Biên phòng - “Phòng, chống thiên tai (PCTT) chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở” chính là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2020 với ý nghĩa nâng cao ý thức PCTT ngay từ cơ sở. Bởi, việc ứng phó khẩn trương, tại chỗ, ngay từ đầu góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
7.000 tỉ đồng “bốc hơi” do thiên tai
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền. Cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó, có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3; 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, còn có 222 trận giông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...
Điển hình là đợt mưa lớn trên 400mm vào ngày 3-8-2019 đã gây lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khiến cho 51 hộ dân trong bản mất nhà cửa. Triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8-2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau. Tại Tây Nguyên, mưa lớn trên 300mm gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, làm vỡ đê Quảng Điền (tỉnh Đắk Lắk) và một số sự cố hồ chứa, đặc biệt nguy hiểm là hồ Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông. Mưa lớn lịch sử gần 1.200mm từ ngày 1 đến 9-8-2019, tại Phú Quốc (Kiên Giang); trên 700mm/24 giờ tại thành phố Vinh (Nghệ An) trong tháng 10-2019 đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực trên. Sạt lở ĐBSCL với 623 điểm/chiều dài 921km (tăng 61 điểm/135km so với năm 2018).
Nhờ sự chủ động phòng, chống của các địa phương mà thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người. Cụ thể: 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tuy nhiên, tổng thiệt hại về kinh tế vẫn là khá lớn với con số trên 7.000 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24-4, tại Hà Nội xuống 16,50C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực ĐBSCL; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai trong 4 tháng đầu năm 2020 bằng gần một nửa năm 2019.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, trung bình mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, lấy đi nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động sâu sắc tới mọi hoạt động kinh tế-xã hội.
Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020 là năm có nền nhiệt độ cao, với giá trị nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 đến 1,50C ở khu vực phía Bắc đất nước; 0,1 đến 10C ở phần lãnh thổ phía Nam. Mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung bộ.
Từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019. Ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào giữa tháng 9, 10, 11 và 12 với độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18-10-2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tại Hội nghị toàn quốc về PCTT, tìm kiếm cứu nạn được tổ chức mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã gửi đi thông điệp không đầu hàng trước thiên tai mà cần thích nghi và phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải xác định, quán triệt công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hết sức khó khăn, phức tạp và chưa bao giờ kết thúc trong lịch sử Việt Nam”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương và người dân nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan PCTT; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đầu tư nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ PCTT, ưu tiên nguồn lực đầu tư vốn trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Đông đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ; mưa lũ lớn có thể xảy ra sau thời gian hạn hán kéo dài.
Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỉ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỉ đồng cho 8 địa phương vùng ĐBSCL phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
“Không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi này. Chúng ta phải thích nghi và phát triển” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thu Hằng