Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:23 GMT+7

Nơi ấy có dòng sông chảy ngược

Biên phòng - Ai lên Cù Bai cũng đều nghe người dân nơi đây kể rằng: Trên đỉnh động Mang có một mạch nước ngầm phun lên từ lòng núi, nhưng lại chảy về hai hướng khác nhau. Một hướng xuôi theo phía Đông dãy Trường Sơn hợp lưu tạo nên ngọn nguồn con sông Bến Hải mà đằng đẵng suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ đã hằn sâu nỗi đau chia cắt giang sơn. Một hướng quặn ngược dòng về phía Tây dãy Trường Sơn, mang tên gọi Sê Băng Hiêng bao bọc xứ sở đất nước Triệu Voi, trắng cánh hoa Chăm Pa sâu nặng nghĩa tình. Còn theo cách nói của người dân tộc Vân Kiều, nơi vùng cao Hướng Lập thì Sê Băng Hiêng có nghĩa là dòng sông chảy ngược.

3uyv_10
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai tặng áo ấm cho các cháu học sinh. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai nói với tôi: “Anh lên đây mà không đến gặp trực tiếp bà Hồ Thị Oi, một nhân vật đặc biệt của quê hương Cù Bai - Hướng Lập thì sẽ tiếc đấy”. Từ lời giới thiệu của anh, tôi và Đại úy Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ tìm đến bản Ka Tiêng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nơi gia đình bà hiện đang sinh sống.

Nhìn thấy chúng tôi dưới sân, bà vồn vã ra đón: “Các con lên nhà, lâu rồi mẹ không sang thăm đồn, thăm các con được. Trời mưa quá nên người già không đi mô được hết”. Bà có tên khai sinh là Hồ Thị Mon Cô, nhưng theo phong tục của người Vân Kiều khi có chồng, có con thì gọi tên bố, mẹ theo tên của người con đầu nên bà được mọi người gọi là Giả Oi, lâu dần đã trở thành tên gọi quen thuộc. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên của dân tộc Vân Kiều giữ chức Chủ tịch UBND xã Hướng Lập từ năm 1965 đến 1978.

Bà Oi năm nay đã bước sang tuổi 84, nhưng bà vẫn còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Cứ mỗi khi có dịp là bà lại bảo đứa cháu nội chở bà sang thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai, thăm hang núi Ba Rai, thăm cây cầu bắc qua dòng Sê Băng Hiêng để hồi tưởng lại những tháng ngày chiến tranh khốc liệt. Khi biết tôi đến gặp bà để tìm hiểu về vùng đất Cù Bai, nơi có dòng sông chảy ngược mang tên Sê Băng Hiêng, bà bồi hồi nhớ lại: Hiệp định Geneve được ký kết, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Bản Cù Bai ngày ấy được ví như “ngã ba biên giới” giữa miền Bắc XHCN với miền Nam dưới chính quyền Ngô Đình Diệm và tiếp giáp với đất nước Lào. Với âm mưu “bội ước Hiệp định”, chính quyền Sài Gòn lập tức cho quân lên vùng đất này cấu kết với bọn Phu My Bun Ùm (phản động Lào) xây dựng đồn, trạm dọc biên giới và phía Nam sông Sê Băng Hiêng để tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Geneve. Chúng tuyên truyền vùng đất Cù Bai là của chính quyền Sài Gòn nên Việt Minh không có quyền gì trên vùng đất này.

Chúng chia xã Hướng Lập thành 2 vùng (một do chính quyền Sài Gòn quản lý, một là đất của Lào) gây nên sự hoang mang trong nhân dân. Không để cho kẻ địch lộng hành, các chiến sĩ bảo vệ giới tuyến đã phối hợp với bộ đội Pa Thét - Lào tổ chức lực lượng tấn công buộc chúng phải tháo chạy khỏi các đồn, trạm do chúng lập trái phép; đồng thời, tìm đến tận rừng sâu, hang đá vận động nhân dân về lập bản, dựng làng, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, định canh, định cư, thành lập lực lượng du kích để sẵn sàng đánh trả kẻ địch, nếu chúng lấn chiếm biên giới của ta.

Khi Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Cù Bai) được thành lập (tháng 3-1959), cán bộ, chiến sĩ của đồn đã luôn “ba cùng” với dân bản để vận động, hướng dẫn bà con trồng cây lúa nước, làm chuồng nuôi nhốt lợn, bò, giữ vệ sinh sạch sẽ để khỏi ốm đau bệnh tật. Các anh còn dạy chữ cho trẻ em trong bản... Thế nên, bản Cù Bai là bản đầu tiên trên vùng cao Hướng Hóa biết trồng cây lúa nước.

