Biên phòng - Hiện nay, ở tất cả các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều hình thức phong phú, trực quan, sinh động, giúp đồng bào nắm vững thông tin và chung tay cùng cả nước phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.
Tại Cao Bằng - địa phương có 90% là đồng bào dân tộc Tày, việc dùng ngôn ngữ địa phương, hình ảnh trực quan để minh họa là cách mà các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Cao Bằng thực hiện trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Thiếu tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng cho biết, người dân trên địa bàn đơn vị quản lý chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Nùng. Do tình hình dịch bệnh hiện nay, ở cả Việt Nam và Trung Quốc, các trường học và các cơ sở sản xuất đều tạm thời đóng cửa, dừng các hoạt động, dẫn đến tình trạng số lượng người dân nói chung và người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng về lại địa phương rất lớn. Thêm vào đó, nhu cầu thăm thân, đi lại của người dân tăng cao do đồng bào có mối quan hệ thân tộc, mối quan hệ công việc, làm ăn với nước bạn Trung Quốc.
Thiếu tá Dương chia sẻ: “Trước tình hình trên, chúng tôi đã tăng cường thực hiện “3 bám, 4 cùng” với đồng bào để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đơn vị cũng dựa vào các tài liệu hướng dẫn, các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cho bà con với nhiều hình thức, bằng cả ngôn ngữ phổ thông cũng như tiếng dân tộc, địa phương. Để nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của đồng bào, chúng tôi chú trọng đến việc phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín và ưu tiên cử các cán bộ có kinh nghiệm làm công tác tuyên truyền để tăng hiệu quả tuyên truyền”.
Bên cạnh việc kiểm soát người qua lại trên các đường mòn, lối mở, đơn vị đã phối hợp với cán bộ y tế phun dung dịch sát khuẩn, khử trùng ở các khu vực trọng điểm; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và cấp phát miễn phí 4.750 chiếc khẩu trang, 30 lít dung dịch khử trùng cho nhân dân biên giới phòng chống, dịch bệnh Covid-19...
Tại Lào Cai, ông Nông Tuấn Thắng, Tổ trưởng tổ 1, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện, phường Phan Si Păng có khoảng hơn 1.000 người dân tộc thiểu số. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cán bộ tổ dân phố trên địa bàn phường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống từng nhà dân phát khẩu trang, tờ rơi tuyên truyền; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là trong các khu dân cư tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Khu dân cư Suối Hồ, Khu dân cư Sín Chải... Chúng tôi cố gắng để giúp đồng bào hiểu rõ về dịch bệnh, đề cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, sợ hãi, tin tưởng vào chính quyền địa phương. “Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào. Sau Tết, người Mông thường xuống chợ, xuống huyện để đi chơi, du xuân. Năm nay, khi có thông tin về dịch bệnh, đồng bào đã hiểu và hạn chế tới nơi đông người” - Ông Thắng thông tin thêm.
Theo báo cáo của UBND thị xã Sa Pa, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang được địa phương thực hiện tốt. Để kiểm soát tốt tình hình, UBND thị xã Sa Pa đã lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tất cả các xã, phường. Qua kiểm tra, các xã, phường đều chủ động trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Thị xã đã tuyên truyền đến nhân dân về tình hình dịch bệnh qua hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử thị xã; truyền thông trực tiếp tại các buổi họp thôn được 294 buổi với 16.452 lượt người tham gia; phát trên 13.000 tờ rơi về phòng, chống dịch; tiến hành phun khử khuẩn tại Bệnh viên Đa khoa huyện, các điểm công cộng, trường học, bến xe, nơi tập trung đông người...

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn, Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang cho biết: “Với đặc thù địa bàn hơn 80,5% là đồng bào dân tộc Mông, bà con có mối quan hệ thân tộc với người dân phía Trung Quốc và có nhu cầu qua lại biên giới lớn. Một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế trong sử dụng tiếng phổ thông nên không phải ai cũng nghe và hiểu hết được những khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng, chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, chúng tôi đã áp dụng nhiều cách thức để tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành, giúp người dân chủ động phòng tránh”.
“Từ khi có dịch, hàng ngày, chúng tôi tổ chức tuyên truyền lưu động bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc lưu động tại các khu vực như chợ, nương rẫy, đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức phát tờ rơi với nhiều hình ảnh trực quan để đồng bào dễ dàng tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, chúng tôi còn cử các tổ tuyên truyền phối hợp với chính quyền địa phương, với phương châm “Gõ cửa từng nhà, gặp từng người” để thông tin đầy đủ nhất về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng, chống dịch đến đồng bào” - Thiếu tá Hà Văn Đô chia sẻ.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, bước sang giai đoạn chống dịch mới, rất cần đồng bào các dân tộc thiểu số bình tĩnh, hành động có trách nhiệm, để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh. Đồng bào cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo từ Bộ Y tế: Hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tự chăm sóc nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình, theo dõi nguồn thông tin chính thống. Đồng bào cũng hạn chế việc tích trữ đồ ăn, chỉ mua đủ dùng và không nên tự ý rời bỏ công việc đang làm để tránh dịch, dẫn tới công việc bị đình trệ, ứ đọng, ảnh hưởng tới xã hội.
Cẩm Linh