Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Niềm vui của người dân Giồng Bàng những ngày đầu Xuân

Biên phòng - Những ngày đầu Xuân Canh Tý, người dân ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ai ai cũng vui mừng, phấn khởi khi con đường từ địa bàn ấp ra trung tâm xã Thường Phước 1 và huyện Hồng Ngự đã được rải nhựa phẳng lì. Tuyến đường này được đưa vào sử dụng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, làm cho nhân dân nơi đây có thêm niềm vui mới khi Xuân về.

bd32_15
Nhờ có đường tuần tra biên giới, thầy giáo Nguyễn Văn Hợp từ nay không còn phải ở lại điểm trường Giồng Bàng mỗi khi mùa lũ về. Ảnh: Hồ Phúc

Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới, ông Đặng Văn Bé, sinh năm 1966, Trưởng ấp Giồng Bàng vui vẻ nói: “Vậy là con đường mong ước của chúng tôi bao lâu nay đã thành hiện thực. Trước kia, đây là đường đất nên trời mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Đặc biệt, đến mùa nước lũ, xung quanh ấp là đồng ruộng ngập trắng xóa, bên cạnh đó, sóng lớn làm sạt lở nhiều đoạn đường, thậm chí có năm nước dâng cao, con đường duy nhất nối từ ấp ra trung tâm xã cũng bị ngập sâu trong nước, có những nơi ngập gần 3m. May mắn khu vực ấp có địa hình cao nên nước không ngập tới. Hơn 2 năm trước, biết tin Nhà nước sẽ làm con đường tuần tra đi qua địa bàn ấp, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Giờ đây, giao thông thuận tiện, người dân đi lại, trao đổi mua bán hàng hóa với các địa bàn khác cũng dễ dàng hơn”. 

Tại ấp Giồng Bàng, chúng tôi được nghe người dân nơi đây chia sẻ về niềm vui khi được đi trên con đường mới. Ông Nguyễn Văn Động, sinh năm 1943,  phấn khởi nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên chứng kiến rất nhiều khó khăn của bà con do giao thông cách trở. Vào mùa lũ, khu vực này bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Đến nay, mong ước của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực khi con đường được đưa vào sử dụng, ai cũng rất vui mừng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ấp Giồng Bàng có khoảng 160 hộ dân, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Địa bàn Giồng Bàng giáp biên giới nước bạn Campuchia, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, lũ kéo về, Giồng Bàng là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của xã Thường Phước 1. Trước đây, mỗi khi lũ về, con đường huyết mạch từ ấp Gồng Bàng nối với trung tâm xã Thường Phước 1 và huyện Hồng Ngự chừng 5km nước ngập trắng xóa. Vì thế, người dân sống tại ấp, nhiều nhà đã sắm hai loại phương tiện giao thông là xe gắn máy để chạy vào mùa khô và ghe, xuồng máy để chạy băng đồng vào mùa lũ. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới ngay trên con đường đi qua ấp Giồng Bàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo làm cho bộ mặt ấp thêm tươi mới. Đặc biệt, từ giờ, các em học sinh có thể hằng ngày đến trường an toàn, không phải nghỉ học vào mùa mưa lũ, hay lo sợ bị nước lũ cuốn trôi.

Cũng tại ấp Giồng Bàng, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Hợp, sinh năm 1976, công tác tại điểm trường ấp Giồng Bàng thuộc Trường Tiểu học Thường Phước 1A. Thầy Hợp là một trong những giáo viên đã gắn bó với điểm trường này gần 20 năm nay. Trong câu chuyện với thầy, tôi biết được, trong suốt quãng thời gian dài gắn bó với Giồng Bàng, người thầy giáo này đã vượt qua bao khó khăn để mang con chữ đến với trẻ em ở ấp nghèo Giồng Bàng. Thầy Hợp chia sẻ: “Những năm trước, về mùa khô thì còn đỡ, sáng tôi có thể chạy xe máy vào ấp dạy, chiều về nhà. Nhưng về mùa mưa lũ thì phải gói ghém đồ đạc, các nhu yếu phẩm vào ở lại để dạy học. Có khi cả tuần, thậm chí cả tháng mới về thăm gia đình được một lần. Đầu năm nay, con đường đưa vào sử dụng nên rất thuận tiện trong việc đi lại. Tôi có thể sáng đến dạy, chiều trở về với gia đình”.

Trung úy Phan Xuân Ninh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước - một cán bộ mới về công tác tại đơn vị khoảng 2 năm, song anh thấu hiểu rất rõ cuộc sống của người dân trên địa bàn đơn vị phụ trách. Anh cho biết: “Những năm trước đây, vào mùa lũ thì Giồng Bàng như một ốc đảo, bốn bề là nước ngập mênh mông. Mỗi lần chúng tôi đi tuyên truyền, hay nắm tình hình địa bàn vào mùa lũ, khi đến ấp thì quần áo đều ướt sũng. Người dân muốn đi đến các địa bàn khác, hay các em học sinh đi học phải nhờ người dùng ghe chở đi, vất vả lắm. Những hôm mưa lũ, đi lại khó khăn, anh em trong đơn vị phải trực tiếp đi kèm cùng các cháu. Giờ đây, đường giao thông đi lại thuận tiện không chỉ người dân đi lại dễ dàng mà anh em mỗi lần đi địa bàn cũng không còn vất vả như ngày trước”.

Hồ Phúc

Bình luận

ZALO