Biên phòng - Trong bối cảnh biến thể virus SARS-CoV-2 ngày càng lan rộng với lượng ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thừa nhận yếu kém trong quá trình phê duyệt và triển khai vắc xin ngừa Covid-19. Cùng với đó, EU khẳng định, nỗ lực mới về nghiên cứu biến thể và sản xuất vắc xin chống biến thể Covid-19 sẽ mang tới hiệu quả cao trong thời gian tới.
Mới đây, EU cho biết sẽ sớm khởi động một chương trình nghiên cứu biến thể của virus SARS-CoV-2 và hướng tới sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 thế hệ thứ hai với kỳ vọng có khả năng chống được các biến thể Covid-19 trong tương lai. Chia sẻ trước truyền thông quốc tế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, chương trình có tên gọi là “Vườn ươm HERA”. Chương trình này là sự hợp tác công tư, quy tụ các cơ quan y tế, nhà chức trách, các đơn vị trong ngành công nghiệp dược phẩm, sinh học, phòng thí nghiệm và nhà nghiên cứu.
Cũng theo bà Ursula von der Leyen, virus SARS-CoV-2 hiện nay đã biến đổi và sẽ tiếp tục tiến hóa trong thời gian tới. Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 với biến thể mới đang ngày càng gia tăng và lan rộng khắp châu Âu và trên thế giới. Chính vì vậy, việc có những hành động sẵn sàng ứng phó với các biến thể virus là điều hết sức cấp thiết. “Vườn ươm HERA” với chiến lược chống biến thể Covid-19 sẽ trở thành cơ quan ứng phó khẩn cấp về y tế mới của EU trong dài hạn.
Các ưu tiên bao gồm phát triển các thử nghiệm đặc biệt, đẩy nhanh quá trình cấp phép vắc xin và tăng cường sản xuất vắc xin. Nổi bật trong đó là xác định các biến thể bằng cách giải trình tự bộ gen virus của ít nhất 5% mẫu dương tính. Một mạng lưới gồm 16 quốc gia EU và 5 quốc gia không thuộc EU (bao gồm Thụy Sĩ và Israel) sẽ được thiết lập để kiểm tra và trao đổi thông tin lâm sàng.
Truyền thông quốc tế cho biết, các nước thành viên EU hiện được yêu cầu đóng góp thêm tài chính để EU có thể tăng cường nguồn lực ứng phó và điều chỉnh những hợp đồng cung cấp vắc xin đã được ký kết, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch nghiên cứu và phát triển vắc xin thế hệ mới.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, để các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh của EU đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, chắc chắn sẽ cần đạt được sự đồng thuận nhiều hơn nữa trong nội bộ các quốc gia thành viên, đặc biệt là sự chia sẻ trách nhiệm và đóng góp nguồn lực. Mặt khác, các nhà chức trách của EU cũng cần thể hiện rõ nét hơn về hiệu quả trong các nỗ lực ứng phó với dịch bệnh.
Trước khi công bố nỗ lực mới của EU, bà Ursula von der Leyen cũng đã thừa nhận rằng, EU có nhiều yếu kém trong việc phê duyệt và triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian qua. Việc chậm trễ phê duyệt và triển khai đã khiến EU chịu áp lực rất lớn từ các quốc gia thành viên và rút ra nhiều bài học để có các biện pháp thích ứng tốt hơn. Hiện nay, EU đã cấp phép sử dụng đối với 3 loại vắc xin gồm AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).
Hãng dược phẩm được mệnh danh “người khổng lồ” của Mỹ là Johnson & Johnson là đơn vị mới nhất nộp đơn xin cấp phép vắc xin tại EU và dự kiến được cấp phép vào tháng 3 tới đây. Johnson & Johnson hiện đã sẵn sàng phân phối vắc xin ngừa Covid-19 trong EU vào quý II, đồng thời cho biết, loại vắc xin này có hiệu quả phòng bệnh đạt 66%. Kết quả này được công bố vào tháng trước sau cuộc thử nghiệm toàn cầu quy mô lớn chống các biến thể mới. Một trong những điểm mạnh của Johnson & Johnson so với các vắc xin khác là khả năng tiến hành tiêm chủng diện rộng dễ dàng hơn, bởi vắc xin này không cần tiêm mũi thứ 2 và ưu điểm về bảo quản đông lạnh trong quá trình vận chuyển.
Liên quan đến dư luận về việc đưa vắc xin Sputnik-V của Nga vào thị trường đơn lẻ châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết, hiện Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chưa cấp phép loại vắc xin này và cũng chưa có bất kỳ cơ sở nào sản xuất ở châu Âu. Bà Ursula von der Leyen cũng bày tỏ một số lo ngại về nguồn cung cấp vắc xin của Nga khi nước này cung cấp cho các nước khác hàng triệu liều, trong khi Nga chưa được tiêm chủng đầy đủ cho người dân của mình.
Thanh Trúc