Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 12:36 GMT+7

No ấm đến với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

Biên phòng - Những ngày này, chúng tôi về với các ấp, xóm, phum sóc tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cảm nhận đầu tiên là diện mạo các phum sóc đang khởi sắc, đời sống của bà con Khmer đã có bước phát triển toàn diện...

qwha_10a
 Niềm vui của bà con dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu đón mừng lễ Kathina tại chùa Cà Săng. Ảnh: Phương Nghi

Trong năm qua, Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển, thông qua các chương trình, dự án trên 95 tỷ đồng đang được triển khai đồng bộ, có gần 120.000 hộ được hưởng lợi từ chủ trương này. Ngoài ra, có 2.125 hộ Khmer được kéo điện sinh hoạt; gần 6.000 hộ Khmer được hỗ trợ nước sinh hoạt, thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 13 tỷ đồng... Từ những chủ trương, chính sách trên được triển khai thực hiện, đời sống đồng bào Khmer đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần giảm hộ nghèo xuống còn gần 12%, hộ cận nghèo còn 14,5%...

Cách đây 5 năm, chúng tôi đến Vĩnh Tân, xã nghèo của miệt biển thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng (có 63,7% là người Khmer), cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Tân đã có gương mặt nông thôn mới tươi sáng hơn nhiều. Đó là nhờ Vĩnh Tân được đầu tư hơn 13 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình, đường giao thông nông thôn kết hợp với thủy lợi tạo nguồn, chủ yếu là giữ ngọt ngăn mặn, xổ phèn, xây dựng trạm y tế, trường học, trạm cấp nước, điện sinh hoạt...

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên. Hiện, Vĩnh Tân có hơn 60% số hộ có nhà tường gạch, mái ngói khang trang, hơn 95% số hộ có điện quốc gia sử dụng, hơn 85% số hộ được công nhận gia đình văn hóa. Ông Phan Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân cho biết: "Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, mua công cụ để hỗ trợ bà con sản xuất. Từ sự quan tâm, chăm lo của Ðảng và Nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đã tạo nên động lực để các vùng quê ngày càng phát triển".

Ấp Prey Chóp là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu với khoảng 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình giảm nghèo thông qua đề án vay vốn tín chấp để hỗ trợ hộ Khmer nghèo chăn nuôi bò, Đồn BP Lai Hòa triển khai từ đầu năm 2015, đến nay có 8 hộ Khmer nghèo được hỗ trợ 8 con bò sinh sản với số tiền 202 triệu đồng. Bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò, cũng như cách làm chuồng trại... Cán bộ Biên phòng còn hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, giúp người dân tiêm phòng và phòng các loại bệnh thường xuất hiện trên đàn bò. Hơn một năm kể từ ngày nhận được vốn vay để nuôi bò cái sinh sản, đến nay, gia đình anh Trần Phương (41 tuổi) bắt đầu đón nhận thành quả.

Anh Phương tâm sự: Trước đây, hai vợ chồng anh vất vả đi làm thuê cũng không đủ để trang trải cuộc sống. Trong lúc khó khăn, gia đình được hỗ trợ từ vốn vay nuôi bò, sau hơn một năm nuôi, con bò đã sinh bê con. Anh Phương tâm sự: "Đây là cơ hội để vợ chồng tôi phát triển kinh tế gia đình, sớm thoát cảnh nghèo khó. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và BĐBP nhiều lắm".

Theo ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, một trong những chính sách quan trọng được Vĩnh Châu tập trung triển khai thời gian qua là hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho trên 3.650 hộ, tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn gần 64.700 hộ với tổng kinh phí trên 26,9 tỷ đồng.

Ông Thạch cho biết: "Nổi bật là Dự án ổn định dân cư các hộ dân tộc Khmer ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với tổng mức đầu tư trên 43 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai, khu dân cư đã hoàn thành với dãy nhà 200 căn liền nhau cùng kiểu dáng, kích cỡ, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng cấp cho những hộ nghèo, cận nghèo không đất hoặc rất ít đất sản xuất. Sinh kế của bà con là làm thuê công nhật cho các chủ rẫy hoặc cơ sở sơ chế hành tím, lúc rảnh việc thì ra biển theo con nước bắt cá tôm để cải thiện thêm".

9hsb_10b
Mô hình nuôi tôm sú chuyên canh ở xã Vĩnh Tân cho hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi

Diện mạo phum sóc đang khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt. Sự đổi đời từ cây lúa chất lượng cao, trồng màu, nuôi bò, phát triển làng nghề, những mái nhà khang trang, đầm ấm... đã củng cố thêm niềm tin vào Đảng của bà con Khmer ở Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng). Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Hà, ở ấp Phước Hòa, xã Phú Tân không giấu được niềm vui, vì Phước Hòa đã trở thành ấp văn hóa, có trường học, đường nông thôn, điện thắp sáng... được Nhà nước đầu tư đến phum sóc. Các hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi nên ai cũng yên tâm lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Lý Hà chia sẻ: "Thật không ngờ nơi heo hút như địa phương tôi lại được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm, ưu ái đặc biệt như vậy. Bây giờ thôn, ấp đã có lộ rộng rãi, bằng phẳng, cuộc sống bà con chúng tôi cũng đổi thay từng ngày, các cháu học sinh được tạo mọi điều kiện đến trường. Thật ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm!".

Đời sống kinh tế của đồng bào Khmer Sóc Trăng có bước phát triển tích cực, thay đổi rõ nét. Ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Mục tiêu của Sóc Trăng là đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số (giảm tỉ lệ hộ nghèo Khmer 3 - 4%/năm), đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt trên 30%; huy động học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đạt trên 35% so với học sinh toàn tỉnh; hộ Khmer có điện sử dụng đạt 99%; hộ Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%...".

Sự đổi thay vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào Khmer. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới mang lại sự khởi sắc cho làng quê.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO