Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Niềm tin vững chắc

Biên phòng - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, gần 17.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, cũng có hơn 16.000 doanh nghiệp dừng kinh doanh có thời hạn, hơn 9.300 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, hơn 5.600 doanh nghiệp không hoạt động, hơn 2.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.

8rgj_covid-19-1
Ảnh minh họa

Rõ ràng, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng, đầu tư và thương mại, làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng và suy giảm tiêu dùng. Nhiều nhóm ngành bị tổn thất tức thì như hàng không, du lịch, dịch vụ (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ... Trong đó, thiệt hại đối với ngành dệt may đã trên 1,5 tỷ USD, hàng không sụt giảm doanh thu 25.000 tỷ đồng...

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống còn 5,96% so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6,8%. Nhưng vấn đề cấp bách cần tháo gỡ hiện nay là hàng trăm doanh nghiệp ngừng hoạt động mỗi ngày trong thời gian qua, kéo theo hàng nghìn lao động mất việc làm.

Trong bối cảnh đó, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao những quyết sách kịp thời của Chính phủ để “giải cứu” doanh nghiệp và người lao động. Đáng chú ý nhất là gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; 30 nghìn tỷ đồng miễn giảm thuế và giãn nợ 4.500 tỷ đồng tiền thuê đất cho doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid- 19. Cùng đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng dư nợ 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185 nghìn tỷ đồng.

Với quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội, nhiều chính sách thiết thực tháo gỡ khó khăn cho người lao động đang được tích cực triển khai. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19. Bộ này còn đề xuất doanh nghiệp và lao động ngừng việc, không tham gia sản xuất sẽ được tạm dừng, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12-2020. 

Ước tính sẽ có khoảng 150-200 nghìn doanh nghiệp, 1,5 - 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm xã hội với kinh phí miễn trừ lên tới 49 nghìn tỷ đồng. 350 nghìn lao động thất nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi (bình quân 30 triệu đồng/lao động) với lãi suất 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho hộ cận nghèo vay) để ổn định cuộc sống, phục hồi lại sản xuất, kinh doanh. 

Cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19, những ngày qua, hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, để Chính phủ, các cơ quan chức năng có nguồn lực, điều kiện tăng cường đối phó với dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ sau 1 tuần phát động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, số tiền và hiện vật trị giá hơn 600 tỷ đồng đã được cộng đồng doanh nghiệp, tập thể, cá nhân ủng hộ thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cũng sau 1 tuần, tổng số tiền mà người dân ủng hộ qua tin nhắn điện thoại đạt gần 80 tỷ đồng...

Cả hệ thống chính trị của đất nước, toàn dân, toàn quân đang đồng lòng, dốc sức để đối phó với dịch bệnh. Đó là những lý do, cơ sở vững chắc để tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ chiến thắng và có mức thiệt hại tối thiểu do dịch Covid-19 gây ra.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO