Biên phòng - Năm 2020 khép lại với một bầu không khí “màu xám” bao trùm toàn cầu trước nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2. Bất chấp “bóng đen” Covid-19 bao trùm cùng sự suy thoái, biến động, bất ổn, bức tranh thế giới trong năm qua vẫn có những điểm sáng, “nổi bật” lên tinh thần đoàn kết quốc tế chống “kẻ thù chung”, cùng nỗ lực vượt qua dịch bệnh.

Bờ vực
Đến hết tháng 12-2020, toàn cầu có 81,5 triệu ca nhiễm gồm gần 1,8 triệu người tử vong do dịch Covid-19. Trong số đó có những chính trị gia, nguyên thủ, cựu nguyên thủ quốc gia, nhân vật nổi tiếng ở những nước vốn có điều kiện sống và hệ thống chăm sóc đặc biệt. Điều đó là minh chứng rõ nét cho thấy, Covid-19 không “chừa một ai”. Năm 2020 khởi đầu cho một thập kỷ mới đã từng mang nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, Covid-19 bùng phát và hoành hành khắp thế giới trong suốt năm qua đã đẩy toàn cầu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Kinh tế “lao dốc” khiến ở nhiều quốc gia gồm cả những quốc gia phát triển lâm cảnh khó khăn, người nghèo lâm cảnh bĩ cực, nạn đói bùng phát ở nhiều nơi, trong khi xung đột vũ lực vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm, đánh giá từ giới chuyên gia quốc tế cho rằng, năm 2020 là một năm tỏa sáng với những nỗ lực tạo bước đột phá về phát triển ở khắp mọi nơi trên trái đất. Song, nhân loại chưa từng trải qua thảm họa dịch bệnh nghiêm trọng như Covid-19 nên xuyên suốt cả năm vẫn là sự “loay hoay” tìm giải pháp chống chọi và xoay chuyển tình thế một cách yếu ớt.
Những ngày cuối năm, “ánh sáng nơi cuối đường hầm” là vắc xin ngừa Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng được triển khai tiêm chủng diện rộng ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, niềm hy vọng cũng không được dạt dào khi năng lực sản xuất vắc xin hiện vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhỏ của thế giới, tức là dịch bệnh sẽ còn dai dẳng trong một khoảng thời gian tương đối dài cho đến khi tất cả mọi người trên thế giới có cơ hội được tiếp cận vắc xin và có thể dập tắt được dịch bệnh.
Không chỉ dịch Covid-19, thế giới trong năm qua còn chứng kiến tác động nghiêm trọng của thiên tai, tham vọng địa chính trị, nhiều biến động chính trị, an ninh chưa từng có, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn. Có thể dễ dàng nhìn thấy, dịch Covid-19 đã phơi bày những “lỗ hổng” về chia rẽ của quốc tế, nhất là khi phải đương đầu với thảm họa dịch bệnh, các quốc gia vẫn sẵn sàng tranh chấp, đối đầu, xung đột...
Nhiều tổ chức quốc tế cũng bị suy yếu giữa cơn bạo bệnh của nhân loại. Tuy nhiên, trong khốn khó, một lần nữa nhân loại khẳng định cho sức mạnh của chủ nghĩa đa phương. Một số quốc gia và tổ chức khu vực cho thấy nỗ lực cùng nhiều giải pháp hướng tới liên kết, kết nối, hợp tác đa phương chống lại dịch bệnh, hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Nổi bật nhất là Liên hợp quốc với nỗ lực bền bỉ, hiệu quả trong giải quyết mâu thuẫn, chia rẽ giữa một số quốc gia, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “tất bật” với khối lượng công việc rất lớn về giảm thiểu xung đột, cứu trợ người dân,...
Chân lý của sức mạnh
Giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, dịch Covid-19 chỉ là một “cú hích” để thế giới bị cuốn vào “cơn lốc xoáy”. Đại dịch bắt đầu khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu khi các quốc gia buộc phải phong tỏa, đóng cửa biên giới. Cộng hưởng với sự suy thoái tiềm tàng và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, những hành động tranh giành giữa các quốc gia “leo thang” nghiêm trọng. Từ đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, tư tưởng áp đặt và tranh giành lợi ích của những quốc gia lớn được dịp trỗi dậy mạnh mẽ với lý thuyết bảo vệ lợi ích của bản thân, chà đạp lợi ích chung, xô đẩy nhiều quốc gia khác vào vòng xoáy cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Cùng với đó, nhiều giả thiết cho rằng, lượng vũ khí lớn dư thừa từ một số nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu dẫn tới việc cần những cuộc xung đột, đối đầu giữa các quốc gia để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tác động mạnh của dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thế giới nhìn nhận lại sự thực chất của sức mạnh nhân loại, đó chính là sự đoàn kết, sẻ chia. Là tổ chức quốc tế cao nhất, Liên hợp quốc trong năm qua đã cho thấy nỗ lực hiệu quả, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với các thách thức chung về kiềm chế sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ, thách thức an ninh toàn cầu đang trên đà gia tăng. Liên hợp quốc được kỳ vọng sẽ trở thành “thuyền trưởng” của thế giới, là người “anh cả” nắm trọng trách dẫn dắt các quốc gia vượt “sóng dữ” để đi tới sự ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng.
Trong khi nhiều tổ chức khu vực, liên minh trên thế giới vẫn chật vật gỡ “dây trói chân” là vấn đề nội bộ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một “điểm sáng” trong bức tranh thế giới. Trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Khối đã một lần nữa chứng minh rõ nét vị thế là tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Có thể kể đến, ASEAN là khu vực sát với “ổ dịch” đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng đã rất nhanh chóng khống chế hiệu quả đại dịch, ổn định nhịp sống của người dân trong trạng thái bình thường mới và tiến hành những bước tiến quan trọng tạo dựng nền tảng khôi phục và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Thế giới trong năm qua nhắc rất nhiều đến ASEAN với nội dung khẳng định rằng, ASEAN đã thực sự trở thành một điển hình cho chủ nghĩa đa phương quốc tế khi vượt mọi thách thức, khó khăn về dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, “vòng xoáy” cạnh tranh chiến lược, đối đầu giữa các nước lớn... để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Bước vào năm 2021, thế giới sẽ tiếp tục có thêm một năm đặc biệt với việc thực hiện những điều cả tích cực, cả tiêu cực còn dang dở của năm 2020. Có thể kể đến như những hành động, biện pháp toàn nhân loại như tiêm vắc xin ngừa Covid-19; ổn định và cân bằng những "vết nứt" chính trị; xoa dịu những bất ổn an ninh; triển khai các thành tựu hợp tác, hòa bình đã đạt được trong năm qua... Dù những dấu hiệu khởi sắc của năm 2021 vẫn mờ nhạt, song, sự đoàn kết, thống nhất quốc tế chính là cốt lõi quan trọng để khơi dậy niềm tin rằng, viễn cảnh năm mới sẽ tươi sáng hơn.
Thanh Trúc