Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Nơi anh đến là đảo xa

Biên phòng - Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, dù công tác ở biên cương xa xôi hay hải đảo ngàn trùng sóng vỗ, dù ở miền Nam hay miền Bắc, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn luôn vững tay súng, gắn bó với đơn vị, cùng ăn, cùng ở và sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi với nhân dân trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Tiến Sự động viên bộ đội trên đường ra đảo Hòn Giang công tác. Ảnh: Đăng Bảy

Người đồn trưởng “miệng nói, tay làm” trên quần đảo Hải Tặc

Không hẹn mà gặp. Từ Hà Tiên ra đảo Hải Tặc, tôi tình cờ đi chung chuyến tàu với Thượng tá Nguyễn Tiến Sự, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tiên Hải, BĐBP Kiên Giang. Anh nói, vừa dự họp ở Rạch Giá xong là bắt xe đò đi trên 100km về Hà Tiên để kịp đi chuyến tàu đò, trở ra đơn vị ngay. “Mùa này sóng to, gió lớn nên tàu chở khách ra đảo nhiều hôm cũng thất thường. Có ngày 2 chuyến, có ngày 1 chuyến, cũng có ngày bị cấm biển, do vậy, họp xong là chúng tôi phải tranh thủ ra đơn vị ngay. Tết đến rồi, quân cũng như dân, công việc lu bu lắm, mình không thể lơ là được”.

Ra tới đơn vị, uống chưa xong ly nước, Thượng tá Sự đã vội ra đảo Hòn Giang, cách đơn vị khoảng 1 giờ đi thuyền. “Cuối năm rồi, phải tăng cường đi kiểm tra tình hình an ninh chính trị địa bàn, đồng thời xem bà con chuẩn bị Tết ra sao, nếu có khó khăn gì, mình còn kịp có phương án xử lý” - Anh Sự nói.

Quần đảo Hải Tặc (nay là xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) có 18 hòn đảo lớn nhỏ (16 đảo nổi và 2 đảo chìm), trong đó, đảo Hòn Đốc (hay còn gọi là Hòn Tre Lớn) là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của xã. Đây cũng là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Tiên Hải. Theo Thượng tá Sự, đơn vị quản lý vùng biển rộng trên 50km2 với 18 hòn đảo nên việc đi lại đều bằng thuyền, gặp lúc sóng to, gió lớn rất nguy hiểm, khó khăn. Nhiều hôm, có công việc đột xuất, phải huy động tàu, thuyền của dân… Điều khá bất ngờ là Thượng tá Nguyễn Tiến Sự quê ở Thái Bình, nhưng lại rất am hiểu vùng biên giới, biển đảo Kiên Giang. Anh kể, anh gắn bó với vùng đất này từ năm 1988, ngay từ khi mới tốt nghiệp sĩ quan Biên phòng.

Trước khi về Đồn Biên phòng Tiên Hải, anh đã từng là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Tràm ngoài đảo Phú Quốc. “Ở đảo riết cũng quen. Lâu lâu được tranh thủ về thăm nhà vài hôm là thấy nhớ đảo, nhớ đơn vị. Đồn là nhà, biển đảo là quê hương mà” - Anh Sự chia sẻ… Tuy đóng quân ở vùng biển, đảo còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đồn Biên phòng Tiên Hải luôn thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác Biên phòng, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Trong năm 2022, đơn vị tổ chức 635 lần tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo. Ngoài ra, còn phối hợp với địa phương từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho bà con trên xã đảo.

Gắn bó mật thiết với nhân dân nơi đảo xa

Ở xã đảo Thổ Châu, rất nhiều người biết Trung tá Danh Hiếu - người cán bộ năng nổ, luôn gần gũi, chia sẻ với bà con trong địa bàn. “Trong thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19, anh Hiếu đã tích cực vận động các nhà hảo tâm phối hợp với đơn vị tặng quà cho các gia đình khó khăn. Anh còn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị mở rộng diện tích đất trồng rau, tích cực nuôi heo để lấy thịt tặng bà con”… Đó là ý kiến của anh Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu khi nói về Trung tá Danh Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang.

Trung tá Danh Hiếu (bên phải) tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Đăng Bảy

Thổ Châu là xã đảo nằm ở cực Nam của Tổ quốc, cách Rạch Giá gần 200km. Do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, một số hộ dân ở xã đảo này vẫn còn khó khăn. Trong cao điểm của đợt dịch vừa qua, Trung tá Danh Hiếu đã tích cực động viên anh em trong đơn vị và vận động các nhà hảo tâm tặng nhân dân trong địa bàn 12.800 chiếc khẩu trang và tặng quà tổng giá trị trên 30 triệu đồng, cùng 2.200kg gạo và hàng ngàn kg rau xanh cho các hộ gia đình khó khăn. Tết này cũng vậy, vừa động viên, chuẩn bị cho bộ đội “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”, Trung tá Danh Hiếu vừa phối hợp với địa phương kiếm “nguồn” quà Tết cho các gia đình khó khăn. “Có thể là một gói quà nhỏ thôi, nhưng sẽ góp thêm niềm vui cho bà con trong 3 ngày Tết. Không ai bị bỏ lại phía sau, đó là phương châm hành động của đơn vị, kể cả trong cao điểm của dịch bệnh vừa rồi” - anh cho biết.

Là người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, “chọn binh làm nghiệp”, 44 tuổi đời, Trung tá Danh Hiếu đã có 24 tuổi quân và chừng ấy năm gắn bó với biên giới, biển đảo. Trước khi làm Chính trị viên Đồn Biên phòng Thổ Châu (tháng 5/2021), anh đã có 11 năm lăn lộn ở tuyến biên giới Giang Thành và hơn 7 năm ở Đồn Biên phòng Nam Du ngàn trùng sóng vỗ. Đã 7 năm liên tục, anh đón giao thừa ở đảo xa. “Tết năm nay, tôi cũng sẽ ở lại đón Xuân với anh em và bà con ngoài đảo Thổ Châu. Xa nhà riết cũng quen, anh ạ, bộ đội mà” - Trung tá Danh Hiếu trải lòng khi đề cập đến cái Tết đang cận kề.

Người “một đôi vai gánh hai trọng trách” ở đảo Cô Tô

Đó là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Duy Tuấn, nhân viên phiên dịch Đồn Biên phòng Cô Tô, BĐBP Quảng Ninh. “Tháng 9/2019, tôi được cấp trên tin tưởng đưa xuống tăng cường xã, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô” - anh Tuấn chia sẻ.

Theo Thiếu tá Tuấn, xã Đồng Tiến có trên 500 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Tuy đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn theo hướng tự phát. Từ khi “gánh” thêm vai cán bộ tăng cường xã, Thiếu tá Tuấn đã tham mưu và cùng địa phương từng bước hướng các hộ dân làm ăn theo kiểu liên doanh, liên kết. Một số mô hình như “Tổ sản xuất rau an toàn”, “Dự án bảo tồn cây tùng Cô Tô” hay như “làng du lịch” đã ra đời. Cùng với việc được hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao tay nghề, thu nhập của bà con cũng ổn định và cao hơn trước.

Thiếu tá Tuấn cho biết: “Trước tôi, cũng đã từng có 5 cán bộ của Đồn Biên phòng Cô Tô tăng cường xã Đồng Tiến và đều giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Tuy có nhiều bỡ ngỡ, nhưng chúng tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương”…

Là người con quê lúa Thái Bình, năm nay 41 tuổi, nhưng Thiếu tá Tuấn cũng đã có thâm niên 22 năm trong quân ngũ. “Năm 2016, ra nhận công tác ngoài đảo Cô Tô, tôi cũng nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng rồi cũng thích nghi dần, hiện, tôi lấy vợ và xây nhà trên mảnh đất này và coi Cô Tô là quê hương thứ 2 của mình” - anh Tuấn chia sẻ…

“Mình là lính Biên phòng, được giao trọng trách thực hiện 2 nhiệm vụ cùng lúc, phải luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Bác Hồ là “nghe dân nói, nói dân hiểu và làm cho dân tin”.- Thiếu tá Nguyễn Duy Tuấn bộc bạch.

Phương Vy

Bình luận

ZALO