Biên phòng - Trang thiết bị thiếu thốn, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng những cán bộ y tế vùng cao Hà Giang luôn nỗ lực tuyên truyền, kêu gọi bà con tới trạm y tế để điều trị bệnh. Nhờ đó, tỉ lệ người dân tự chữa bệnh bằng làm phép, làm lý hoặc cúng đuổi ma đã giảm. Bà con đã tin tưởng, tới khám và điều trị bệnh tại các trạm y tế.
Không còn tự chữa bệnh ở nhà
Chúng tôi gặp bà Lầu Thị Say, 74 tuổi, người dân tộc Mông tại Phòng khám đa khoa xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Bà bảo rằng, mấy hôm nay, bà thấy trong người không khỏe, cái họng bị đau, cái mắt cứ ra nhử, nhìn cái gì cũng không rõ. Sau khi hỏi kỹ tình hình bệnh, bác sĩ kê cho bà thuốc viêm họng và thuốc nhỏ mắt. Cầm túi thuốc trên tay, bà phấn khởi nói với chúng tôi: "Các bác sĩ ở đây khám bệnh và dặn dò rất cẩn thận. Họ hướng dẫn cho tôi cách uống thuốc, giữ vệ sinh mắt để nhanh khỏi. Ngày trước, người dân trong bản khi ốm thường tự cúng con ma để đuổi bệnh đi. Bây giờ, Nhà nước cho cái thẻ bảo hiểm y tế, khi đau ốm, chúng tôi không mời thầy cúng, cũng không tự uống thuốc ở nhà mà đến trạm y tế khám và uống thuốc nên bệnh nhanh khỏi hơn".
Xã Xín Cái nằm trên cao nguyên đá Mèo Vạc, có địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, đời sống của bà con còn rất thiếu thốn, tỉ lệ đói nghèo cao. Lo cái ăn, cái mặc chưa xong nên bà con hiếm khi nghĩ tới chuyện mua thuốc chữa bệnh. Khi bị đau ốm, mọi người thường tự chịu đựng hoặc làm lễ cúng con ma, lấy lá rừng về chữa. Vì thế, nhiều người bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Từ ngày Nhà nước cấp cho thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư xây dựng phòng khám đa khoa, bà con đã chịu khó đến đây khám chữa bệnh hơn. Nằm ở xã Xín Cái nhưng phòng khám đa khoa phục vụ khám chữa bệnh cho cả 3 xã Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Phòng khám đa khoa khu vực Xín Cái đạt chuẩn y tế quốc gia từ năm 2009. Tuy nhiên hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu nhiều. Phòng khám gồm 4 gian nhà xây cấp 4 được bố trí theo hình thức xen ghép: Phòng khám, phòng bệnh nhân, phòng thuốc, phòng làm việc. Vì chỉ có một phòng khám với 4 giường bệnh nên vào những ngày đông bệnh nhân tới khám, cán bộ y tế rất vất vả sắp sếp chỗ điều trị cho bệnh nhân. Thông thường, đội ngũ thầy thuốc ở đây bố trí chỗ ở cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân ở xa; còn những bệnh nhân ở gần được điều trị ngoại trú. Tùy theo tình trạng bệnh và yêu cầu của gia đình, các cán bộ y tế sẽ tư vấn cho gia đình hướng xử lý hoặc chuyển lên tuyến trên.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, định kỳ mỗi tháng một lần, phòng khám phối hợp với UBND 3 xã triển khai công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ từ 15 - 49 tuổi. Riêng các cháu mầm non dưới 5 tuổi được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Dược sĩ Lương Thị Huyền cho biết: "Trong các buổi họp thôn, chúng tôi tham gia tư vấn lồng ghép các nội dung, truyền thông giáo dục sức khỏe cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã ít nhất 30 lần/tháng, thôn bản ít nhất 5 lần/tháng...".
Nhờ tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, số lượt người dân tới Phòng khám đa khoa xã Xín Cai khám và điều trị bệnh tăng. Chương trình tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đạt 97% kế hoạch năm.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hòa tiếp chúng tôi ngay tại Trạm Y tế xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Chị cho biết, trạm có 3 cán bộ y tế gồm 2 y sĩ và 1 điều dưỡng. Về trang thiết bị, vật tư y tế, trạm hiện có 140 loại thuốc thông thường, máy điện châm, bộ dụng cụ khám nha khoa, phòng đẻ và 8 giường bệnh. Ngoài ra, còn có hệ thống cán bộ y tế thôn bản được đào tạo sơ cấp. Trung bình mỗi ngày Trạm Y tế xã Lao Chải tiếp nhận, khám chữa bệnh cho 3-4 bệnh nhân, còn những ngày đông khoảng 10-15 bệnh nhân. Bình quân mỗi năm trạm khám chữa bệnh cho khoảng 1.000 lượt bệnh nhân.
Với thâm niên công tác tại đây 4 năm, chị Hòa hiểu khá rõ về sức khỏe cũng như tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chị cho biết, 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Bà con trên địa bàn thường mắc các bệnh cúm, ho, tiêu chảy. Để nâng cao nhận thức của người dân, mỗi tháng cán bộ y tế xã Lao Chải đi tới các thôn, bản tuyên truyền 3 lần. "Ngoài công tác tuyên truyền, hằng tháng, chúng tôi tới từng thôn bản để tiêm chủng cho trẻ em. Có những thôn ở xa, đường đi khó khăn, chúng tôi vẫn phải cố gắng đến được tận nơi để đảm bảo trẻ được tiêm đúng, đủ vắc xin" - Chị Hòa cho biết thêm.
Chị Hòa vẫn còn nhớ, một ngày mùa đông rét mướt, đang ở trạm thì nhận được một ca cấp cứu trong khi sinh nở. "Đó là một sản phụ trẻ, không đến trạm y tế mà sinh đẻ tại nhà. Không may là bánh rau không bong ra. Lúc đó, người nhà khiêng cả con và người mẹ vẫn còn nguyên rau trong bụng đến đây. Tôi nhanh chóng thực hiện sơ cứu ban đầu rồi thuê xe, đi cùng người nhà đưa người bệnh xuống bệnh viện tỉnh. Khi bệnh nhân được cấp cứu an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm ra về" - Chị Hòa nhớ lại.
Qua tuyên truyền, nhận thức của người dân được nâng lên rất nhiều. Bây giờ, 100% phụ nữ mang thai đều tới trạm xá khám thai và sinh tại trạm y tế. Bà con có bệnh đều tới đây lấy thuốc. Tuy nhiên, vẫn còn một điều khiến chị Hòa băn khoăn là nam nữ thanh niên trên địa bàn kết hôn rất sớm. Con gái 15-16 tuổi đã lấy chồng, còn con trai là 17-18 tuổi. Do kết hôn sớm, cơ thể chưa phát triển toàn diện dẫn tới con của những cặp vợ chồng này thường bị thấp, còi. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa là việc tuyên truyền thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả chưa được như mong muốn. Tỉ lệ sinh con thứ 3 còn khá cao. Chị Hòa cho biết, chị và những cán bộ ở đây sẽ tiếp tục tuyên truyền để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cuối câu chuyện với chúng tôi, chị Hòa chia sẻ: "Bà con sống rất tình cảm và quý chúng tôi. Mùa nào thức nấy, người dân đều ghé qua trạm, tặng chúng tôi rau, quả. Những món quà ấy giá trị vật chất không lớn, nhưng thể hiện tình cảm quý trọng của bà con với chúng tôi. Nó như nguồn động viên, khích lệ chúng tôi làm việc tốt hơn. Hiện tại, tôi mong có một máy siêu âm và bác sĩ về trạm để phục vụ khám chữa bệnh cho bà con tốt hơn".
Bích Nguyên