Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Nỗ lực thoát khỏi thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam

Biên phòng - Nâng cao năng lực nhận thức, tính tự giác tuân thủ luật pháp của ngư dân trên đường làm ăn, đồng thời tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước là giải pháp được các địa phương ven biển tích cực triển khai trong mục tiêu xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, đưa thủy sản Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

zd70_10a
Trước giờ xuất bến, ngư dân hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường 6, thành phố Tuy Hòa được cán bộ Đồn Biên phòng Tuy Hòa phổ biến các quy định không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Phương Oanh

Nâng cao nhận thức cho ngư dân

Buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn chặn ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp do Đồn Biên phòng Tuy Hòa (BĐBP Phú Yên) vừa tổ chức tại làng biển phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bà con đánh bắt cá ngừ đại dương nơi đây. Cùng với nội dung phổ biến kiến thức luật pháp, câu chuyện nổi cộm được “mổ xẻ” trong buổi truyền thông lần này là thẻ vàng mà EC đang giơ lên để cảnh báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Trung tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên, báo cáo viên của buổi tuyên truyền pháp luật chia sẻ: “Thủy sản xuất khẩu Việt Nam vừa bị EC phạt thẻ vàng với lý do chúng ta chưa quản lý tốt nghề cá ven bờ và xa bờ. Ngư dân Việt Nam vốn mang tư duy nghề cá truyền thống, “điền tư, ngư chung”, hễ đóng ghe thuyền ra biển, ai muốn khai thác kiểu gì là cứ làm...

Tình trạng ngư dân ta khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài hoặc khai thác ven bờ trong vùng cấm và làm các nghề cấm đã diễn ra trong một thời gian dài. Chúng ta đã hội nhập, đã bước vào sân chơi thế giới phải tuân thủ luật quốc tế, phải thực hiện khai thác có kiểm soát, có báo cáo. Nếu không tuân thủ, chúng ta sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi”. Lúc đó cá ta đánh bắt về chỉ bán ở chợ của ta chứ không thể xuất khẩu, hệ lụy là đời sống của ngư dân không thể “cất lên” được”.

Bằng lối dẫn dắt sự kiện, phân tích vấn đề một cách ngọn ngành, dễ hiểu, người cán bộ tuyên truyền đã giúp ngư dân tiếp cận các thông tin, nắm bắt những khuyến nghị mà EC đã đưa ra đối với thủy sản Việt Nam. Buổi tuyên truyền pháp luật cũng dành nhiều thời gian để bà con đối thoại với các ngành chức năng, nghe giải đáp những vấn đề còn vướng mắc cũng như nêu kiến nghị, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng trên đường làm ăn.

Ngư dân Trần Hữu Phúc, chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương PY 92070TS bộc bạch: “Lâu nay, cùng với sự hời hợt với các vấn đề liên quan đến pháp luật về biển, ngư dân chúng tôi còn mang tâm lý "may rủi", chỉ nghĩ đến chuyện miễn sao ghe về có cá, cho dù đã được các cấp chính quyền và BĐBP tuyên truyền, căn dặn. Dự buổi họp này, nghe BĐBP phân tích vấn đề thủy sản Việt Nam bị giơ thẻ vàng, chúng tôi hiểu, nguy cơ từ chuyện ngư dân khai thác hải sản trái phép đã cận kề, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của mình. Nếu tiếp tục làm ăn bất chấp luật pháp là ngư dân đã tự “đập bể nồi cơm” của chính mình”.

Lão ngư Phạm Đạn cho biết, từ buổi tuyên truyền của BĐBP, ông không chỉ nắm bắt các hình thức, mức độ xử phạt đối với trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn biết thêm các khuyến nghị của EC có cảnh báo tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương tiện cấm.

“Sự khắt khe, nghiêm minh của Nhà nước sẽ xây dựng kỷ cương, tạo lập ý thức tuân thủ nghiêm luật pháp cho cộng đồng ngư dân khi ra biển làm ăn. Lâu nay, nhìn cách một số bà con mình dùng các phương tiện giã cào, ngư cụ mắt lưới nhỏ ra sức cào vét đáy biển, tôi cũng như nhiều người rất nóng ruột. Tôi thiết nghĩ, làm như khuyến nghị của EC, chúng ta sẽ bảo đảm được nghề cá phát triển lâu dài cho thế hệ con cháu” - Ông Đạn tâm đắc.

Hướng đến một nghề cá có trách nhiệm

Thiếu tá Lê Thế Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết, tỉnh Phú Yên là cái nôi của nghề khai thác cá ngừ đại dương, trong đó, địa bàn trọng điểm là thành phố Tuy Hòa. Sau hơn 20 năm theo nghề này, đời sống của ngư dân nơi đây đã phát triển vượt bậc. Hiện, địa phương có hơn 600 tàu thuyền cùng với gần 5.000 ngư dân thường xuyên ra biển xa làm ăn. Trong quá trình khai thác, ngư dân có xu hướng chạy theo luồng cá, rồi đi vào vùng biển nước ngoài lúc nào không biết, chưa kể đến một số trường hợp mang tư tưởng may rủi, ham lợi nên vi phạm. Do vậy, việc ngăn chặn ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép là một trong những vấn đề được lực lượng BĐBP tỉnh nói chung, Đồn Biên phòng Tuy Hòa quan tâm từ rất sớm.

Từ năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 689 về việc ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, đơn vị đã ráo riết triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động và quản lý, kiểm soát hoạt động các tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, thực tế, vẫn khó quản lý tình trạng ngư dân đi vào vùng biển nước ngoài đánh cá và bị bắt.

Từ năm 2011 đến 2013, tình hình ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt khá rộ, có năm 2 đến 3 vụ. Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền của BĐBP, giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, không có một trường hợp nào bị bắt giữ. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2017, có đến 5 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, trong đó, đặc biệt nghiêm trọng có 2 thuyền viên bị Cảnh sát Phi-líp-pin bắn chết. 

Trung tá Huỳnh Văn Đính cũng cho biết, một trong những yêu cầu quản lý tàu cá của nghề cá hiện đại là cần có các thiết bị tự động cập nhật hành trình đi biển của ngư dân. Song, cũng như nhiều địa phương khác, thực tế, tại Phú Yên chỉ mới có 100 tàu cá gắn thiết bị Movimar có thể thực hiện chức năng này. Ngoài ra, các máy vô tuyến điện hiện đang được ngư dân sử dụng phổ biến trên tàu cá chỉ dùng để nhắn tin, đàm thoại chứ không thể kiểm soát được hành trình tàu cá nếu ngư dân không chủ động mở liên lạc.

Cũng theo Trung tá Đính, việc quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản cũ (năm 2003) đã không còn phù hợp trong điều kiện nghề cá chúng ta phát triển và hội nhập với thế giới. Mới đây, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 45 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Bộ Tư lệnh BĐBP đã có Công văn 5076 về triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai ngay nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, trước hết là siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các trạm kiểm soát, cảng cá trước khi tàu thuyền xuất bến; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ tàu thuyền an toàn trong việc gắn kết, nhắc nhở nhau khi đánh bắt hải sản trên biển.

Từ thực tế đảm trách nhiệm vụ tại địa bàn, Trung úy Phạm Văn Huân, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng, thuộc Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết: Trước mỗi chuyến biển, khi ngư dân xuất sổ hành trình, cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở , cán bộ trạm đều yêu cầu bà con viết cam kết không đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài.

“Chúng tôi cũng nêu lên các hình thức, mức độ xử phạt, trong đó nhấn mạnh việc cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới đối với chủ tàu vi phạm. Ngoài ra, cán bộ trạm cũng xuống mỗi tàu kiểm tra nhân lực, nguyên liệu, lượng hậu cần, các thiết bị hàng hải, thiết bị an toàn. Dù chỉ một thời gian ngắn, song, những biện pháp trên đã thay đổi tích cực nhận thức cũng như sự tuân thủ luật pháp của ngư dân khi hành nghề trên biển” - Trạm trưởng Phạm Văn Huân chia sẻ.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO