Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:08 GMT+7

Nỗ lực giảm người nghiện ma túy tại vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Kéo giảm tỷ lệ nghiện ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi là một mục tiêu xuyên suốt nhiều năm qua của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều giải pháp đã được triển khai để thực hiện mục tiêu trên, trong đó có tuyên truyền, vận động, ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy, tổ chức cai nghiện và mới đây nhất là hoạt động thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Những bệnh nhân đầu tiên tham gia cơ chế nhận thuốc Methadone nhiều ngày tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hải Huệ

Trung du và miền núi phía Bắc là “điểm nóng”

Theo Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS gần đây nhất, trên địa bàn cả nước có trên 37 nghìn người DTTS nghiện ma túy và trên 17 nghìn người DTTS nhiễm HIV/AIDS tại 5.468 xã thuộc vùng DTTS. Ở thành thị, tỷ lệ người nghiện ma túy là người DTTS là 20,2%, trong khi đó, con số này ở nông thôn cao hơn gần 3 lần (59,8%). Trung du và miền núi phía Bắc là một “điểm nóng” với tỷ lệ người nghiện ma túy là người DTTS cao nhất cả nước, chiếm 66,6%.

Một điều đáng lưu ý là nếu như ở nông thôn, tỷ lệ người DTTS nghiện ma túy có xu hướng tăng từ 0,24% năm 2015 lên 0,27% năm 2019 thì ở thành thị, tỷ lệ này không thay đổi (0,28%). Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, 2 vùng trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có tỷ lệ người DTTS nghiện ma túy cao nhất, tương ứng là 0,4% và 0,29%.

Đa số người nhiễm HIV/AIDS là do lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn, qua đường máu và đường kim tiêm mà chủ yếu là tiêm chích ma túy, cho nên số ca nhiễm HIV/AIDS tỷ lệ thuận với số người nghiện ma túy. Tỷ lệ ca nhiễm HIV/AIDS là người DTTS ở nông thôn cao gấp hơn 3 lần so với thành thị với tỷ lệ lần lượt là 51,7% và 16,6%.

Trong số 10 tỉnh có tỷ lệ người DTTS nghiện ma túy và tỷ lệ người DTTS nhiễm HIV/AIDS cao hơn mức trung bình của cả nước, có 8 tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. “Điểm nóng” của tệ nạn ma túy và nhiễm HIV/AIDS là ở 4 tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu. Đáng chú ý, ở Điện Biên, tỷ lệ người DTTS nghiện ma túy vẫn cao nhất cả nước (1,42%), cao gấp 5,2 lần mức trung bình cả nước và qua hơn 4 năm, tỷ lệ người DTTS nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng tăng lên.

Những con số thực tế trên cho thấy, nếu không có các biện pháp mạnh tay và sự nỗ lực cao độ hơn nữa, rất có thể trung du và miền núi phía Bắc sẽ rơi vào “vòng xoáy” của tệ nạn ma túy - HIV/AIDS.

Thí điểm cấp thuốc cai nghiện điều trị tại nhà

Trong những năm qua, cùng với các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, Việt Nam đã triển khai điều trị cai nghiện ma túy cho người nghiện. Đáng chú ý, từ đầu tháng 4-2021, Việt Nam bắt đầu triển khai Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Hoạt động này diễn ra trong vòng 2 năm 2021-2022. Đây được coi là bước tiến mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều trị nghiện cho người bệnh, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, đi lại khó khăn, giảm thiểu tình trạng bỏ điều trị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai chương trình điều trị Methadone cho thấy, tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50% tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, để giảm vấn đề bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà. Việc này sẽ giảm thời gian, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt. Cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhà cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như Covid-19 - ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế, nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.

Chính vì những lý do trên, Bộ Y tế đã điểm triển khai Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng trong vòng 2 năm 2021-2022, bắt đầu từ ngày 5-4-2021. Trong đó, Điện Biên và Lai Châu được lựa chọn vì là 2 tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, tỉ lệ người nghiện cao, nhiều người bệnh phải đi hàng chục cây số mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hằng ngày. Các điểm cấp phát thuốc Methadone đã được triển khai tại một số tại trạm y tế xã nhưng vẫn không đáp ứng được cho những người bệnh vì các làng, bản quá xa. Việc cấp phát thuốc cai nghiện cho người bệnh điều trị tại nhà được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực, giúp phần nâng cao tỉ lệ người nghiện các dạng chất thuốc phiện cai nghiện thành công.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long cho biết, việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý chất gây nghiện, hướng thần của Bộ Y tế và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn trong Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone của Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo đó, người bệnh phải có đơn tự nguyện xin được cấp thuốc Methadone nhiều ngày; cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng thuốc sai mục đích hoặc để xảy ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào. Đồng thời, ngành y tế phải đảm bảo an toàn, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, an ninh, trật tự của bản thân người bệnh hoặc người khác.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO