Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 03:08 GMT+7

Ninh Thuận: Đạt nhiều thành quả trong phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Sáng 4-4, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’ré dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

t4m3a9vg7x-12837_f_ju29sjer1_Kim_tra_Ninh_Thun
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Oanh

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Ninh Thuận có 162.033 người, chiếm trên 24,34% dân số của tỉnh, sinh sống ở 124 thôn, thuộc 37 xã của 6 huyện, thành phố. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống mang lại những hiệu quả thiết thực.

Tình hình KT-XH vùng dân tộc thiểu số miền núi (DTTSMN) có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã hình thành và phát huy, tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.

Đến nay, kết cấu hạ tầng của vùng DTTS được đầu tư khá hoàn chỉnh, 100% xã vùng DTTSMN có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% thôn có lưới điện quốc gia, 83% hộ được sử dụng nước sạch. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 hồ chứa phục vụ sản xuất và sinh hoạt vùng DTTS MN, cùng với đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống kênh mương cấp, góp phần nâng cao năng lực tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng.

Công tác giáo dục được cải thiện rất lớn, nhất là tăng cơ hội học tập cho trẻ em DTTS. Việc miễn, giảm học phí, cấp học bổng và các chính sách hỗ trợ khác đã tạo điều kiện cho đại bộ phận con em các gia đình nghèo, diện chính sách trong đồng bào DTTS được học tập. Đến nay, toàn vùng DTTSMN có 132 trường học các cấp; toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú và 15 trường hoạt động theo mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dành riêng cho con em DTTS sinh sống trên địa bàn.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường. Chính sách lao động việc làm, an sinh xã hội, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS cũng được quan tâm. Công tác phục hồi trùng tu các di sản văn hóa, các lễ hội được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở bảo đảm ổn định, chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên; người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS phát huy tốt vai trò trong việc vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Qua nghe báo cáo của tỉnh Ninh Thuận cùng các ý kiến đóng góp bổ sung của các thành viên Đoàn kiểm tra và của địa phương, đồng chí Điểu K’Ré, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận trung ương đánh giá cao và biểu dương tinh thần nỗ lực, trách nhiệm của Ninh Thuận trong công tác phát triển vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt trong phát triển kinh tế đã xây dựng các vùng sản phẩm đặc trưng, thành lập các mô hình liên kết chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ đó, bộ mặt vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ngày càng được củng cố vững chắc.

Về công tác phát triển vùng DTTS của Ninh Thuận thời gian tới, đồng chí Điểu K’Ré nhấn mạnh, Ninh Thuận cần tiếp tục tập trung xây dựng khối đại đoàn kết ở vùng DTTS, kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, xử lý tốt những nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh trong cộng đồng DTTS, cố gắng thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng; về mức sống; về tiếp cận dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở cho phát triển vùng DTTS.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO