Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Niềm tin vào thị trường minh bạch

Biên phòng - 10 tháng năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là xu hướng giảm dần qua các quý (quý I: 134,8 nghìn tỷ đồng, quý II: 122,4 nghìn tỷ đồng, quý III: 65,9 tỷ đồng) và trong tháng 10/2022 chỉ huy động được 5,8 nghìn tỷ đồng.

Giải thích hiện tượng suy thoái trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sau sai phạm của các tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trái phiếu trước niên hạn với số lượng lớn.

Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, thị trường bất động sản chững lại cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư đối với TPDN. Ngoài ra, khi tiết kiệm ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rủi ro từ TPDN bộc lộ từ con số 53,52% TPDN riêng lẻ phát hành không có tài sản đảm bảo. Trong đó, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành trái phiếu; nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8% lượng TPDN.

Thế nên, khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói trên gặp khó khăn, nhà đầu tư vội vã bán lại TPDN trước thời hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. 10 tháng của năm 2022, các tổ chức tài chính đã mua lại trước hạn 152,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình hình trên, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Qua đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sai phạm nhằm ổn định và tiếp tục phát triển thị trường TPDN.

Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn, đặc biệt là dư nợ có tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ lớn để yêu cầu các doanh nghiệp có phương án thanh toán đầy đủ trái phiếu đến hạn theo quy định của pháp luật.

Thị trường TPDN vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Các chủ thể tham gia thị trường TPDN phải tuân thủ quy định pháp luật.

Để đảm bảo doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với các nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Thiết nghĩ, để lấy lại niềm tin nhà đầu tư với thị trường TPDN, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Cùng với đó, các địa phương khẩn trương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện để doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO