Biên phòng - Mức xử phạt trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản còn nhẹ so với khu vực; mẫu chứng thư khai thác còn thiếu một số thông tin so với quy định của châu Âu; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm..., đó là đánh giá của bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ Các vấn đề biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) trong đợt kiểm tra lần 2 của Đoàn thanh tra EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Từ ngày 5 đến 14-11-2019, Đoàn thanh tra của EC đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trong đó, Kiên Giang là địa phương được EC chọn để kiểm tra chống khai thác IUU. Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3.990 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó, tàu có chiều dài từ 25m trở lên là 618 chiếc. Tính đến ngày 30-10-2019, tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.030 tàu, có chiều dài từ 15m trở lên, chiếm 75,9%. Riêng tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đã lắp đặt được 562 tàu, đạt 90,9%.
Sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục những sai sót, hạn chế. Theo đó, tỉnh đã tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kết nối với trạm bờ để quản lý các phương tiện ra khơi. Hoạt động khai thác hải sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát hằng ngày và điện yêu cầu đưa tàu quay về khi vượt ranh giới vùng biển Việt Nam. Các tàu cá đều phải nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải và báo cáo kết quả khai thác thủy sản về Ban quản lý cảng cá, bến cá. Sau đó, Ban quản lý cảng cá, bến cá sẽ báo cáo về Chi cục Thủy sản tỉnh theo đúng quy định. Ngoài ra, tất cả các tàu thuyền trước khi vào cập cảng bắt buộc phải thông báo cho Ban quản lý cảng cá để kiểm soát.
Qua 10 ngày tiến hành kiểm tra, Đoàn thanh tra EC khẳng định, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5-2018) và đang đi đúng hướng. Trong đó, bước đầu đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật trên thực tế. Việt Nam cũng đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, kể từ khi EC đưa ra “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, đến nay đã hơn 2 năm. Trong thời gian đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố ven biển đã vào cuộc rất quyết liệt và Việt Nam không bị cảnh báo “thẻ đỏ”. Đây là điều rất đáng ghi nhận và đã được Đoàn thanh tra EC đánh giá rất cao. Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đợt kiểm tra sau của EC có kết quả khả quan hơn, Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ triệu tập họp thông báo kết luận để triển khai khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Ông khẳng định, công tác tuyên truyền là rất quan trọng để tất cả các bên tham gia hiểu rằng, quy định pháp luật cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm.
Trước đó, vào tháng 9-2019, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”. Báo cáo từ VASEP cho biết, trước khi có “thẻ vàng”, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. EU chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm qua. Riêng xuất khẩu hải sản luôn đạt kim ngạch 350-400 triệu USD/năm, chiếm khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU. Khi Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” vào tháng 10-2017 thì giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm nhiều. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 390 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng của năm 2019, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở sản phẩm cá ngừ 6,3%, mực và bạch tuộc 13%... Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5. Điều này được VASEP nhấn mạnh là do tác động từ “thẻ vàng” của EC.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trong 6 tháng tới. Đồng thời, Việt Nam phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo giám sát trước ngày 15-5-2020.
Đoàn thanh tra EC khuyến nghị, để tháo gỡ “thẻ vàng”, Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác. Cùng với đó, nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24m, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị. Việt Nam cũng cần tái cơ cấu đội tàu cá và định hướng lại sản xuất chế biến với nhiều sản phẩm. Đặc biệt, Chính phủ cần có chủ trương và khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản, chú trọng nuôi công nghiệp. Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền thì việc thay đổi trong nhận thức của người dân là hết sức quan trọng để đảm bảo triển khai đồng nhất, toàn diện các giải pháp chống khai thác IUU mà Chính phủ đã đề ra.
Quang Long