Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:11 GMT+7

Nỗ lực nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đóng vai trò rất lớn để giữ ổn định địa bàn dân cư, đảm bảo cho đời sống cộng đồng ở đây ngày một phát triển. Tiến trình xây dựng đời sống văn hóa vùng DTTS có thể sẽ gian nan hơn, nhưng nỗ lực sẽ không dừng lại.

Cán bộ Quân y BĐBP Thanh Hóa khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc tại phiên chợ Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTH

Các cấp, các ngành nỗi lực triển khai chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức thực hiện đảm bảo cao nhất có thể các hạng mục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường, bộ mặt nông thôn mới ở vùng dân tộc miền núi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc miền núi ở các vùng giảm dần. Nhất là các vùng biên giới, BĐBP nỗ lực hỗ trợ đồng bào xây dựng kinh tế, tuyên truyền về cách làm mới, mô hình mới thích ứng với tình hình dịch bệnh. Công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, từ đó giá trị văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 vấp phải năm đầu tiên ngưng trệ nhiều dự án vì Covid-19. Trong khi nhu cầu tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an sinh xã hội, từ đó, bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc luôn là nhu cầu cấp thiết.

Không thể phủ nhận, việc quảng bá văn hóa và củng cố giá trị truyền thống ở các vùng DTTS đã kích thích du lịch phát triển, từ đó, tạo ra một diện mạo mới cho miền núi, vùng DTTS. Khi đời sống bớt đi khó khăn, giá trị xã hội được tạo ra thì văn hóa cũng được bảo tồn, gìn giữ, đó là 2 mặt tương quan để đi đến mục tiêu cuối cùng là phát triển vùng đồng bào DTTS cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến hầu hết các vùng DTTS trong năm qua chỉ ở mức ổn định chứ không có bước phát triển đột phá. Thực tế cho thấy, sự ảnh hưởng của dịch bệnh phần lớn tập trung vào các mảng đầu tư và khai thác từ bên ngoài.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động có vay vốn để đầu tư bất động sản và cơ sở dịch vụ đều bị làn sóng Covid-19 nhấn chìm, còn những gia đình đồng bào DTTS sở hữu đất đai tại chỗ, có nguồn lực con người tại chỗ thì vẫn cầm cự được theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, duy trì cuộc sống bình thường, chỉ không phát triển kinh doanh được do tiến trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội đều bị gián đoạn.

Đời sống văn hóa của cộng đồng các DTTS vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển kinh tế. Chỉ có kinh tế mới vực dậy được đời sống và từ đó mới bảo tồn được văn hóa, đảm bảo đời sống tinh thần. Hiện nay, không còn nhiều các vùng DTTS có mặt bằng dưới mức nghèo đói dẫn tới ảnh hưởng đời sống tinh thần như những thập niên trước đây. Văn hóa trực tiếp hình thành nên lối sống và nhân cách con người, tô đậm nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Bức tranh chung sắc màu dân tộc sáng dần lên do đời sống bà con khấm khá, mạng Internet phủ rộng khắp các vùng, miền và thế hệ thanh, thiếu niên DTTS được lĩnh hội thời đại nhanh hơn, mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp, dẫn dắt và nâng đỡ cộng đồng.

Việc các cấp, các ngành chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới cũng khiến cho đời sống văn hóa ở các vùng DTTS được nâng lên môt bước. Các thiết chế xã hội muốn phát triển đồng bộ phải có văn hóa làm cầu nối, làm nền tảng. Văn hóa truyền dẫn và thúc đẩy kinh tế, xã hội ổn định, nhiều vùng, miền, bà con đã quen thuộc với mô hình phát triển kinh tế quy mô gia đình, tự giác thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tham gia đầy đủ công cuộc bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch tốt hơn.

Nghị quyết số 33/NQ-TƯ ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời đã làm biến chuyển nhận thức toàn xã hội về bảo tồn văn hóa. Không thể phủ nhận sự thật là tốc độ đô thị hóa, phát triển nóng ở nhiều khu vực đã làm văn hóa mai một đi, rất khó phục hồi lại nguyên bản. Nhiều công trình lớn, hiện đại mọc lên khiến các cụm dân cư mất thế chủ động, phải di dời, rơi rớt đi văn hóa vật thể, cùng với đó là đời sống tinh thần - văn hóa phi vật thể cũng không còn giữ được. Đời sống đói nghèo khiến nhiều lễ hội có tính cộng đồng, cố kết tạo nên sức mạnh dân tộc dần biến mất.

Tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi có dịp tham dự một buổi chợ phiên đặt biệt do địa phương phối hợp với Hội Phụ nữ và Đồn Biên phòng Bát Mọt, BĐBP Thanh Hóa tổ chức. Sự kiện này nhằm tạo ra hoạt động truyền thông, kích thích phụ nữ vùng biên giới Bát Mọt tìm sinh kế, sáng tạo trong lao động sản xuất quy mô gia đình, từ đó, xóa đói giảm nghèo cho vùng DTTS, miền núi biên giới đặc biệt khó khăn này.

Những người tổ chức sự kiện cho hay, thay vì cứ trao nhận hạt giống, con giống, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thì họ tạo ra một phiên chợ trao đổi, mua bán gồm rất nhiều mặt hàng khác nhau và các bên hỗ trợ, nhận hỗ trợ đều tham gia. Việc này không chỉ đảm bảo rằng, các nguồn hỗ trợ dạng “Phiên chợ 0 đồng” vẫn được trao đi, mà các mặt hàng nhu yếu phẩm khác, nông sản địa phương do chính họ làm ra cũng được tiêu thụ. Khi quy trình sản xuất thông suốt, sản phẩm được đón nhận thì như một cách tự nhiên, tinh thần của người dân, của cộng đồng phấn chấn hơn hẳn. Ở phiên chợ rộn rã nhiều tiếng cười, trao đổi về phương thức sản xuất, giao lưu mua bán.

Một mặt khác, cách tổ chức chợ phiên cũng phù hợp với văn hóa riêng có tính chất vùng miền của Bát Mọt. Bình thường, phiên chợ ở đây chỉ diễn ra vào những ngày cố định. Đồng bào Thái, Mường ở các bản làng rất xa nhưng tháng nào cũng tham gia các phiên chợ, ngày chợ tại địa phương. Tổ chức chợ phiên cũng là cách tập trung bà con một cách hiệu quả nhất, từ đó, kết hợp với các hoạt động truyền thông hoặc khám chữa bệnh, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào.

Có rất nhiều yếu tố chi phối việc xây dựng đời sống văn hóa ở vùng DTTS. Các dự án phát triển không tính đến yếu tố tôn trọng đời sống văn hóa đều không đạt được hiệu quả về mặt truyền thông. Sự đa dạng về cảnh quan văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền, gắn với không gian tự nhiên cũng góp phần làm cho cộng đồng DTTS củng cố niềm tin, cảm thấy thực sự đang sống trên quê hương bản làng của mình, không bị các làn sóng văn hóa xa lạ tấn công. Sự khác biệt và những giá trị tạo nên bản sắc về văn hóa vật thể như kiến trúc, ẩm thực, trang phục và văn hóa phi vật thể gồm tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật dân gian luôn cần được tôn trọng và nỗ lực không ngừng để bảo tồn.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO