Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 12:28 GMT+7

Nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Để chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), BĐBP Bình Định đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Nhờ đó mà ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, lao động phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Khánh, BĐBP Bình Định phối hợp với cán bộ địa phương đến tận phương tiện để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Thanh Bình

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, toàn tỉnh Bình Định có 5.707 tàu cá, trong đó, có 3.287 tàu từ 15m trở lên. Ngư trường hoạt động của ngư dân đánh bắt trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, tập trung nhiều ở khu vực Giữa và Nam biển Đông, có trên 98% đã lắp đặt thiết bị GPS, trong đó, có 72 tàu cá đã bán ngoài tỉnh nhưng chưa sang tên, 8 tàu cá chủ tàu có hộ khẩu ngoài tỉnh, 375 tàu đã di chuyển ngư trường vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre… trên 2 năm không về địa phương (đây là số tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài).

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, thời gian qua, BĐBP Bình Định đã chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đến ngư dân. Điển hình như phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Định, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định… tổ chức 5 lớp truyền thông, tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU cho trên 250 lượt cán bộ, hội viên, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân; tổ chức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền nhỏ lẻ 62 buổi với 1.462 lượt người dân là chủ tàu/thuyền trưởng. Phối hợp với báo, đài Trung ương, địa phương đưa trên 10 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về nội dung các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, BĐBP Bình Định thường xuyên nắm tình hình, xử lý các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới biển. Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên bờ, trên biển, bãi ngang. Kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, kiểm tra các phương tiện có nguy cơ vi phạm cao, trọng tâm là tàu thuyền khai thác xa bờ… Đến thời điểm này, hầu hết ngư dân trong tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; chấp hành nghiêm quy định về hoạt động khai thác hải sản trên biển; tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS).

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tại Bình Định vẫn xảy ra 3 vụ/1 tàu cá với 15 lao động vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, 2 tàu hoạt động ở các tỉnh phía Nam lâu năm không về địa phương. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, BĐBP Bình Định đã phối hợp với ngành thủy sản địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức 57 chuyến tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ/15 đối tượng với các lỗi chủ yếu như khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá.

Điều này cho thấy, vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa chấp hành nghiêm quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng khi khai thác hải sản xa bờ. Vì thế, nỗ lực chống khai thác IUU chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để tháo gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều đáng quan tâm, nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” mà còn bị phạt “thẻ đỏ” thì đời sống của nhân dân sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt là ở các địa phương có biển. Bởi ở tuyến biển, hầu hết bà con sống bằng nghề khai thác hải sản. Do đó, bằng mọi biện pháp phải làm cho ngư dân thấy được trách nhiệm của mình, để từ đó, khai thác hải sản đúng quy định, không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt cá xa bờ.

Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bình Định cho biết: “Thời gian tới, BĐBP Bình Định sẽ tiếp tục triển khai công tác nắm tình hình; quản lý chặt chẽ các tàu cá neo đậu, ra vào hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu cá hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Duy trì có hiệu quả hoạt động của các “Tổ thuyền đoàn kết”; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tàu cá không có đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị đảm bảo an toàn, tàu cá có biểu hiện nghi vấn vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định khi hoạt động trên biển”.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đồn Biên phòng, trạm kiểm soát Biên phòng tăng cường hiệu quả công tác quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển, bảo đảm 100% tàu cá từ 12m trở lên trước khi ra khơi phải được kiểm tra, kiểm soát và có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định; thường xuyên cập nhật lập hồ sơ, danh sách tất cả các loại tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên để theo dõi, quản lý, đặc biệt là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình trên biển để kịp thời phát hiện, xử lý, nhất là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản. Phối hợp với địa phương, các lực lượng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu chủ thuyền, thuyền trưởng lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình; không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản…

Thanh Bình

Bình luận

ZALO