Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn biên giới

Biên phòng - Phụ trách địa bàn 2 xã A Ngo và A Bung thuộc huyện vùng cao Đakrông, tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, BĐBP Quảng Trị đã có nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Qua đó, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống và giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng động đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều.

Một buổi tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho các em học sinh trên địa bàn. Ảnh: Thành Phú

Không còn hôn nhân cận huyết thống

Hai xã A Bung và A Ngo có tổng số 2.200 hộ/8.812 nhân khẩu với hơn 85% là người dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tồn tại khá lâu trên địa bàn do trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó kéo theo tốc độ phát triển chung của địa phương.

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn phụ trách, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, tập trung vào truyền thông cho các đối tượng là thanh niên và các em học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở để họ sớm nhận biết tác hại của hôn nhân cận huyết thống, qua đó, tạo sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của các em để sẵn sàng nói không với hôn nhân cận huyết thống.

Ông Ngô Hùng, Bí thư Đảng ủy xã A Ngo chia sẻ: “Do nhiều yếu tố tác động và những phong tục, hủ tục lạc hậu nên việc kết hôn cận huyết thống trong đồng bào Pa Kô, Vân Kiều trên địa bàn xã thời gian trước đây diễn biến khá phức tạp, gây nên nhiều hậu quả, hệ lụy xấu về chất lượng dân số cũng như điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Sau khi có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo UBND xã, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng CKQT La Lay tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, giải thích đến với mỗi hộ gia đình người dân. Đến nay, trên địa bàn xã A Ngo, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được chấm dứt hoàn toàn”.

Kiên quyết giảm thiểu vấn nạn tảo hôn

Anh Hồ Cu Roái, 25 tuổi, ở thôn A Bung, xã A Bung vừa tháo chốt cánh cửa chuồng thì ngay lập tức cả đàn dê đã lao ra và chạy thẳng vào khoảng rừng phía trước để tìm kiểm thức ăn. Năm 2020, anh Roái được Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay tặng một cặp dê giống trong mô hình “Dê giống khởi nghiệp”. Từ đó đến nay, cặp dê giống đã phát triển với tổng đàn gần 15 con và gia đình anh trở thành điển hình về xây dựng gia đình hạnh phúc của tuổi trẻ địa phương.

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La Lay cùng địa phương tặng dê giống cho hộ gia đình trẻ mới kết hôn tại địa bàn xã A Ngo, huyện Đakrông để giúp họ phát triển kinh tế. Ảnh: Thành Phú

Anh Roái chia sẻ: “Ngày trước, năm mình chưa được 16 tuổi, bố mẹ đã bảo lấy vợ nhưng mình nghe lời các anh Đồn Biên phòng CKQT La Lay, nếu lấy vợ như vậy vừa vi phạm pháp luật, vừa vất vả, nên mình đã nghe theo. Đến năm 2020, lúc đó 23 tuổi, mình mới cưới vợ và được các anh tặng dê giống, vì thế, kinh tế gia đình mình mới ổn định. Vợ chồng mình bàn với nhau là chỉ sinh 2 con thôi theo chính sách của Nhà nước để có điều kiện chăm sóc cho con cái học hành phát triển”.

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các xã A Ngo và A Bung đã cùng với cán bộ địa bàn của Đồn Biên phòng CKQT La Lay tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, đẩy lùi tình trạng tảo hôn được 107 buổi có 5.835 người tham gia; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được 450 giờ; in, cấp phát 9.756 tờ rơi cho nhân dân. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, đơn vị cũng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Đến nay, trên địa bàn 2 xã A Ngo và A Bung chỉ còn 11 trường hợp tảo hôn so với 70 đến 80 trường hợp thời gian trước đây.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, Đồn Biên phòng CKQT La Lay còn giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống, nhất là những cặp vợ chồng trẻ kết hôn đúng tuổi quy định của pháp luật. Phối hợp tăng cường công tác bám nắm tình hình, kiểm tra, giám sát địa bàn nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn để cùng với gia đình, họ tộc tuyên truyền, vận động họ thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình...

Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT La Lay phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Thành Phú

Tuy đã đạt được những kết quả khả quan và tỷ lệ tảo hôn giảm nhiều, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn xảy ra, do đời sống của bà con còn khó khăn, một số thôn, bản ở cách xa trung tâm xã, nên việc tiếp cập các thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thanh niên, vị thành niên còn hạn chế. Có trường hợp đã sống với nhau như vợ chồng, nhưng lại không đăng ký kết hôn nên đã gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác nắm tình hình về tảo hôn trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết: “Để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn phụ trách, thời gian tới, đơn vị sẽ tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là những tác hại, hậu quả của việc tảo hôn đến các đối tượng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, phối hợp với gia đình, dòng họ, các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình”.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO