Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 05:18 GMT+7

Niềm tự hào của đồng bào Khùa trên cổng trời Cha Lo

Biên phòng - Khi nhắc đến địa danh Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), người ta thường nghĩ đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại úy Hồ Phòm - người con ưu tú của dân tộc Khùa. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nơi đây còn có một người con ưu tú khác cùng dân tộc Khùa, tên là Hồ Nôn, nguyên là cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo. Câu chuyện về ông gắn với việc cùng đồng đội truy kích thám báo, biệt kích, tiễu phỉ trên đỉnh núi Giăng Màn quanh năm mây phủ…

w0hk_9a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tặng quà cho Đại úy Hồ Nôn nhân Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Ảnh: Trúc Hà

Chúng tôi đến thăm ông Hồ Nôn (ở bản Y Leeng, xã Dân Hóa) vào một chiều mưa tháng 9. Đã gần 80 tuổi, nhưng ông Hồ Nôn vẫn vô cùng minh mẫn, nhất là khi nhắc đến “chuyện ngày xưa”, giọng ông lại trở nên hào sảng, say sưa và đầy tự hào. Ông bảo, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Dân Hóa là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng thật lạ kì, dường như càng trong bom đạn, tình yêu đất nước càng bền bỉ, sáng ngời. Và những năm tháng ấy đã “giác ngộ” người Khùa biết đứng lên đánh giặc, bảo vệ đất nước. Người ra mặt trận vinh danh, người ở lại có “cách riêng đóng góp cho cách mạng”.

Thời đó, quốc lộ 12 là huyết mạch giao thông nối liền giữa miền Bắc - tiền tuyến và chiến trường Lào. Dân Hóa có địa hình núi cao, rừng rậm, nhiều hang động rất thích hợp cho hoạt động nhảy dù, tung biệt kích, thám báo, gián điệp ẩn náu để hoạt động. Từ các điểm cao trên đỉnh núi Giăng Màn, thám báo, biệt kích đã chỉ điểm cho không quân Mỹ ném bom chính xác và bất ngờ khiến ta thiệt hại rất nặng nề.

Trước tình hình trên, một mặt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo) làm tốt công tác tuần tra, truy lùng; một mặt, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ  quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn, nên ta đã kịp thời phát hiện, đánh bắt nhiều toán thám báo, biệt kích. Đặc biệt, nhân dân nâng cao cảnh giác, trực tiếp dũng cảm, mưu trí bắt nhiều tên gián điệp bàn giao cho đồn.

Điển hình như vụ việc ngày 16-9-1964, một toán biệt kích gồm 6 tên nhảy dù xuống khu vực núi Cha Mác. Sau một tuần, do hết lương thực, lạ địa bàn, địa hình, chúng tìm các bản lân cận xin ăn, một số đào trộm sắn của dân ở rẫy để nướng ăn. Trong 6 tên nhảy dù xuống đợt này, có 1 tên bị cụ Hồ Phen, ở bản Y Leeng lừa vào nhà cho ăn, rồi tổ chức bà con vây bắt; 2 tên bị cụ Hồ Xin và cụ Hồ Pi, ở bản Loòm phát hiện, rồi lừa vào nhà cho ăn và tổ chức bắt; cụ Hồ Nhâm phát hiện 1 tên khác, báo cáo Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo, đơn vị đã tổ chức lực lượng bao vây, gọi hàng thành công. 

Khi được hỏi về câu chuyện riêng của mình, người cựu binh già kể rất nhanh, như thể không có gì đáng nói. Năm 1963, vừa tròn 22 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên và được điều về công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo. Thông thạo địa hình, sức khỏe tốt nên ông thường xung phong vào nhiệm vụ tiễu phỉ, truy lùng biệt kích trên dãy núi Giăng Màn. Năm 1975, trong một lần cùng đồng đội truy quét phỉ trên đỉnh Phù Ác, trên đường đi, ông vướng phải mìn do địch cài lại, chân phải bị cắt đứt.

Do địa hình hiểm trở, vừa đi, vừa chiến đấu nên đồng đội phải để ông nằm lên cáng khiêng về trạm xá cứu chữa. Do mất nhiều máu, nghĩ không qua khỏi, ông đề nghị để mình lại trong rừng, còn đồng đội tiếp tục chiến đấu. Ông nói với đồng chí Chính trị viên rằng: “Dân tộc Khùa chúng tôi rất vinh dự có người đã hy sinh cho cách mạng rồi” và lịm đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm ở Trạm xá của Binh trạm 12. Trong cuốn biên niên sử của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo năm 2016 còn ghi rõ: “Và suốt thời gian phẫu thuật, điều trị tại Trạm xá của Binh trạm 12, người lính trẻ Hồ Nôn không hề có một tiếng kêu rên, đã nêu gương sáng trên giường bệnh. Đồng chí Binh trạm trưởng đã đề nghị khen thưởng và phát động phong trào thi đua trong toàn trạm cùng  học tập theo tấm gương của người lính trẻ Hồ Nôn”.

Năm 1984, ông Hồ Nôn phục viên, về bản Y Leeng sinh sống. Với người lành lặn, việc kiếm sống đã rất khó khăn nên với người mất 1 chân như ông thì việc ấy càng khó khăn gấp nhiều lần. Thế nhưng, người thương binh, cựu lính Biên phòng vẫn luôn cố gắng, không quản nắng mưa lên rẫy tỉa lúa, trồng ngô. Lúc ấy, ông chỉ nghĩ “thương binh là tàn chứ không phế”, càng là người lính thì càng phải giỏi ở bất cứ mặt trận nào. Vậy nên, dù sức khỏe không tốt, phải nuôi đàn con thơ, nhưng gia đình ông chưa bao giờ thiếu đói. Và những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cũng luôn đồng hành với người cựu binh này, bởi vậy, khó khăn của cuộc sống cũng vơi đi phần nào.

Năm 2016, con gái út của ông là Hồ Thị Thủy vào lớp 10. Đây cũng là thời điểm Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, vậy nên đơn vị quyết định nhận đỡ đầu em như một lời tri ân với người lính Biên phòng đã hy sinh một phần thân thể cho sự nghiệp bảo vệ biên cương. Với số tiền 500 ngàn đồng mỗi tháng của đơn vị đã giúp Thủy đủ đầy hơn tiền sinh hoạt phí suốt 3 năm học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quảng Bình, để giờ đây, em đã tới được nơi mình mong muốn - đến tỉnh Bình Dương làm việc.

Năm 2018, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, đồn Biên phòng đóng góp 10 triệu đồng và với sự giúp đỡ của họ hàng, ông Hồ Nôn đã làm được căn nhà gỗ khang trang, không còn phải lo những ngày mưa nắng. Việc quan tâm thăm hỏi, cử quân y đến chăm sóc sức khỏe, tặng quà những ngày lễ, Tết là nguồn động viên rất lớn đối với một cựu binh trọng tình cảm như ông. 

Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo có hơn 4 năm gắn bó với mảnh đất Dân Hóa. Đặc thù công việc cũng giúp anh có nhiều cơ hội để gần, hiểu và gắn bó với nhân dân trên địa bàn. Trung tá Dương Đình Hoàn cho biết: Ở Dân Hóa, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng mọi người vẫn một lòng tin theo Đảng, năm này qua năm khác, vẫn cần mẫn chuyển đổi từ lúa rẫy sang lúa nước, trồng keo, tràm để xóa đói giảm nghèo. Và cũng như bất kì người dân biên giới nào, mọi người luôn sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Với chúng tôi, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, ông Hồ Nôn còn là cựu binh Biên phòng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, thế nên việc quan tâm như trên ngoài vì trách nhiệm, còn là tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cán bộ, chiến sĩ với thế hệ đi trước.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO