Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Năm 2021, cũng như nhiều địa phương khác, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán và nước mặn xâm nhập. Dù vậy, huyện đã nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Qua đó, đời sống đồng bào không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Mô hình trồng quýt đường mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào huyện U Minh. Ảnh: Hồng Diễm

Hiện, toàn huyện U Minh có 5,7% hộ DTTS, bao gồm dân tộc Khmer, Hoa, Thái, Mường, Chăm, Ê Đê, Tày. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng lớn nhất, phần lớn làm nghề nông, mua bán nhỏ và lao động phổ thông, tập trung đông nhất ở xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Nguyễn Phích và Khánh Thuận.

Chúng tôi về thăm xóm Khmer Lớn, thuộc ấp 6, xã Khánh Hòa, trước mắt chúng tôi là hình ảnh những con đường trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, cây cầu tạm bợ nay đã được bê tông hóa, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, điển hình như gia đình ông Đào Từ, ở ấp 6, xã Khánh Hòa. Trước đây, cuộc sống gia đình ông Đào Từ gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất, nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cá, sò huyết, nên gia đình ông và nhiều hộ Khmer trong xã đã nhanh chóng thoát nghèo. Vài năm gần đây, nhờ biết áp dụng mô hình nuôi đa canh trên cùng diện tích đất canh tác đã tạo cho gia đình ông có thu nhập ổn định, thu nhập bình quân đạt 100 - 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, không chỉ nhà ông Đào Từ mà cuộc sống bà con Khmer nơi đây khá ổn định, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ ở U Minh còn biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, có nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao vị thế phụ nữ ở vùng đồng bào DTTS. Chị Thái Thị Lam (ấp 6, xã Khánh Hội) chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm rau, củ, quả sử dụng thuốc trừ sâu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Xuất phát từ mong muốn sử dụng các sản phẩm sạch, tôi đã thực hiện ý tưởng trồng rau sạch trong nhà lưới để giảm bớt sâu bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, gây hại đến môi trường và sức khỏe con người. Rau được trồng trong nhà lưới, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa mang lại lợi ích kinh tế, giúp tôi có cuộc sống ổn định”.

Theo ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, trở ngại, địa phương vừa phải gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều xã vùng cam, có lúc là vùng đỏ, làm tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương bị chững lại. Tính đến cuối năm 2021, huyện có 21/26 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết HÐND huyện đề ra, còn 5 chỉ tiêu chưa đạt.

Thời gian tới, toàn Ðảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân sẽ nỗ lực phấn đấu, đồng lòng mới có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Ðồng thời, tập trung mọi nguồn lực triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ vốn... Cùng với đó, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, góp phần đưa đời sống của người dân U Minh ngày càng phát triển.

N.Tâm - H.Diễm

Bình luận

ZALO