Biên phòng - Lần đầu tiên tôi đến thăm và dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn vào một ngày tháng Bảy, đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tuy đã biết, đã nhiều lần nghe kể về di tích và sự kiện lịch sử này, nhưng chỉ khi được đặt chân đến tận nơi đây, trực tiếp thắp dâng những nén hương thơm trên Đài tưởng niệm, trước những tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, lòng tôi dâng lên những cảm xúc thật đặc biệt.

Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn nằm trên địa bàn thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn - một xã biên giới tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Tây Bắc của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Di tích lịch sử này là nơi ghi dấu một trong những trận chiến đấu ác liệt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta, mở màn cho sự kiện Chiến tranh biên giới vào rạng sáng ngày 17-2-1979. Đây cũng chính là nơi ghi danh tưởng niệm 86 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày tôi đến nơi đây, trời biên cương xanh thắm. Giữa hai hàng cây tùng tháp xanh mướt đứng nghiêm trang như hai hàng quân, cụm tượng đài hiện lên uy nghi, sừng sững. Ba cặp bàn tay úp chụm lại, hướng thẳng lên cao, vừa là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của 3 dân tộc chính sinh sống ở vùng này gồm: Kinh, Dao, Sán Chỉ, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc. Ngôi sao năm cánh vàng tươi ấy cứ lấp lánh giữa nắng vàng, cứ ánh lên đầy tự hào, kiêu hãnh.
Ngày tôi đến nơi đây, từng bước chân trên mảnh đất thấm đẫm máu của các anh hùng liệt sĩ năm xưa và mường tượng về trận chiến đấu anh dũng hôm nào, trận chiến mà tôi chỉ được đọc và nghe kể, nhưng không hiểu sao nó cứ khắc vào trong tôi như chiếu một thước phim:
Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn, 4 giờ 43 phút, ngày 17-2-1979, giữa cái tĩnh mịch yên ắng của rừng núi, chiến sĩ Nông Thế Điều trực gác. Bất chợt anh phát hiện quân địch ở bên kia biên giới bắn một phát pháo hiệu. Anh báo động cho đơn vị để triển khai vị trí chiến đấu.
Từ bên kia biên giới tiếp tục vọt lên hai phát pháo hiệu khác, đồng thời, các hỏa lực mạnh của địch như pháo lớn, cối hạng nặng, DKZ, B40, B41 và các loại súng đại liên, trung liên bắn cấp tập, đồng loạt vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.
Sau 30 phút bắn cấp tập, dữ dội, khoảng 2.000 lính đối phương vượt biên giới tràn sang. Lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 đồng chí. Đồng chí Đồn trưởng đang đi công tác, Trung úy Đỗ Sĩ Họa, Phó Đồn trưởng Quân sự và Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo đảm nhiệm chỉ huy chiến đấu. Trung úy Đỗ Sĩ Họa trực tiếp chỉ huy bộ phận hỏa lực, nhằm đội hình địch nhả đạn. Cán bộ, chiến sĩ ở trong đồn và 3 điểm chốt nhất loạt nổ súng đánh trả địch.
Địch dùng chiến thuật “biển người” ồ ạt tấn công, nhưng quân ta chiến đấu quyết liệt đánh lui hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác. Trong suốt 3 giờ liền tấn công ồ ạt, quân địch vẫn không thể chiếm đồn. Sau mấy lần tấn công thất bại, địch rút quân ra xa, gọi pháo tiếp tục bắn cấp tập vào trận địa ta khoảng 30 phút. Phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta trên Đồi Quế, quân địch nã pháo dồn dập, sau đó chúng mở cuộc tấn công mới. Một cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra vô cùng ác liệt với tương quan lực lượng không cân đối.
Đạn dược hết, các chiến sĩ ta dùng báng súng, lưỡi lê, vũ thuật lăn xả vào đánh địch. Do trận chiến không cân sức nên sau gần 6 tiếng đồng hồ kiên cường chiến đấu, đại bộ phận lực lượng của đồn đã anh dũng hy sinh. Tuy tạm thời chiếm được Đồn Biên phòng Pò Hèn, nhưng địch đã phải trả giá đắt bằng máu, 250 tên địch và 2 chó nghiệp vụ bị giết, hàng trăm tên khác bị thương. Phía ta, 73 người đã anh dũng hy sinh, bao gồm 45 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Pò Hèn, một nhân viên thương nghiệp cụm 209 Pò Hèn và 27 công nhân lâm trường Hải Sơn.
Ngày tôi đến nơi đây, đứng trước những tấm bia đá ghi tên 86 anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia từ trận chiến khốc liệt năm ấy cho đến bây giờ, tôi lần tìm đọc tên từng người. Mỗi cái tên lại gợi lên trong tôi một vóc dáng, một chiến công. Đó là Phó Đồn trưởng Đỗ Sĩ Họa bị thương ngất đi 3 lần liền, nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chỉ huy đồng đội, chiến đấu ngoan cường; chiến sĩ Nông Thế Điều, người đầu tiên phát hiện ra dấu hiệu tấn công của kẻ thù và báo động để đơn vị triển khai chiến đấu.
Hạ sĩ Nguyễn Bá Chuyên phụ trách tiểu đội bảo vệ cổng chính của đồn, đánh bật 4 đợt quân địch khi chúng dàn hàng ngang xông lên; chiến sĩ cơ yếu Hoàng Tiến Phúc bị thương nặng đã nằm đè lên tài liệu, quyết không để giặc phát hiện lấy đi; chiến sĩ Vũ Văn Mấp một mình chặn một mũi tiến công của địch, dũng cảm đánh giáp lá cà và tiêu diệt nhiều tên địch.
Quên sao được chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, vốn là cô nhân viên thương nghiệp của Cửa hàng Bách hóa Pò Hèn lên thăm người yêu, khi có chiến sự đã kiên quyết ở lại, cầm súng và chiến đấu anh dũng. Chị ngã xuống khi vừa tròn 25 tuổi và là nữ liệt sĩ duy nhất được ghi danh ở nơi này...
Các anh chị hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Mỗi người mỗi quê, không ai sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng họ đã cùng nhau chiến đấu anh dũng kiên cường để bảo vệ từng tấc đất biên cương và cùng nằm xuống trong một ngày. Mỗi cái tên đã trở thành bất tử đối với dải đất biên cương yêu dấu.
Ngày tôi đến nơi đây, đứng trước tấm ảnh chụp tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn vào tháng 12-1978, không gian quanh tôi bỗng lặng đi khi hiểu rằng, bức ảnh được chụp chỉ hơn một tháng trước ngày nổ ra cuộc chiến khốc liệt ấy. Đó là bức ảnh cuối cùng của rất nhiều người. Những gương mặt rạng ngời thanh xuân, những nụ cười trẻ trung tươi tắn giờ đã hòa vào với cỏ cây, với hồn thiêng sông núi nơi này.
Giữa không gian của núi rừng Đông Bắc, tôi thấy Tượng đài Pò Hèn như cao hơn, tạc sắc nét hơn vào nền trời xanh ngăn ngắt. Mọi ngôn từ ngợi ca bỗng trở nên sáo rỗng, dư thừa. Tôi chợt liên tưởng đến lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Các liệt sĩ hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền sử xanh... Anh linh của các liệt sĩ bất diệt! Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!”.
Tạm biệt Pò Hèn, trong làn khói hương vấn vít, hòa vào trong gió, tỏa ấm cả núi đồi biên cương. Pò Hèn, nơi khí thiêng đã trở nên bất tử, nơi ngân mãi khúc tráng ca về tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con nơi địa đầu Tổ quốc, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, nơi viết tiếp bản anh hùng ca bất diệt. Ở nơi ấy, trời biên cương vẫn xanh.
Bút ký: Đặng Thị Thúy