Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Nỗ lực “hồi sinh” du lịch sau đại dịch

Biên phòng - Sau thời gian dài phải ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nặng nề, nhất là trong lần bùng phát dịch bệnh thứ tư này, các hoạt động du lịch gần như bị đóng băng, nhiều kế hoạch, sự kiện quảng bá du lịch bị đình trệ, trì hoãn. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành đã dần nới lỏng các hoạt động, lên kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch trở lại vào những tháng cuối năm để tạo đà phát triển du lịch cho năm 2022.

Một du khách tham gia mô hình trải nghiệm thực tế tại An Giang qua ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Hồng Diễm

Phủ sóng vaccine “hồi sinh” du lịch

Nhiều tháng qua, ngành du lịch của thành phố Cần Thơ “đóng băng” vì nhiều điểm nóng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, khiến các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch không thể diễn ra. Theo thống kê của ngành du lịch, kết quả hoạt động du lịch trong 10 tháng của năm giảm sâu so với cùng kì, tổng lượt du khách đến chỉ đạt 2,1 triệu lượt (giảm 50%), các doanh nghiệp lưu trú chỉ phục vụ được khoảng 877 nghìn lượt (giảm 46%). Trong đó, hoạt động lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là lữ hành quốc tế vì trong năm vừa qua, Cần Thơ đã tạm ngưng đón khách quốc tế để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài ra, lữ hành nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng (giảm 76% so với cùng kì).

Để nhanh chóng phục hồi, ngành du lịch quan tâm đề xuất nhiều giải pháp xây dựng kịch bản ứng phó, đồng thời xúc tiến các sản phẩm du lịch. Trong đó, để lao động ngành được tiêm vaccine là điều kiện kiên quyết cho doanh nghiệp mở cửa đón khách trở lại. Bên cạnh đó, đề xuất các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức lại hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, tổ chức tập huấn nguồn nhân lực ngành du lịch nhằm đáp ứng hoạt động du lịch trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Sở đã tham mưu triển khai xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch đảm bảo mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch đến du khách, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối tour, tuyến, đồng thời, gặp gỡ, trao đổi và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp du lịch trong nước. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá xúc tiến, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút khách tham quan.

Hiện, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã rục rịch mở cửa đón khách trở lại, nhưng vẫn rất thận trọng, các sản phẩm du lịch đều theo tiêu chí “xanh” chia từng nhóm nhỏ, an toàn và trọn gói. Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ - Xây dựng - Du lịch Hoàng Hôn (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) cho biết, hiện tại, tâm lý khách du lịch đã thay đổi, nếu trước đây, khách thường đi theo nhóm đông, tour lớn thì nay họ đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình. Vì vậy, công ty thiết kế các tour phù hợp và thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nên được nhiều du khách lựa chọn.

“Khi phục hồi du lịch, vấn đề được công ty quan tâm chính là đảm bảo an toàn cho khách, cho chính hộ làm du lịch và người dân địa phương. Vì thế, việc phủ vaccine là cần thiết, nhất là đối với những khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, qua đó, tạo sự an tâm cho du khách khi đi du lịch” - ông Hôn cho biết thêm.

Giải pháp mới cho ngành du lịch

Không để khó khăn dịch bệnh kìm hãm sự phát triển du lịch, các tỉnh, thành ĐBSCL đã đang tìm nhiều giải pháp thích ứng quảng bá du lịch bằng hình thức trực tuyến, các ứng dụng tham quan địa điểm du lịch thực tế ảo, bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.

Nhận định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp chiến lược tất yếu trong thời điểm hiện tại để ngành du lịch Cần Thơ phục hồi và phát triển nên ngành du lịch thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch để thích ứng. Các sự kiện quảng bá du lịch đã chuyển đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến. Song song với đó là đưa vào hoạt động các mô hình chuyển đổi số tích hợp nhiều tính năng, nổi bật là ứng dụng “Can Tho Tourism” cho phép người dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch theo vị trí, như: ẩm thực, điểm du lịch, lưu trú, sự kiện, giải trí, lữ hành... Bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại từ trí tuệ nhân tạo, tham quan 3D, thực tế ảo VR, ứng dụng giúp người dùng hoạch định lịch trình, đặt phòng nhanh chóng, định vị điểm đến và đường dẫn thông minh qua bản đồ tương tác. Đồng thời, công nghệ thực tế ảo còn đóng vai trò như một trợ lý, cung cấp thông tin điểm đến thuyết minh qua hệ thống audio.

Cũng là địa phương có nhiều điểm du lịch nổi tiếng của vùng ĐBSCL, để các địa điểm và sản phẩm du lịch của địa phương mình “đứng yên tại chỗ”, An Giang đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp quảng bá thông qua nền tảng mạng xã hội và ứng dụng chuyển đổi số. Vừa qua, tỉnh này đã tổ chức triển khai thực hiện triển lãm thực tế ảo với chủ đề “Phục hồi du lịch An Giang” trên ứng dụng SEENSIO. Đây là lần đầu tiên, An Giang ứng dụng nền tảng thực tế ảo vào công tác quảng bá về du lịch địa phương. Việc ứng dụng các nền tảng này vừa đáp ứng được công tác đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về du lịch, vừa phù hợp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Chỉ cần ngồi ở nhà thông qua ứng dụng, du khách sẽ được tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của An Giang như: Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, chợ Châu Đốc, làng bè Châu Đốc, Thiên Cấm Sơn, rừng tràm Trà Sư... Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích hợp các hình ảnh, logo, video và các standee giới thiệu về các chương trình tour, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch An Giang.

Qua việc thay đổi các phương thức tiếp cận với du khách, An Giang đang từng bước thay đổi, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tận dụng sự phát triển của Internet để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch của địa phương cũng như cách tiếp cận của du khách.

Tham gia trải nghiệm trên ứng dụng, chị Nguyễn Thị Lan Thanh chia sẻ: “Tôi chưa đến An Giang lần nào, nên có nhiều địa điểm tôi rất muốn đi nhưng chưa có cơ hội. Dù thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng, nhưng tôi cũng không chủ quan. Qua tìm hiểu, tôi biết tới hoạt động trải nghiệm này của An Giang rất thú vị, mang lại cảm giác mới lạ, chân thật, khi nào dịch bệnh được kiểm soát triệt để, tôi sẽ đến An Giang để trải nghiệm thực tế”.

Hồng Diễm

Bình luận

ZALO