếng Anh, hầu hết các em đều thích thú, nhưng cũng bỡ ngỡ. Để chuyển tải kiến thức, chúng tôi phải soạn bài giảng riêng gắn liền với hình ảnh biển, đảo và cuộc sống thường nhật để các em dễ hình dung”.

truong-sa
Biểu diễn văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Lê Đồng

Chính nhờ lớp học đặc biệt này mà giờ đây, hầu hết học sinh trên đảo đều biết đọc và viết tiếng Anh cơ bản. Em Lâm Nhật Tinh Anh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trường Sa cho biết: “Hằng ngày, ở lớp học tại trường, chúng em chưa được học môn tiếng Anh. Thế nhưng, chúng em rất may mắn khi được các chú BĐBP dạy tiếng Anh. Em thấy rất vui vì giờ đây, em đã biết đọc, viết những từ tiếng Anh cơ bản. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các chú bộ đội”.

Điểm tựa của ngư dân

Không chỉ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa còn tham gia cùng lực lượng trên đảo cứu hộ, cứu nạn. Đã có biết bao tàu cá của ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản ở Trường Sa gặp nạn được ứng cứu kịp thời. Ngày chúng tôi lên thăm, cũng là hôm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa cứu nạn thành công tàu cá BĐ 97030 TS, do ông Trần Văn Hòa, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm Thuyền trưởng, cùng 12 thuyền viên.

Ngư dân Trần Ngọc Hưng, ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chủ tàu KH 1468 tâm sự: “Trước đây, mỗi lần ra Trường Sa khai thác hải sản, không may tàu thuyền bị hư hỏng hoặc gần hết nhiên liệu, lương thực, nước ngọt thì phải quay về đất liền. Còn bây giờ, nhờ có các điểm tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá ở Trường Sa, chúng tôi an tâm bám ngư trường dài ngày. Nhờ đó, sản lượng khai thác hải sản ngày càng tăng”.

Trung tá Phan Lê Giáp chia sẻ: “Nhận được tín hiệu đề nghị cứu hộ của tàu cá cách đảo 12 hải lý, chúng tôi đã hiệp đồng với các chiến sĩ Hải quân trên đảo, điều 2 tàu cùng 10 chiến sĩ tức tốc lên đường cứu nạn. Tiếp cận được tàu cá, chúng tôi xác nhận máy tàu bị hỏng, tàu đang thả trôi tự do. Sau 3 giờ sửa chữa, tàu cá hoạt động trở lại trong niềm vui của các thuyên viên”. Cũng theo Trung tá Phan Lê Giáp, trung bình mỗi năm, đơn vị cứu nạn gần 100 tàu cá của ngư dân bị nạn, cung cấp nhu yếu phẩm và động viên tinh thần hàng nghìn ngư dân.

Ngư dân luôn xem bộ đội trên các đảo như gia đình thứ hai của mình. Mỗi khi đánh bắt gần đảo, họ lại đem cá biếu bộ đội để cải thiện bữa ăn. Những hành động, lời động viên của BĐBP đã tạo niềm tin cho ngư dân vững tâm làm ăn trên biển.

Tạm biệt Trường Sa, nhìn về phía đảo, tôi vẫn thấy người chiến sĩ Biên phòng và Hải quân kiên trung chắc tay súng tuần tra, canh giữ biển trời Trường Sa, giữ bình yên cho những con thuyền cần mẫn buông lưới khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Văn Giang

Bình luận

ZALO