Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

Biên phòng - Thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Trong bối cảnh đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn không bị bỏ lại phía sau trong đà phát triển của đất nước.

vzs9_16a
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 25, Bộ Tham mưu BĐBP rà phá xử lý bom mìn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: Viết Hà

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn (trong đó có 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng (các tài liệu nước ngoài là 10%). Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là những người lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ tính riêng tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi, đã có trên 22.800 nạn nhân do bom mìn, trong đó, 10.540 người chết và 12.260 người bị thương. Theo một số chuyên gia về vật liệu nổ, hầu như số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ, song vì một lý do cơ chế kích nổ gặp trục trặc nên chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát, nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Theo Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC): “Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực, đồng thời huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá bom mìn, để sau vài chục năm tiếp theo có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của cả dân tộc Việt Nam".

Được biết, những năm qua, các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Chủ tịch nước đã ký văn kiện phê chuẩn Việt Nam gia nhập Công ước 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; các bộ, ngành ban hành 9 thông tư, 6 quyết định và 10 công văn để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế...

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ (trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học). Năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định. 

Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học), cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Năm 2019, đã hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 6.447 người khuyết tật, sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và cho 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

Về giáo dục, cả nước hiện có trên 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có trên 90.000 trẻ khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt, 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 2 trường đại học sư phạm và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Năm 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu và hệ thống chữ nổi Braille cho người khuyết tật; tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non; tài liệu hướng dẫn đánh giá học sinh khuyết tật cấp tiểu học; tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ công cụ ASQ-3 (đánh giá sự phát triển trẻ mầm non) trong các cơ sở giáo dục mầm non; tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật... Về giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, theo báo cáo chưa đầy đủ của bộ, ngành và địa phương, trong năm 2019, khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo tại các cơ sở giáo dục Nhà nước; hỗ trợ cho 2.277 người khuyết tật vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 người khuyết tật.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO