Biên phòng - Gần đây, có nhiều trường hợp bác sỹ, y tá, người dân dù đã được tiêm vaccine Covid-19, nhưng vẫn có thể mắc bệnh, thậm chí có trường hợp tiêm vaccine Covid-19 sau 24 giờ đã tử vong không rõ nguyên nhân. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại của người dân về các quy trình tiêm chủng, chưa kể người dân còn lo lắng loại vaccine nào đảm bảo an toàn nhất khi đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19.

Lợi ích không thể phủ nhận của vaccine
Hiện nay, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp 4 loại vaccine Covid-19 là AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm và Pfizer. Bộ Y tế Việt Nam đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax. Tuy nhiên, trước mắt, người dân Việt Nam đang thực hiện tiêm chủng loại vaccine của hãng AstraZeneca theo cơ chế Covax.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, đa số người dân thành phố Hồ Chí Minh đang tiêm vaccine của hãng AstraZeneca. Theo hãng này, ghi nhận khoảng 4-6 tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai mới tạo được miễn dịch tốt nhất. Trong 4 tuần đầu sau khi tiêm mũi thứ hai, nếu tiếp xúc F0 vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao vì chưa được bảo vệ tốt nhất. “Sau tiêm mũi thứ hai khoảng 4 tuần, khả năng mắc bệnh giảm, nhưng không có nghĩa 100% không mắc bệnh. Theo đó, cơ thể mỗi người tạo ra lượng kháng thể khác nhau sau khi tiêm vaccine. Nếu tiêm mà cơ thể không tạo ra lượng kháng thể đủ thì vẫn bị nhiễm virus” - ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói thêm.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, chúng ta không thể nói chất lượng vaccine không tốt. Bởi ngay cả người từng mắc Covid-19 rồi vẫn có thể tái nhiễm, phụ thuộc cá nhân có tạo ra lượng kháng thể đủ để phòng chống bệnh hay không. Lợi ích của vaccine phải nhìn trên tổng thể, ở yếu tố miễn dịch cộng đồng. Trong đó, khi chúng ta thực hiện tiêm vaccine đồng loạt, với tỷ lệ khoảng 70-80% người trong cộng đồng được chích ngừa, chúng ta có thể bảo vệ được cộng đồng đó khỏi mắc bệnh.
Tương tự, Giáo sư Trần Tịnh Hiền, Giám đốc chuyên môn Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không có bất cứ loại vaccine nào bảo vệ 100% người tiêm khỏi mắc bệnh. Theo một khảo sát trên dân số Anh đã chủng ngừa từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, vaccine Covid-19 AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ 60% sau 28 ngày.
Theo công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine AstraZeneca giúp giảm các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong và bệnh nặng. “Ở môi trường bệnh viện hay ở bất cứ cộng đồng nào, dù người dân đã tiêm vaccine, nếu ghi nhận tỷ lệ 5-10% trường hợp xét nghiệm dương tính, thì không phải do tiêm chủng thất bại” - Giáo sư Trần Tịnh Hiền nói thêm.
Theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền, việc tiêm vaccine Covid-19 rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, bởi ngoài khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng hay tử vong, tiêm ngừa vaccine tạo ra lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho dân chúng, khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80% dân số. Vì vậy, không thể nói vaccine AstraZeneca không tốt. Thực tế, hai loại vaccine tốt nhất hiện nay ở Mỹ và cả thế giới là Moderna và Pfizer, vẫn có những trường hợp mắc bệnh sau tiêm.
Quy trình đảm bảo an toàn
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, quy trình tiêm vaccine Covid-19 chung là khi đi tiêm phải qua các bước: Đo huyết áp, khám sàng lọc rồi mới tiêm vaccine. Các quy trình được các nhân viên y tế thực hiện khá chuyên nghiệp, không có sơ hở ở công đoạn nào.
Theo ông Dũng, đánh giá thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine đang sử dụng tại Việt Nam có tỉ lệ phòng bị là 76% sau mũi thứ nhất và 82% sau mũi thứ 2. Đối với biến chủng Delta, tỉ lệ phòng bị giảm xuống còn khoảng 33% sau mũi thứ nhất và khoảng 80% sau mũi thứ 2. Điều đó cho thấy, các chủng virus mới làm các loại vaccine hạn chế khả năng bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, điểm lợi thế lớn nhất của vaccine phòng Covid-19 là ngăn bệnh chuyển nặng, giảm đến tối thiểu khả năng tử vong cho người mắc. Quan trọng nhất là người đã tiêm vaccine nếu bị bệnh thì rất hiếm khi xảy ra bệnh nặng. Ngoài ra, người đã tiêm ngừa nếu mắc virus xâm nhập được vào cơ thể thì khả năng virus nhân lên thấp hơn bình thường, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng thấp hơn.
Ông Nguyễn Trí Dũng dẫn chứng, thực tế các trường hợp mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh hầu như không có triệu chứng. Ngoài ra, tải lượng virus tại các bệnh nhân thấp giúp hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tiêm 200.000 liều vaccine Covid-19 một ngày, trong 5 ngày hoàn tất chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 836.000 liều. Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh phải kéo dài 2-3 ngày mới hoàn thành mục tiêu này. Nguyên nhân là do những ngày đầu triển khai chiến dịch còn chậm, số lượng tiêm còn hạn chế.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, nếu người khám sàng lọc không hướng dẫn chi tiết, giải thích rõ ràng cho người đi tiêm có thể dẫn đến tình trạng người đi tiêm sẽ hoảng, không tiêm, dẫn đến tỉ lệ hoãn và hoảng ngày càng nhiều. Nguyên nhân thứ 2, việc huy động tiêm ở ngoài dân còn chậm do không tập trung, khó thông tin. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố Hồ Chí Minh cần mở song song điểm tiêm lưu động và điểm tiêm ở bệnh viện, cơ sở y tế có chức năng tiêm chủng.
“Hiện nay, số người thuộc diện hoãn tiêm, phải tiêm ở bệnh viện cũng khá nhiều. Ví dụ như bị mề đay, bị dị ứng nhẹ, đo huyết áp hơi cao một chút... thì có nhiều điểm tiêm lưu động xếp vào diện “hoãn tiêm”. Ngoài ra, phải phối hợp với chính quyền tuyên truyền với việc tiêm chủng an toàn, những lưu ý trước, trong và sau tiêm tới đông đảo người dân” - bác sĩ Khanh cho biết thêm.
“Người dân muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm thì cũng phải đặt yếu tố an toàn lên đầu tiên. Công đoạn tiêm thì rất dễ và nhanh nhưng để an toàn, công tác khám sàng lọc rất quan trọng và mất nhiều thời gian hơn cả. Tiếp theo là công đoạn theo dõi sau tiêm cũng quan trọng không kém, trong đó, việc xử lý tai biến đòi hỏi sự nhanh chóng, chính xác, chuyên nghiệp và đầy đủ phương tiện. Nếu chủ quan, chúng ta sẽ phải trả giá. Một điều quan trọng không kém là người đến tiêm phải tự tin vào sự an toàn trong tiêm chủng của Việt Nam để chúng ta cùng cả nước ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiện nay” - vị bác sĩ này nói.
Hoàng Tuyết