Trong những năm chiến tranh phá hoại của để quốc Mỹ, địa bàn Đồn Biên phòng Cù Bai là “tọa độ lửa” trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh phía Tây và ngầm vượt dòng Sê Băng Hiêng được bộ đội lái xe Trường Sơn thời bấy giờ gọi là “cửa tử”. Chỉ với khoảng đất rộng chưa đầy 2km2 mà kẻ địch đã huy động tới 3.193 lần chiếc máy bay (trong đó có 1.600 lượt máy bay B52) trút xuống nơi đây 42.700 quả bom các loại. Tính bình quân, mỗi người dân Hướng Lập, từ cụ già đến con trẻ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai phải hứng chịu 250 quả bom, đó là chưa tính đến một số loại vũ khí có tầm sát thương hẹp như mìn lá, mìn đĩa... Cây rừng nơi đây chưa kịp nảy mầm dịu xoa vết thương thì đã bị héo lá, cháy cành bởi 4 lần kẻ địch thả chất độc hóa học. Song, từ trong sự hủy diệt của kẻ thù, sức sống con người vẫn trỗi dậy mãnh liệt. Người dân Cù Bai đã cùng với bộ đội và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai thiết lập phòng tuyến trận địa, kiên quyết đánh trả lũ giặc trời, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, tiêu diệt, bắt sống 31 tên biệt kích cả Mỹ và ngụy để nơi “yết hầu”, “cửa tử” này không một ngày vắng bóng những đoàn xe chở hàng ra mặt trận.

Bà Oi kết thúc dòng hồi ức của mình bằng câu nói: “Ngày nớ chiến tranh ác liệt, không biết sống, chết ra răng, vậy mà chẳng có ai run sợ. Cả bộ đội rồi người dân và cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn sát cánh cùng nhau chiến đấu, cùng nhau sản xuất”.

Nghe xong lời bà kể, tôi và Đại úy Thiết trở lại doanh trại của đồn. Lên Đồn Biên phòng Cù Bai bây giờ không còn cảnh phải băng rừng, vượt suối, gian khổ như trước đây. Tuyến đường Hồ Chí Minh thời hiện đại dẫu vẫn dốc đèo quanh co, song đã nối biên cương gần hơn với miền xuôi. Bản làng vùng cao đang đổi thay mỗi ngày, hòa chung dòng chảy phát triển với muôn nơi. Dấu tích chiến tranh lùi dần vào lịch sử. Thế chỗ cho trùng điệp những hố bom hủy diệt là những cánh đồng lúa chín vàng, là những vườn cây công nghiệp, cây ăn quả của mỗi hộ dân bội thu mùa quả chín.

Sáng nay, bà Căn Chất ở bản A Xóc, xã Hướng Lập thức dậy sớm hơn mọi ngày. Đêm qua, cả nhà bà gần như không ngủ, ngồi quây quần bên bếp lửa trong ngôi nhà cũ kỹ nhìn sang căn nhà mới xây, ai cũng mong trời mau sáng để được về ở trong ngôi nhà mới do Quỹ Tấm lòng vàng của Báo Lao động, Công ty Thủy điện Quảng Trị, Tập đoàn VINGROUP, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai và các nhà hảo tâm xây tặng. Vậy là năm nay, gia đình bà cùng với 5 nhà khác trong bản đã chấm dứt cảnh sinh hoạt chật chội trong những căn nhà dột nát.

Không chỉ có nhà mới, bà còn được huyện tặng quà đồ dùng sinh hoạt. Con gái bà học ở trường mẫu giáo xã, chiều hôm qua về khoe được các chú BĐBP tặng áo ấm mới. Song vui nhất, mừng nhất vẫn là giáo viên và học sinh điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở bản Tà Păng khai giảng năm học này trong ngôi trường mới khang trang với 2 phòng học, 1 phòng giáo viên, nhà vệ sinh, nhà bếp, sân bê tông có tổng mức đầu tư gần 380 triệu đồng từ Chi hội Ford Fan Club - thành phố Hồ Chí Minh và hỗ trợ nhân công, vật liệu của Đồn Biên phòng Cù Bai.

Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng chia sẻ: “Thấu hiểu được khó khăn của đồng bào, năm 2018, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tự nguyện đóng góp và kêu gọi vận động các nhà hảo tâm xây tặng 5 ngôi nhà “Nghĩa tình biên giới”, 1 điểm trường tại bản Tà Păng, tặng 400 cái áo ấm cho các cháu mẫu giáo trong chương trình “Áo ấm mùa đông biên giới”, cùng hàng trăm suất quà cho bà con. Mong rằng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hãy chung tay hướng về biên giới để bà con vùng cao vơi bớt đi những khó khăn thường nhật”.

Cù Bai trong sắc nắng xuân, những cánh rừng ngát xanh, những bông hoa cúc quỳ đang độ nở vàng. Dòng Sê Băng Hiêng thanh thản về với đất nước Triệu Voi. Ở phía đầu nguồn, dù cho dòng sông có thể chảy ngược, nhưng với cộng đồng người dân tộc Vân Kiều và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai, thì họ vẫn luôn đoàn kết, thuận lòng tin theo ý Đảng, sát cánh bên nhau giữ vững sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc và dựng xây bản làng phát triển.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO