Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 06:45 GMT+7

Nỗ lực hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Đông

Biên phòng - Tại Hội nghị quốc tế bàn về các biện pháp thúc đẩy nối lại đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel vừa diễn ra trong tuần này tại Thủ đô Paris (Pháp), với hơn 70 quốc gia tham dự, trong đó, có các nước chủ chốt ở châu Âu và Arab cùng các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tái khẳng định sự ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, đồng thời cảnh báo không công nhận tất cả các hành động đơn phương đe dọa giải pháp đàm phán, đặc biệt về vấn đề biên giới và quy chế của Jerusalem.

1qsi_25
 Một khu định cư của Israel ở Givat Ze'ev, gần Jerusalem. Ảnh: Reuters

Thông điệp gửi Mỹ và Israel

Lần thứ hai Hội nghị quốc tế về Trung Đông được tổ chức tại Thủ đô Paris của Pháp. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới lo ngại bùng phát các đợt bạo lực mới giữa Israel và người Palestine, trong khi giải pháp hai Nhà nước dường như khó khăn hơn bao giờ hết. Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng nước chủ nhà Jean-Marc Ayrault nêu rõ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán, mặc dù thừa nhận việc này là rất khó khăn, song không có lựa chọn nào khác.

Cuộc họp ở Paris nằm trong một loạt nỗ lực của cộng đồng quốc tế về vấn đề Israel-Palestine, trong đó, hoạt động quan trọng nhất diễn ra tại LHQ ngày 22-12-2016. Khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ không phủ quyết mà bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết của HĐBA yêu cầu Isarel chấm dứt các hành động định cư trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Vài ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa phản đối các hành động xây dựng các khu định cư này của Israel, đồng thời trình bày những nguyên tắc để giải quyết cuộc xung đột này.

Hội nghị được cho là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, cộng đồng quốc tế coi giải pháp hai Nhà nước là cách tốt nhất để đạt được hòa bình trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Ngay trước thềm nhậm chức vào ngày 20-1, ông Donald Trump đã tuyên bố cam kết theo đuổi chính sách ủng hộ Israel và dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, động thái được cho là công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Biện pháp này có nguy cơ hủy hoại nỗ lực kéo dài 8 năm qua của Washington và đi ngược với lập trường của LHQ, theo đó, quy chế của Jerusalem, trong đó phần phía Đông thuộc về Palestine đã bị Israel chiếm đóng năm 1967 và sau đó sáp nhập vào nước này vào năm 1980, phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Theo một nhà ngoại giao Pháp giấu tên, mặc dù thông cáo chung của Hội nghị không đề cập dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ, nhưng "có một thông điệp ẩn chứa gửi đến chính quyền của ông Donald Trump sắp tới". Các nước tham dự đã hối thúc Israel và Palestine phải chứng tỏ cam kết đối với giải pháp hai Nhà nước, tránh những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến đàm phán. Trong cuộc họp báo sau đó, Ngoại trưởng Pháp Ayrault tuyên bố, việc chuyển Đại sứ quán Mỹ sẽ là "một hành động khiêu khích" và sẽ "kéo theo hậu quả cực kỳ nặng nề".

Tiếp tục "giấc mơ" dang dở

Với việc cả Israel và Palestine đều không cử đại diện tham dự Hội nghị quốc tế Paris, các nhà phân tích nhận định, nỗ lực của cộng đồng quốc tế về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Trung Đông vẫn còn nhiều chông gai. Theo các chuyên gia chính trị Ai Cập, thực chất cuộc họp Paris lần này chủ yếu đem đến sự ủng hộ mang tính "biểu tượng" đối với quyền của người Palestine, nhưng sẽ không thay đổi nguyên trạng hiện nay.

Phản ứng với Hội nghị hòa bình ở Paris, Palestine miêu tả sự kiện này là sự thể hiện quốc tế đối với việc nhận thức rõ hòa bình giữa Palestine và Israel. Ngược lại, Israel lại cho rằng, Hội nghị "thật sự vô ích, gian lận", nhằm chống lại nhà nước Do Thái. Ông Netanyahu cho rằng, đây là đòn phối hợp giữa Pháp và Palestine nhằm áp đặt lên Israel các điều kiện vốn không tương xứng với những lợi ích quốc gia của Israel.

Nếu như Palestine ủng hộ việc quốc tế hóa cuộc xung đột thì phía Israel phản đối gay gắt tất cả các biện pháp đa phương đối với hồ sơ này và chính quyền của ông Netanyahu tỏ rõ sự tin tưởng vào sự ủng hộ của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng Donald Trump. Trong bối cảnh đó, cuộc họp Paris chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng vào thời điểm mà viễn cảnh giải pháp hai Nhà nước đang "lâm nguy" vì trên thực tế, Israel vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư và người Palestine tiếp tục các cuộc tấn công.

Cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine đã bị đóng băng từ tháng 4-2014 và đến tháng 10-2015, bạo lực giữa người Palestine và Israel bùng phát, nhất là tại khu vực thánh địa Jerusalem và Bờ Tây, gây nhiều thương vong. Căng thẳng giữa Israel và Palestine càng bị đẩy lên cao khi trong năm 2016, Israel đã xây dựng hàng nghìn nhà định cư ở bên trong và xung quanh Đông Jerusalem.

Trong nhiều thập kỷ qua, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine liên tiếp bị gián đoạn. Mặc dù các bên đều tuyên bố mong muốn đạt một thỏa thuận hòa bình, song trên thực tế vẫn chưa thực sự có bước đột phá nào trong các vòng đàm phán. Giải thích cho những thất bại này, giới phân tích cho rằng những bất đồng vốn đã tồn tại từ lâu giữa Israel và Palestine (chủ yếu trong các vấn đề mấu chốt như đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng, hay quy chế đối với thành phố Jerusalem) rất khó hóa giải và đó cũng là nguyên nhân chính cản trở một giải pháp hòa bình.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa người Palestine và Israel chưa có hồi kết, việc tổ chức một Hội nghị hòa bình Trung Đông theo sáng kiến ngoại giao của Pháp đã thắp lên hy vọng về một giải pháp tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng Trung Đông. Sau nhiều thập kỷ xung đột, rõ ràng hòa đàm là con đường duy nhất để cộng đồng quốc tế thực hiện lời hứa trao cho người Palestine một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Cuộc gặp gỡ tại Paris đã thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt xung đột, thành lập một đất nước Palestine độc lập - yếu tố quan trọng để mang đến hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông.

Như Lan

Bình luận

ZALO