Biên phòng - Cánh đồng làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) một thời được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống ấm no, ổn định cho dân làng, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cánh đồng này liên tục bị bỏ hoang, còn dân làng thì... mãi đói nghèo.
Nhằm giúp dân làng Tung từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chấm dứt tình trạng du canh du cư phá rừng làm nương rẫy, góp phần giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới, năm 1993, Công ty 72 (Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) tiến hành khai hoang khoảng 20ha đất. Sau khi tiến hành thử nghiệm thành công việc trồng lúa nước, đơn vị đã bàn giao lại cho gần 30 hộ dân nghèo nơi đây canh tác.
Năm 1994, UBND huyện Đức Cơ đầu tư xây dựng đập thủy lợi và hệ thống kênh mương dẫn nước xuống cánh đồng làng Tung để bà con thuận lợi hơn trong việc canh tác lúa nước. "Cung tên đã sẵn sàng", chỉ đợi người dân bỏ sức ra là có cái ăn, song điều đáng buồn là do tập quán canh tác trên nương rẫy cũng như nhận thức của người dân chưa đến nơi đến chốn mà bao tâm huyết những người có trách nhiệm lâm vào cảnh... dã tràng xe cát.
"Trong số gần 30 gia đình được giao đất trồng lúa nước ở cánh đồng này thì số hộ trực tiếp gieo cấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mấy chục năm nay vẫn vậy. Thế là, bao nhiêu mồ hôi công sức của bộ đội và chính quyền địa phương bỗng chốc trôi theo dòng nước. Điều đáng buồn là dân làng Tung nghèo vẫn cứ hoàn nghèo, mà thậm chí càng ngày càng nghèo hơn" - Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan ngán ngẩm kể lại.
Bám trụ hơn 25 năm tại cánh đồng làng Tung, gia đình ông Ksor Chiếc luôn duy trì việc cấy lúa đều đặn trên mảnh ruộng hơn 4 sào (1 sào bằng 1.000m2). Để tránh bị gia súc phá hoại, ông còn cẩn thận mua lưới B40 rào quanh mảnh ruộng của gia đình, đây chỉ là một trong số ít gia đình hiểu rõ lợi ích của việc trồng lúa nước. "Từ diện tích ruộng trên, mỗi vụ tôi thu được hơn 20 bao lúa. Tôi làm thêm một số việc khác nữa nên gia đình đủ ăn" - Ông Ksor Chiếc cho hay.
Cũng bám trụ từ ngày cánh đồng làng Tung ra đời, ông Rah Lan Hiên cho rằng, đến giờ, ông vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao dân làng lại không chịu làm lúa nước mà cứ thích kiểu canh tác nay đây mai đó, hết sức bấp bênh. Theo ông Hiên, trước đây, dân làng lấy lý do vì thiếu nước nên việc làm lúa dưới ruộng rất khó khăn và thu hoạch thì cũng chẳng được bao nhiêu. "Đến khi huyện đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, nước nôi đổ về mênh mông, nhưng dân làng vẫn không chịu làm, thế mới khó hiểu” - Ông Rah Lan Hiên kể lại.
Là người tâm huyết với cánh đồng làng Tung, già làng Siu Quý cũng cảm thấy chạnh lòng khi phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang nhiều năm liền. Từ khi cánh đồng hình thành, nhất là khi có công trình thủy lợi, già Siu Quý cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ của Công ty 72 đã bỏ không biết bao công sức, kiên trì xuống từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm lúa nước để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, một phần do lười lao động, phần do tập quán canh tác trên nương, trên rẫy đã ăn sâu vào tâm trí nên nhiều hộ trong làng vẫn cứ khăng khăng không chịu nghe, khiến cuộc sống bấp bênh, đói nghèo. “Mình rất buồn vì Nhà nước đã đầu tư “đến tận răng”, thế nhưng nói hoài, nói mãi, nói mỏi cả cái miệng mà dân làng vẫn cứ không chịu làm. Trồng lúa nước sẽ không phải đi chặt phá, đốt rừng làm rẫy, cuộc sống sẽ không còn lênh đênh... Nói như vậy mà vẫn không lọt cái tai của họ” - Già Siu Quý nhớ lại.
Trước việc bà con làng Tung bỏ hoang phần lớn diện tích đất đai màu mỡ trong hàng chục năm liền, gây lãng phí quá lớn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 72 đã đặt ra quyết tâm khôi phục lại cánh đồng mang nhiều ý nghĩa này. Cuối năm 2018, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Cơ khóa VI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải khôi phục cánh đồng lúa nước làng Tung để giúp dân làng thoát nghèo. Thế là, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động Đội 10, Công ty 72 được giao nhiệm vụ hỗ trợ địa phương, còn xã Ia Nan thì tập trung nhân lực, vật lực cùng nhau vào cuộc.
Lần này, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhiệt tình của cơ quan, đơn vị, địa phương nên bà con đã chịu theo cán bộ xuống ruộng và cánh đồng làng Tung năm nay đã được phủ kín lúa nước. Nhìn cánh đồng lúa, ông Ksor Chiếc không khỏi xúc động: “Dân làng giờ đã hiểu được việc trồng lúa sẽ mang lại cuộc sống ấm no, ổn định. Tôi đang hồi hộp đợi đến ngày cả làng cùng nhau đón một mùa vụ bội thu, sau đó cùng nhau làm những ghè rượu thơm ngon để cúng tạ ơn đất trời”.
Dẫn chúng tôi dạo quanh cánh đồng, ông Thủy phấn khởi cho hay: “Từ đầu vụ, Công ty 72 đưa máy cày xuống giúp dân, còn chính quyền thì hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Giờ đây, lúa đã phát triển rất tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Vụ kế tiếp, chúng tôi sẽ tích cực vận động bà con tiếp tục phát huy thành quả này để họ ổn định cuộc sống”.
Về kế hoạch cho thời gian tới, ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ nói rằng, huyện sẽ tập trung đưa các giống lúa mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi này vào để bà con sản xuất. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ có những hỗ trợ về giống, phân bón, duy tu sửa chữa kênh mương thủy lợi... tạo động lực cho bà con hăng hái sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tiêu Cương