Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 09:44 GMT+7

Ninh Thuận loay hoay “đầu ra” trái nho?

Biên phòng - Cây nho du nhập vào tỉnh Ninh Thuận từ những năm 1960, đến hôm nay, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu tập thể vẫn là “bài ca” muôn thủa. Người nông dân ở đây vẫn cứ sản xuất theo kiểu nhỏ, lẻ, mỗi hộ chỉ từ 1-5 sào đất, “xé” ra nhiều nơi, gây khó khăn trong canh tác và kéo theo nhiều bất cập.

lgsc_10a
Ông Võ Tư với vườn nho chín phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hải Luận

“Cả giàn nho này có sản lượng gần 2 tấn, nếu gặp vài đoàn khách du lịch ở miền Tây hoặc thành phố Hồ Chí Minh ghé vô thăm quan trong mấy ngày lễ sẽ bán hết sạch. Hôm Tết, chỉ có 3 ngày mà tôi bán xong hơn 2 tấn nho. Họ vào vườn tự ăn thử, tự cắt và bưng ra ngoài, 3 cha con tôi chỉ đứng cân và thu tiền. Bán cho khách du lịch “đã” thiệt” - Ông Võ Tư, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, xởi lởi.

Thấy ghiền sẽ mua

Vùng đất Thái An trở thành “vùng nho du lịch”, từ khi mở con đường ven biển 702 đi qua Vườn quốc gia Núi Chúa thông với tỉnh Khánh Hòa, trở thành cung đường du lịch rừng và biển tuyệt đẹp. “Du khách vào vườn nho thoải mái thử nho, chụp ảnh, rồi họ “lai chim”, “lai cò” trực tiếp trên mạng. Muốn kiểu nào dân chúng tôi cũng chịu hết cỡ, miễn phí 100%. Ra về mua được nho thì tốt, mà không mua cũng không sao. Mình vui vẻ hướng dẫn họ tận tình, lần sau họ quay lại thấy ghiền sẽ mua nhiều hơn” - Ông Tư tâm sự.

- Dân làng mình làm nho du lịch lâu chưa? - Tôi hỏi.

- Trước đây, khách du lịch muốn vào thăm vườn nho, chúng tôi không cho vào vì sợ họ phá cây, phá trái, rồi sợ “bóng vía” làm cho cây nho bị hư hại. Bây giờ, trưa nắng chang chang cũng đứng ra giữa đường vẫy chào, mời gọi họ vào vườn nho thăm quan.

- Theo anh, khách nào là “sộp” nhất?

- Khách miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là “ngon” nhất, họ vào mua từng thùng. Khách Nga họ hay mua nước ép nho lên men, có ông chơi luôn cả chai tại vườn. 

Nông dân bán nho cho khách du lịch tại vườn, đôi bên cùng có lợi, khách được thỏa thích chụp ảnh, quay phim, được thử nho trực tiếp trên cành, tận mắt nhìn thấy chất lượng. Còn chủ vườn bán được giá cao hơn thương lái đến 5.000 đồng/kg. Ngoài nho tươi, nông dân còn bán kèm theo nước nho lên men, mật nho...

“Có nhiều đoàn khách vào vườn nho thấy gà đi ăn, họ muốn mua và được ngồi ăn dưới sàn nho luôn. Thế là tôi chạy đuổi bắt gà, vợ con xúm vô làm, đi mua bia, trải bạt ra ngồi nhậu. Gặp khách xởi lởi mời mình uống 1-2 lon bia, họ ra về mua mỗi người một vài ký, tính ra tổng giá thành cũng kiếm thêm kha khá” - Ông Tư thật thà kể. Xã Vĩnh Hải vừa mời giáo viên dạy tiếng Anh về mở lớp học tiếng cho nông dân làm nho để có tí vốn giao tiếp cơ bản. Trước đây, mỗi khi khách Tây vào vườn, họ chỉ biết đưa tay, đưa chân... ra làm “ngôn ngữ” giao tiếp. 

Cần có một thương hiệu mạnh

Số thôn và hộ làm nho ở ven đường có khách du lịch đi qua giống như ở Thái An rất ít. Đại bộ phận vườn nho nằm ở xa đường nên không bán được cho khách xịn với giá tươi tại giàn. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 1.200ha trồng nho, với 3 giống nho phổ biến, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Tổng sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Những cơ sở sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP như Cơ sở sản xuất nho Ba Mọi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước; Hợp tác xã nho VietGAP, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải; Hợp tác xã Evergreen, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn có 57 cơ sở sản xuất, chế biến ra các sản phẩm từ trái nho, chỉ ở cấp độ nhỏ, lẻ.

Xét trên tổng thể, ngành nho của Ninh Thuận vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, nông dân vẫn tự bơi trong một thị trường đầy sóng gió.

“Dân làm nho cứ lo nơm nớp đầu ra sản phẩm, kiểu nào cũng bán được hết, nhưng bị lỗ vốn hay lãi ít, lãi nhiều là câu chuyện chỉ có người nông dân mới thấu hiểu tường tận. Ông trời chỉ cần mưa dầm vài ngày là “ôm” cái lỗ chắc luôn. Rồi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, giá dầu... cứ tăng cao, nó “ăn” vào giá thành hết. Thiệt khéo tính toán mới có lãi chút đỉnh, đôi khi hòa vốn mà mừng run cả người. Tỉnh, ngành đưa ra nhiều “giải pháp” lắm. Nói thì ai nói cũng được, giải pháp nào khi đến vụ thu hoạch nho phải thu mua hết, cắt sạch trái trên giàn, bán với giá có lãi khá. Lúc này nói gì dân cũng nghe hết. Còn không tiêu thụ được giá cao thì ngược lại, người dân chỉ có đứng cười thôi, họ sẽ làm theo ý của mình. Nông dân vẫn cứ dắt tay nhau đi trên con đường sản xuất nhỏ, lẻ” - Ông Nguyễn Hải Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Evergreen, tỉnh Ninh Thuận đúc kết. 

aqrl_10b
Ông Nguyễn Hải Tấn với sản phẩm nước nho lên men. Ảnh: Hải Luận

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi tọa đàm nho và vang nhằm đưa ra giải phát triển bền vững cho cây nho, quy tụ nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất. Những câu hỏi lớn đặt ra tại buổi tọa đàm: Tại sao tỉnh Lâm Đồng không nhiều nho mà có vang Đà Lạt khá nổi tiếng? Các nước trồng nho họ có vang bán khắp thế giới? Tại sao Ninh Thuận chưa có nhà máy sản xuất nho - vang? “Chỉ có chế biến ra nho - vang thật ngon với số lượng lớn; rồi phải làm tốt quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tiến tới xuất khẩu, cạnh tranh với các nước; như thế họa may mới giải quyết tốt đầu ra sản phẩm, tăng giá trị kinh tế quả nho của người nông dân lên. Vào siêu thị, nho trái nhập khẩu bán giá trên 100.000 đồng/kg, cũng giống nho đó dân ta làm ra bán giá 25.000 đồng/kg mà không muốn trôi. Chai vang của nước ngoài họ bán gần cả 1 triệu bạc. Tại sao mấy chục năm nay Ninh Thuận vẫn không làm được điều này?” - Ông Tấn trăn trở bằng cả con tim.

Mô hình Hợp tác xã Evergreen được xem là “con cưng” của tỉnh Ninh Thuận, hy vọng là nơi tập hợp nhiều hộ nông dân tham gia vào thành chuỗi sản xuất khép kín, thống thất trên diện rộng. Khi mới thành lập, Hợp tác xã Evergreen chỉ có 5 hộ thành viên, sau thời gian ngắn đã tăng lên 80 hộ thành viên. Hợp tác xã này được tổ chức phi Chính phủ Ca-na-đa hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng và vận hành mô hình hợp tác xã kiểu mới. Ông Tấn nêu một số giải pháp: “Phía Ca-na-đa đã sắm cho hợp tác xã máy sấy nho khô, kho lạnh. Mới đây, hỗ trợ 2,5 tỉ đồng mua các thiết bị của châu Âu về làm nho - vang. Họ còn bỏ tiền thuê một chuyên gia người Pháp về “ăn ở” tại hợp tác xã cùng xúc tiến sản xuất vang. Thời gian vừa rồi, tôi đang ủ mấy thùng nho cho lên men tự nhiên xem như thế nào? Qua tháng 5, tôi có cái để “thảo luận” với họ cách thức sản xuất vang. Hy vọng đây là cú “hích” tiêu thụ lượng lớn nho trái”. 

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nêu những vấn đề bức thiết: “Đến nay, tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ có một vài loại giống nho được thị trường chấp nhận, đa số nông dân vẫn còn “loay hoay” sử dụng giống cũ chất lượng và giá thành sản phẩm thấp, đang là trăn trở của ngành nông nghiệp. Để cây nho phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, chúng tôi đang đề nghị các ngành chức năng đưa ra những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá về khoa học và công nghệ, chính sách phát triển. Tỉnh mong có sự quan tâm, chia sẻ, hợp tác, hiến kế của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chương trình phát triển cây nho đạt được mục tiêu, sản xuất bền vững, theo chuỗi giá trị, nông dân sản xuất có lãi cao”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO