Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 06:52 GMT+7

Niềm vui mang tên “bò giống”

Biên phòng - Mới 4 giờ sáng, H’Mađa La đã xuống bếp ủ lại nồi cơm nấu sẵn từ tối hôm qua. Chị làm rất khẽ vì sợ chồng con tỉnh giấc. Mới ngồi chưa ấm chỗ, H’Mađa La đã thấy chồng thức dậy từ lúc nào đang lục đục đi ra ngoài sân. Mấy ngày nay, nhà vợ chồng H’Mađa La và cả bon Bu Đắc này vui lắm, đi đâu cũng nghe nói về việc nhận bò giống do BĐBP tặng. Ai cũng ấp ủ việc phát triển kinh tế gia đình bằng chính con bò này. Với vợ chồng H’Mađa La, con bò là cả một gia sản lớn.

63kt_10a
Vợ chồng H’Mađa La vui mừng bên cạnh “giấc mơ lớn” đã trở thành hiện thực. Ảnh: Đ.B

Giấc mơ của H’Mađa La

Năm nay 34 tuổi, anh Nguyễn Lưu, chồng của H’Mađa La không nhớ quê mình ở đâu, chỉ biết lớn lên ở bon Bu Đắc, xã Thuận An này. H’Mađa La, vợ Lưu là người M’nông địa phương. Hai người đã có 4 mặt con, làm lụng vất vả quanh năm mãi vẫn nghèo khó. Thu nhập chính chỉ nhìn vào 2 vụ lúa trồng trên mảnh đất 800m2. Lưu cho biết, “đấy là đất của em trai vợ, mình chỉ làm chung thôi”. Lúc nông nhàn, vợ chồng Lưu lại đi làm mướn, mỗi ngày công được 170 ngàn đồng. Bốn đứa con “hột gà hột vịt” lúc nào cũng chu mỏ đòi ăn. Rồi tiền đóng học cho 3 đứa nữa. Năm nào mưa thuận gió hòa cũng đắp đổi được qua ngày. Ăn bữa tối đã phải lo bữa sáng mai, lấy đâu dư dả mà mua sắm.

Mặt trời chưa ló dạng, vợ chồng Lưu và cả đứa con gái út mới 3 tuổi đã lục đục kéo nhau ra sân bóng sau trụ sở UBND xã Thuận An, huyện Đắk Mil. Mấy người trong bon, trong xã như Y Đăng, Y Đông, Y Chớh, Y Vôn... cũng đã tới tự lúc nào, chỉ một lúc tiếng nói, tiếng cười đã vang lên trên một vùng biên giới. 

Hơn 7 giờ, đàn bò đã được đưa về địa điểm tập kết. Ai cũng háo hức nhìn ngắm và thầm dự đoán xem con bò nào sẽ thuộc về gia đình mình. Đại tá Đỗ Văn Long, Phó Chỉ huy trưởng Hậu cần BĐBP Đắk Nông cho biết, đây là giống bò lai Braman. Trước khi chuyển cho các hộ dân, toàn bộ đàn bò giống đã được tiêm phòng và có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Theo đó, số bò giống được trao đợt này tổng trị giá 2,5 tỉ đồng, trong đó, Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ 1,5 tỉ đồng, còn 1 tỉ đồng do UBND tỉnh Đắk Nông vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ. Đối tượng được tặng bò giống là hộ nghèo tại 7 xã biên giới của tỉnh Đắk Nông gồm: Thuận An, Đắk Lao (huyện Đắk Mil), Thuận Hạnh, Thuận Hà (huyện Đắk Song), Đắk Búk So, Quảng Trực (huyện Tuy Đức), Đắk Wil (huyện Cư Jút).

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, là xã biên giới còn nhiều khó khăn, Thuận An có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm trên 71%; M’nông 27,5%. Phần lớn người dân sống bằng nghề trồng cà phê và hồ tiêu. Tuy cuộc sống của người dân đã từng bước đi lên, nhưng toàn xã vẫn còn 88 hộ nghèo và 105 hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nên được nhận bò do BĐBP trao, bà con rất phấn khởi. Đây chính là “cú hích” để 14 hộ nghèo xã Thuận An được nhận bò đợt này vươn lên thoát nghèo.

Giống như chương trình “Lục lạc vàng” phát trên ti vi mỗi tuần, 14 chú bò giống  đã được đánh số thứ tự, sau đó các hộ lên bốc thăm, được con nào nhận con ấy. Vợ chồng Nguyễn Lưu khá may mắn khi bốc thăm vào đúng con bò đã có bầu. H’Mađa La tay đắt bò, tay bế con, gương mặt tươi rói, khoe: “Nó có bầu rồi đó”. Cùng với  sự giúp sức của các chiến sĩ Biên phòng, các chú bò lần lượt được đưa lên xe công nông. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng máy nổ giòn tan, 14 chú bò được đưa về các gia đình trong niềm phấn khởi của mọi người. Với H’Mađa La, “giấc mơ lớn” đã trở thành sự thật.

Quyết tâm vươn lên thoát nghèo

Theo chân Đại úy Lang Văn Năm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thuận An, chúng tôi xuống nhà Y Vôn (hộ mới được nhận bò) tại số nhà 265, bon Sar Pa. Một cái chuồng vừa được cất lên, bên cạnh là một gánh cỏ còn tươi rói. Vừa bỏ thêm cỏ cho bò ăn, bà Hơ Bút, mẹ của Y Vôn vừa vuốt ve con bò, nói: “Vậy là từ nay, già này đã có thêm bạn rồi. Đợt này có lẽ phải tính chuyện vợ con cho thằng Y Vôn thôi”.

Năm nay 33 tuổi, là lao động chính trong nhà, nhưng Y Vôn chưa chịu lấy vợ mà đang theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế gia đình. Đại úy Năm nói, Y Vôn  là người hiến đất xây cột mốc 49.8(2). Hằng ngày đi làm rẫy trên đó, anh đều lau chùi, bảo quản cột mốc như một người lính Biên phòng vậy. Y Vôn nói: “Ở đó nhà Y Vôn có 5 sào đất, Nhà nước cần thì mình cho thôi. Nói cho cũng không phải đâu vì cột mốc vẫn nằm trong rẫy nhà mình, nó vẫn là của nhà mình mà. Mình phải cảm ơn Nhà nước, cảm ơn BĐBP đã xây cột mốc để giữ đất cho nhà mình”.

Tạm biệt Thuận An, chúng tôi theo Thượng tá Phan Quý Vỹ, Trưởng ban tổ chức trao bò giống BĐBP Đắk Nông đến các xã, huyện khác trên chiều dài 130 km đường biên giới của tỉnh. Và ở mỗi vùng quê, chúng tôi lại được chứng kiến niềm vui, sự háo hức của những hộ nghèo được nhận bò giống. Mỗi người mỗi vẻ nhưng tựu trung lại, ngoài sự phấn khởi, chúng tôi còn thấy cả niềm tin của bà con gửi gắm vào chính quyền địa phương và BĐBP.

Tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ, vừa nhận bò, vừa rơm rớm nước mắt trước niềm vui quá lớn. Đó là chị Vương Thế Hương, sinh 1973, ngụ thôn 11A, xã Đắk Lao. Chị bị bệnh tim, hở van ba lá đã trên 10 năm nay, nhưng nhà nghèo nên chỉ điều trị theo sổ bảo hiểm. Không có nương rẫy, đất đai lại có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên cuộc sống rất gia đình chị rất khó khăn. Trầy trật mãi, mới đây vợ chồng chị mới thuê được 1ha đất để trồng bắp, trồng đậu... Năm nào may cũng kiếm được vài chục triệu nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Có được con bò giống đối với chị, đó là ngoài sự tưởng tượng.

ciq5_10b
BĐBP Đắk Nông trao bò giống cho các hộ nghèo tại xã Thuận An. Ảnh: Đ.B

Cùng đi nhận bò giống đợt này còn có chị Nguyễn Thị Tuyền, 37 tuổi, thôn 10A. Chị Tuyền tâm sự, chồng chê nghèo bỏ đi từ năm 2013, để lại 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Không có nghề nghiệp, ruộng vườn gì nên chị phải đi làm mướn để nuôi các con ăn học. Tiền công mỗi ngày chỉ khoảng 150 ngàn đồng, nhưng cũng “bữa đực bữa cái”. Cuộc sống nghèo đói cứ bám theo gia đình chị riết. Chị xúc động nói: Em sẽ quyết tâm vươn lên từ con bò giống này. Dù sao mẹ con em cũng đã có niềm tin, sự hy vọng để phấn đấu vươn lên.

Theo Đại tá Đỗ Văn Long, rất nhiều hộ được nhận bò giống đợt này là điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ đường biên cột mốc tỉnh Đắk Nông. Nhiều năm qua, họ luôn gắn bó, sát cánh cùng BĐBP trong đấu tranh phòng chống tội phạm, trong tuần tra, bảo vệ  biên giới.  Đại tá Long cho biết, đến nay, khu vực biên giới của tỉnh Đắk Nông có 99 tổ/608 hộ dân tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon, bản; 37 tổ tự quản đường biên giới với 329 thành viên đăng ký tham gia phối hợp quản lý 44km đường biên giới; 15 hộ/28 người đăng ký tham gia quản lý 7 mốc quốc giới. Có được điều đó là do nhân dân luôn tin Đảng, tin chính quyền cũng như BĐBP. Và để dân tin yêu, thì BĐBP phải luôn chăm lo cuộc sống của nhân dân, coi dân là gốc, coi đồng bào các dân tộc như là anh em ruột thịt.

Chúng ta hãy cứ tin, vài ba năm nữa, những hộ nhận bò giống đợt này sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững và làm chủ được cuộc sống.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO