Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Nỗ lực của các nước thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Libya

Biên phòng - Cuối tuần qua, bên lề Hội nghị An ninh tại Munich (Đức), các Bộ trưởng Ngoại giao và các quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Ủy ban quốc tế về Libya đã nhóm họp để thảo luận về các vi phạm của các bên trong chiến sự tại Libya và thể hiện quyết tâm thực thi triệt để thỏa thuận.

l1ca_11a
Buổi nhóm họp của các thành viên Ủy ban quốc tế về Libya do Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas chủ trì tại Munich, Đức, ngày 16-2. Ảnh: AFP

Cuộc nhóm họp này đã chỉ rõ tình hình chiến sự tại Libya vẫn tiếp tục leo thang phức tạp, trong khi hoạt động cung cấp vũ khí, hỗ trợ quân sự vẫn diễn ra, điều này vi phạm thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Libya ở Thủ đô Berlin, Đức, ngày 19-1.

Bà Stephanie Williams, Phó Trưởng đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Libya bày tỏ, người dân Libya đang phải gánh chịu hậu quả của leo thang vũ lực, trong khi các bên tham chiến đã vi phạm lệnh ngừng bắn tới 150 lần, cho thấy lệnh ngừng bắn này rất mong manh. Tình hình kinh tế cũng ngày càng tồi tệ do khủng hoảng ngân hàng và các lệnh cấm vận dầu mỏ. 

Cũng theo bà Stephanie Williams, thỏa thuận cấm vận vũ khí đạt được tại Berlin đã không được tôn trọng và Libya hiện đang tràn ngập vũ khí tối tân. Trước đây, Liên hợp quốc chỉ rõ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước vi phạm lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, sau hội nghị tại Berlin, các vi phạm đã gia tăng mà Liên hợp quốc không nêu tên cụ thể các quốc gia vi phạm.

Theo tuyên bố của đại diện chủ nhà Đức và Liên hợp quốc sau cuộc họp, các nước liên quan sẽ đổi mới quyết tâm trong việc thực thi triệt để thỏa thuận và hoan nghênh tiến trình giám sát cấm vận hiệu quả hơn. Trao đổi với báo giới sau buổi nhóm họp, ông Heiko Maas, Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết, các nhà lãnh đạo đã thảo luận rất cởi mở về những vi phạm gần đây, đồng thời tái khẳng định, việc cắt đứt nguồn hỗ trợ cho các bên tham chiến là giải pháp hiệu quả và phù hợp nhất. Đây cũng là mục đích chính của tiến trình Berlin. “Các ý kiến khác nhau đã được đưa ra nhưng đều đồng ý rằng, con đường chúng tôi đã đi vẫn là con đường đầy hứa hẹn và là duy nhất để kết thúc cuộc nội chiến ở Libya” - Bộ trưởng Heiko Maas khẳng định.

Đồng thời, ông Heiko Maas cũng kêu gọi các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quyết định về vai trò trong việc giám sát lệnh cấm vận này.  “Nếu họ vi phạm lệnh cấm vận trong tương lai thì họ vi phạm Nghị quyết của Liên hợp quốc và điều này không thể tồn tại mà không có hậu quả”, ông Heiko Maas nhấn mạnh và ám chỉ những nước vi phạm lệnh cấm vận mà không nêu rõ tên.

Libya – quốc gia Bắc Phi có trữ lượng dầu mỏ lớn đã rơi vào cảnh nội chiến kể từ cuộc chính biến năm 2011 nhằm lật đổ nhà độc tài lâu năm Moammar Gadhafi. Hiện nay, Libya bị phân chia bởi 2 lực lượng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và lực lượng đối thủ với tên gọiQuân đội Quốc gia (LNA) do tướng Khalifa Hifter dẫn đầu. 

Giới quan sát quốc tế đánh giá, GNA là một chính phủ yếu kém nhưng được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, hiện nắm giữ Thủ đô Tripoli và một phần phía Tây của đất nước. Trong khi đó, LNA cát cứ ở phía Đông nước này, được UAE, Ai Cập, Pháp và Nga hậu thuẫn. Cuộc nội chiến bùng nổ vào tháng 4 năm ngoái khi lực lượng LNA phát động chiến dịch đánh chiếm Thủ đô Tripoli do GNA kiểm soát.

Sau Hội nghị thượng đỉnh tại Berlin, ngày 19-1 do Liên hợp quốc và Chính phủ Đức bảo trợ và tổ chức, các phe phái quân sự Libya đối địch đã ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tạo ra một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc mà không có bên nào ký thỏa thuận. Vào cuối tháng 2 tới đây, vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tiến hành; đồng thời, Liên hợp quốc cũng dự kiến tổ chức cuộc họp đầu tiên về chính trị Libya.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO