Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Nỗ lực vì mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển

Biên phòng - Năm qua 2019, công tác biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia tiếp tục được duy trì và không ngừng củng cố, đóng góp vào việc giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực biên giới.

x3c8_8a
Thứ trưởng Lê Hoài Trung. Ảnh: Hoa Hạ

Và ngày 5-10-2019, Việt Nam và Campuchia đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được đến nay, tạo bước đệm quan trọng để hai nước tiến tới thống nhất 100% việc cắm mốc, xác định biên giới, từ đó tạo điều kiện góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước. Phóng viên báo Biên phòng đã phỏng vấn đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao về những chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác biên giới, lãnh thổ trong thời gian tới.

- Kính thưa Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với cương vị là Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao, xin đồng chí cho biết những thành tựu đã đạt được của quá trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hiện nay?

- Trải qua các triều đại phong kiến, từ khoảng thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX, giữa Việt Nam và Campuchia đã hình thành biên giới lịch sử. Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước có nhiều biến động bởi sự điều chỉnh của Toàn quyền Ðông Dương. Ðến khi Pháp rút khỏi Ðông Dương (năm 1954), toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Ðịa dư Ðông Dương xuất bản.

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1977, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán về biên giới nhưng không đạt kết quả. Sau khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời, Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau đàm phán về vấn đề biên giới, lãnh thổ. Ngày 18-2-1979, hai nước đã ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác, trên cơ sở Điều 4 Hiệp ước này, hai nước đã đàm phán và ký 2 văn kiện pháp lý quan trọng là: Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới ngày 20-7-1983 (gọi tắt là Hiệp ước nguyên tắc 1983) và Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ngày 27-12-1985 (gọi tắt là Hiệp ước hoạch định 1985).

Từ năm 1986, thực hiện Hiệp ước hoạch định 1985, hai bên đã tiến hành công tác phân giới cắm mốc (PGCM), đã phân giới được khoảng 200km đường biên giới, cắm 72 cột mốc (nhưng chưa làm hồ sơ PGCM). Đến đầu năm 1989, Campuchia đề nghị tạm dừng công tác PGCM.

Từ năm 1999, đàm phán biên giới trên đất liền được nối lại và ngày 10-10-2005, hai nước đã ký "Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985" (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2005). Hiệp ước bổ sung 2005 đã tái khẳng định giá trị của những hiệp ước, hiệp định biên giới mà Việt Nam và Campuchia đã ký kết trong những năm 80 của thế kỷ XX, đặc biệt là Hiệp ước hoạch định năm 1985.

Thực hiện Hiệp ước hoạch định 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005, trải qua 13 năm (2006 - 2019), các cơ chế của Ủy ban liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia (gọi tắt là Ủy ban liên hợp PGCM) đã hợp tác chặt chẽ trong trao đổi, triển khai nhằm hoàn thành các nhiệm vụ sau: Soạn thảo, ký kết các văn kiện pháp lý, kỹ thuật làm cơ sở triển khai công tác PGCM trên thực địa; PGCM (cả mốc chính, mốc phụ và cọc dấu) trên thực địa; Hợp tác với bên thứ ba trong việc thành lập bộ bản đồ địa hình biên giới mới; Soạn thảo và hoàn thành 2 văn kiện pháp lý ghi nhận toàn bộ thành quả PGCM biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được (khoảng 84%). 

Ủy ban liên hợp PGCM đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo cấp cao hai nước; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, nhất là người dân trong khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng hai bên và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các lực lượng trực tiếp tham gia công tác PGCM hai nước. Từ năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa. Ðến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí trên thực địa, đạt khoảng 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến.

Vừa qua, ngày 5-10-2019, tại Hà Nội, Việt Nam và Campuchia đã chính thức ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” ghi nhận toàn bộ thành quả PGCM biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được (tính tới thời điểm ký 02 văn kiện là khoảng 84%); đồng thời, hệ thống hóa dữ liệu thông tin địa lý liên quan đến đường biên giới, mốc quốc giới tại những đoạn biên giới đã được hai bên hoàn thành PGCM.

Việc ký 2 văn kiện pháp lý nêu trên là một sự kiện trọng đại, minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế, song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi. 

Liên quan đến công tác quản lý đường biên giới, mốc biên giới mới được PGCM, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, thống nhất một văn kiện mới về quy chế quản lý biên giới, thay thế cho Hiệp định quy chế quản lý biên giới ký năm 1983 đã lạc hậu và không còn đáp ứng với tình hình hiện nay. 

Như vậy, sau hơn 36 năm (1983 - 2019) đàm phán, hai nước đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới được PGCM, được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa, bằng một hệ thống mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững. Thành quả quan trọng nêu trên sẽ tạo động lực quan trọng để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết nốt 16% khối lượng công tác PGCM còn lại, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh một đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đúng với phương châm quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước.

- Trong quá trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia và tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, BĐBP đã tham gia hết sức trách nhiệm và hiệu quả. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của BĐBP trong quá trình này?

- Lực lượng BĐBP được Đảng và Nhà nước ta giao cho nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác liên quan tới bảo vệ, quản lý đường biên giới, góp phần vào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cũng như trong công tác hợp tác quốc tế và thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. 

Thứ nhất, trong công tác biên giới lãnh thổ, BĐBP đã đóng vai trò quan trọng liên quan đến công tác tham mưu xây dựng chính sách về biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề về đàm phán để hoạch định PGCM, cũng như chính sách giải quyết, thúc đẩy những vấn đề liên quan đến biên giới; và liên quan đến thông tin và tham mưu về những vụ việc nảy sinh và cách thức giải quyết vấn đề. Thứ hai, BĐBP là lực lượng chủ chốt, cùng với địa phương, các bộ ngành có liên quan quản lý tuần tra đường biên giới. Trong quá trình PGCM, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy các tỉnh, các đơn vị cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Đảng, Nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành về các biện pháp, chính sách của ta trong quá trình PGCM. BĐBP là lực lượng đảm bảo an ninh an toàn khi tiến hành quá trình PGCM cho cả ta và các nước trên thực địa. Thứ ba, BĐBP là lực lượng đóng góp xây dựng cơ sở dữ liệu, hồ sơ cho công tác PGCM, như hồ sơ liên quan đến vị trí, tọa độ, chiều cao cột mốc và cọc dấu. BĐBP cũng chính là lực lượng tham gia trực tiếp vào vấn đề PGCM, đi cùng tham gia phân giới trên thực địa; giúp vận chuyển và trực tiếp xây dựng các mốc, cọc dấu tại nhiều nơi, trong đó có những nơi địa hình rất hiểm trở, điều kiện thời tiết khí hậu khó khăn.

Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cũng như những đóng góp quý báu của BĐBP cũng như người dân khu vực biên giới, nỗ lực vì mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi tin tưởng rằng BĐBP sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt; chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương liên quan trong công tác biên giới lãnh thổ, bảo đảm quản lý tốt đường biên, mốc giới; tuyên truyền mạnh và rộng rãi các văn kiện pháp lý về biên giới, lãnh thổ mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng; tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc đàm phán với phía Campuchia tháo gỡ vướng mắc, sớm hoàn thành công tác PGCM đối với khoảng 16% các đoạn biên giới chưa PGCM trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Từ nhiều năm, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh BĐBP đã có quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia. Tôi luôn trân trọng và đánh giá cao sự hợp tác của các đồng chí chỉ huy các cấp của BĐBP và thường nhớ đến những nam, nữ chiến sĩ BĐBP mà tôi đã tiếp xúc trong các đợt công tác; những người trực tiếp làm công tác bảo vệ đường biên giới, họ đã bảo vệ cho các đoàn công tác, thông tin cụ thể về điều kiện địa hình, tình hình đường biên, mốc giới, lo đến cả bữa ăn, nơi nghỉ cho đoàn công tác, mà thường là ở các nơi còn khá khó khăn về kinh tế, điều kiện khí hậu thời tiết, địa hình ngặt nghèo. Họ sống, công tác ở những nơi xa xôi, nhiều khi hẻo lánh về địa lý nhưng họ gắn bó với người dân và ở trong lòng người dân.

- Theo Thứ trưởng, chúng ta cần tiếp tục làm gì để duy trì đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng?

- Việc quản lý và phát triển đường biên giới vừa là công việc của mỗi quốc gia, đồng thời cũng đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác với các nước láng giềng trên các mặt để xây dựng và duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và đóng góp vào sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. 

Trước hết, chúng ta cần cùng với Campuchia, nước duy nhất còn một phần đường biên giới trên đất liền với chúng ta chưa hoàn thành PGCM, trên cơ sở sở các kinh nghiệm đã thu được trong việc pháp lý hoá 84% công tác PGCM trước đây, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để phấn đấu hoàn thành nốt 16% còn lại của đường biên giới chưa PGCM. Việc PGCM toàn bộ tuyến biên giới với Campuchia có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định rõ ràng trên thực địa đường biên giới giữa hai nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý đường biên giới cũng như việc giao lưu, qua lại của cư dân biên giới.

Thứ hai, chúng ta cần cùng các nước láng giềng hoàn thiện, củng cố các khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc quản lý đường biên giới và khu vực biên giới phù hợp với thực tiễn cụ thể giữa ta và các nước. Như đã trình bày ở trên, với Campuchia, chúng ta mới chỉ hoàn thành 84% khối lượng công tác PGCM và mới ký 02 văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả này ngày 5-10-2019. Như vậy, nhiệm vụ về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc quản lý đường biên giới với Campuchia chính là việc đưa 2 văn kiện pháp lý này có hiệu lực, tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý biên giới trên thực địa. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ cần cùng với Campuchia đàm phán để ký điều ước quốc tế mới về quy chế biên giới đã ký trước đây, trong đó có việc đàm phán để ký với Campuchia điều ước về quy chế quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền thay thế Hiệp định quy chế quản lý biên giới 1983 đã trở nên lạc hậu. 

Đối với Lào và Trung Quốc, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ công tác PGCM, đã ký các điều ước quốc tế về quy chế biên giới và cửa khẩu. Như vậy, với hai nước này, nhiệm vụ chính là tập trung vào việc thực hiện các văn kiện pháp lý liên quan đến quản lý biên giới, đồng thời, trong quá trình thực hiện, sẽ xem xét việc bổ sung, điều chỉnh các quy định của các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới nếu có nảy sinh những vướng mắc, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế. 

Thứ ba, để giữ gìn đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới đã được hình thành trong quá trình PGCM, bảo đảm trật tự khu vực biên giới, tạo thuận lợi cho việc hợp tác xuyên biên giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương biên giới cũng như của mỗi nước, lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước láng giềng, trong đó đặc biệt là BĐBP, cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các công tác trên thực địa. Công việc này bao gồm việc tuần tra, kiểm soát đường biên giới; thực hiện các quy định về quản lý biên giới theo các điều ước quốc tế đã ký kết để thúc đẩy việc giao thương, qua lại biên giới; phối hợp trong việc phòng chống và đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới như tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất/nhập cảnh và đưa người vượt biên trái phép. 

qtpu_8b
Đội liên hợp cắm mốc của hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) dựng cột mốc 705 trên địa bàn biên giới thuộc huyện Nam Giang (Quảng Nam) và Kà Lừm (Sê Kông). Ảnh: CTV

Việc triển khai đồng bộ các công việc nói trên sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới giữa Việt Nam và các nước thành đường biên của hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phục vụ lợi ích của Việt Nam cũng như các nước láng giềng và lợi ích của nhân dân các nước, nhất là nhân dân ở khu vực biên giới.

- Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, khó lường, tạo ra nhiều thách thức cho môi trường an ninh đối ngoại của nước ta. Theo Thứ trưởng, thời gian tới chúng ta cần làm gì để triển khai chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới, lãnh thổ?

- Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều yếu tố khó lường, cạnh tranh nước lớn diễn biến phức tạp, tạo ra nhiều thách thức cho môi trường an ninh đối ngoại của nước ta. Đảng và Nhà nước đã xác định nhất quán chủ trương đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Công tác biên giới, lãnh thổ có đóng góp trực tiếp vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, phù hợp với phương châm “giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.  

Để phát huy thế mạnh biên giới, công việc đầu tiên là phải quản lý tốt đường biên giới đã có, hạn chế tối đa việc xảy ra tranh chấp, không để nảy sinh những diễn biến phức tạp hơn liên quan đến các nước láng giềng. Trước tiên, cần huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm cả các bộ ngành ở các cấp, đặc biệt là địa phương biên giới vào công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, gìn giữ trật tự, an ninh an toàn cho đường biên giới. Thứ hai, chúng ta cần hợp tác với các nước láng giềng, phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương để làm tốt công tác phòng chống tội phạm. Thứ ba, điều quan trọng là thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương dọc biên giới; phát huy những điểm thuận của khu vực biên giới, trước hết là thuận tiện về giao dịch thương mại, tận dụng thế mạnh, tiềm năng của các địa phương khu vực biên giới, thúc đẩy kinh tế địa phương gắn với đường biên giới; kinh tế cả nước gắn với biên giới, trong đó có vấn đề thương mại, du lịch, đầu tư.

Hiện nay, các nước láng giềng cũng đưa ra một số đề xuất về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới; từng bước hiện đại hóa các cơ sở vật chất cũng như hình thức quản lý, nâng cấp đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia vào công tác biên giới. Một nội dung quan trọng nữa là các hoạt động hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác biên giới lãnh thổ.

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, triển khai, thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, công tác đối ngoại nói chung và công tác về biên giới, lãnh thổ nói riêng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng. 

Hương Mai (thực hiện)

Bình luận

ZALO