Biên phòng - Tính từ đầu tháng 10 đến nay, đã có hàng trăm nghìn lượt người từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố (TP) Hồ Chí Minh… trở về các tỉnh Tây Nam bộ sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ngoài việc đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian cách ly, vấn đề tạo việc làm cho lao động hồi hương đang được chính quyền nhiều địa phương quan tâm hỗ trợ.
Trong đợt hồi hương này, Sóc Trăng là địa phương có số lượng người lao động trở về rất lớn (có khoảng 50 nghìn người). Nhiều người bày tỏ không muốn quay lại thành phố làm việc vì kí ức về những tháng ngày khó khăn, luôn sống trong nỗi lo dịch bệnh khiến họ hoang mang, sợ hãi. Trong khi đó, qua rà soát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, chỉ có khoảng 3 nghìn người. Vì thế, nhiều người đã không khỏi trăn trở vì không biết sắp tới phải xoay xở việc làm như thế nào.
Chị Dương Thị Như (ngụ tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Tôi cũng muốn được làm việc tại quê nhà chứ không muốn đi làm xa nữa, nhưng ở quê lại không có nhiều lựa chọn việc làm. Tôi hi vọng sắp tới địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động hồi hương để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”.
Nguyện vọng của chị Như cũng là nguyện vọng của nhiều người dân Sóc Trăng trong đợt hồi hương này. Lắng nghe và thấu hiểu tâm tư người dân, tỉnh Sóc Trăng luôn nỗ lực tìm nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Song song với việc chăm lo chu đáo cho người dân, tỉnh này cũng đã có kế hoạch rà soát, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, hỗ trợ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn không cao, tư liệu sản xuất tại chỗ không dồi dào, tỉ lệ người lao động có tay nghề không nhiều nên Sóc Trăng còn gặp nhiều khó khăn trong hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Tại tỉnh Cà Mau, dù đang căng mình hỗ trợ người dân hồi hương, chăm lo an sinh xã hội, nhưng tỉnh cũng đã bắt tay vào khảo sát tình hình sở hữu đất sản xuất, ngành nghề chuyên môn, nhu cầu việc làm của hơn 30 nghìn người trở về để có phương án giải quyết giúp người dân ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại, tỉnh đang rà soát nắm thông tin của người lao động trở về đợt này, đồng thời, tiến hành khảo sát nắm thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Trên thực tế, mỗi năm, Cà Mau giải quyết việc làm khoảng 40 nghìn lao động, trong đó, lao động ngoài tỉnh và lao động nước ngoài chiếm khoảng 50%. Như vậy, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các doanh nghiệp địa phương, tỉnh còn cung ứng lao động theo nhu cầu cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh,... do vậy, lực lượng lao động Cà Mau từ các tỉnh về trong những ngày qua là cơ hội để các doanh nghiệp trong tỉnh tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
Cùng với nới lỏng giãn cách xã hội nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, TP Cần Thơ quan tâm tiếp sức, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ tháng 8 đến nay, TP có hơn 50% doanh nghiệp, hợp tác xã đã hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sử dụng đông lao động như: chế biến thủy sản, may mặc, da giày, số lao động đã trở lại làm việc từ 50 đến 70%, đồng thời, chuyển đổi phương án sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Hiện tại, TP Cần Thơ đã đạt cấp độ 1 theo Nghị quyết số 128/ NQ-CP ngày 11-1-2021 của Chính phủ quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các biện pháp phòng chống dịch được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đang khẩn trương thực hiện kế hoạch khôi phục sản xuất. Để mở cửa trở lại sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, Cần Thơ đã ưu tiên vắc xin cho lực lượng công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, với 20 nghìn lao động hồi hương, trong đó, nhiều người đã được tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi nên Cần Thơ cũng đề xuất bổ sung lực lượng này vào các doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, để giúp lao động tự do, lao động trở về từ vùng dịch có việc làm, ổn định cuộc sống, TP rà soát lại số lao động này để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với lao động có tay nghề, có nguyện vọng làm việc tại chỗ, TP giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn, vì nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhu cầu cần tuyển lao động cao. TP ưu tiên đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với những lao động trở về từ vùng dịch chưa có tay nghề để họ tự tạo việc làm ở địa phương.
Theo Cục việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự kiến, số lao động về quê quay trở lại làm việc khoảng 60 - 70%, điều này sẽ tạo nên bất hợp lý cung – cầu lao động. Tại các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh, TP miền Đông Nam bộ, sau khi trở lại hoạt động sẽ bị thiếu hụt nhân lực, trong khi lực lượng lao động ở các vùng nông thôn bị dư thừa rất nhiều. Vì thế, cùng với giải pháp của từng địa phương hỗ trợ người lao động, TP Cần Thơ sẽ đứng ra làm cầu nối tổ chức phiên giao dịch việc làm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Phiên giao dịch này sẽ được tổ chức bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp tại 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đây là hoạt động nhằm giải quyết bài toán việc làm, cân bằng hài hòa cung - cầu lao động, giảm gánh nặng cho các địa phương.
Hồng Diễm