Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 05:15 GMT+7

Nỗ lực bám bản, bám dân

Biên phòng - Vào những ngày đầu Xuân mới, Đảng ủy BĐBP Quảng Nam tổ chức quán triệt Chỉ thị 681-CT/ĐU, ngày 8-10-2018, của Đảng ủy BĐBP về “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam về vấn đề này.

d3s8_11a
Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam. Ảnh: Lê Văn Chương

- Tỉnh Quảng Nam có hai tuyến biên giới biển và đất liền. Đơn vị “rải quân” ra sao để hiện thực hóa Chỉ thị 681, thưa đồng chí?

- Tỉnh Quảng Nam có tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, Lào, dài 157,422km, đi qua 2 huyện, 14 xã, 82 thôn. Riêng tuyến biên giới biển dài 125km, có 2 xã đảo (Tân Hiệp, thành phố Hội An và Tam Hải, huyện Núi Thành) đi qua 3 huyện, 1 thị xã, 2 thành phố, có 16 xã, phường, 199 thôn, khối phố. Những con số đó cho thấy, để thực hiện tốt Chỉ thị 681 là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ BĐBP Quảng Nam đã có bề dày gắn bó với người dân nơi biên giới, hải đảo, vì vậy, việc triển khai và thực hiện cũng có nhiều thuận lợi, không phải lo việc “rải quân” như thế nào.

- Tuyến biên giới biển có người dân tộc Kinh; còn tuyến đất liền thì có đồng bào Giẻ Triêng, Cơ Tu. Vậy, để anh em Biên phòng hòa nhập thực sự với bà con sẽ phải tháo gỡ như thế nào?

- Hiện nay, dân số tuyến biên giới đất liền là 5.538 hộ/22.539 khẩu, chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng. BĐBP Quảng Nam đã có mô hình “Phòng đọc biên giới, dạy tiếng dân tộc Giẻ Triêng”, tại thôn 56, xã Đắc Pree. Để thực hiện tốt phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, nghị quyết lãnh đạo hằng năm của Đảng ủy BĐBP Quảng Nam đều đưa ra chỉ tiêu, các đơn vị mỗi năm mở một lớp học tiếng dân tộc, tiếng Lào, tiếng Anh. Vừa rồi, hội nghị Đảng ủy phiên cuối năm tiếp tục nhấn mạnh việc mở lớp dạy tiếng dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, tiếng Lào. Vì muốn hiểu bà con, muốn nắm bắt tâm tư của bà con thì phải học để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.

- Các đồng chí ở đồn Biên phòng sẽ được phân công như thế nào để trở thành “người nhà”, gắn bó với các hộ gia đình theo tinh thần Chỉ thị 681, thưa đồng chí?

- Các đồng chí trong Ban chỉ huy các đồn Biên phòng sẽ đảm nhận phụ trách mỗi đồng chí từ 3 đến 5 hộ; các đồng chí ở các đội Vận động quần chúng, Trinh sát, Kiểm soát, Trạm kiểm soát, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm thì mỗi đồng chí nhận 5 đến 7 hộ; cán bộ tăng cường xã, mỗi đồng chí nhận 7 đến 9 hộ. Vấn đề thuận lợi là các đơn vị cũng đã giới thiệu 199 lượt đảng viên ở các đồn Biên phòng về tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn và 10 cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Mối quan hệ, công việc đã có sẵn, giờ các đồng chí sẽ triển khai để thực hiện tốt hơn. 

anh-1-quang-nam
BĐBP Quảng Nam hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng sau trận lụt lớn xảy ra tháng 12-2018 . Ảnh: Văn Vinh

- Để Chỉ thị 681 đi vào thực tiễn thì anh em Biên phòng sẽ phải “rút bớt” thời gian ở doanh trại để bám bản, bám dân. Vậy, phải xử lý hài hòa vấn đề này ra sao, thưa đồng chí?

- Tuyến biên giới biển của tỉnh Quảng Nam có dân số là 41.839 hộ/158.043 khẩu và phần lớn là dân tộc Kinh. Bên cạnh đó, đường sá đi lại, phương tiện liên lạc thông suốt nên anh em địa bàn có nhiều thuận lợi hơn địa bàn tuyến biên giới đất liền. Đồng bào dân tộc có khi đi làm cả ngày, sáng sớm rời bản, trưa mới về, có khi tối mịt mới rời nương rẫy. Vì vậy, để làm tốt việc bám dân thì các đồng chí không thể chỉ đi trong giờ hành chính, mà phải tranh thủ buổi trưa, buổi tối. Vậy mới có hình ảnh quen thuộc của BĐBP là ngồi với dân bên bếp lửa, ngồi dưới ngôi nhà sàn sáng đèn, nói chuyện với bà con ở bên nương rẫy. Đó vừa là công việc, vừa là dịp để thể hiện tình cảm với bà con.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, hiện nay, BĐBP Quảng Nam có rất nhiều mô hình như: “Lớp học vi tính văn phòng”, “Quán cắt tóc miễn phí ngày thứ 7”, tại thôn A Rầng I, xã A Xan; “Nhà văn hóa - Thư viện sách”, tại thôn Đắc Ốc và thôn Apool, xã Ga Ri; “5 chuồng, 3 hầm, 5 không, 3 sạch”, tại xã A Nông. Ở tuyến biển có mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Thôn không có người vi phạm pháp luật”... Cán bộ, chiến sĩ được giao phụ trách các hộ gia đình sẽ cùng bà con thúc đẩy các mô hình hoạt động hiệu quả.

Lê Văn Chương (Thực hiện)

Bình luận

ZALO