Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Niềm tin từ Thượng đỉnh G7

Biên phòng - Cuối tuần qua, tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế hướng tới Vịnh Carbis, Vương quốc Anh, nơi Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh. Việc gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên sau khoảng thời gian dài không thể thực hiện điều này do dịch Covid-19 ít nhiều cho thấy, các cường quốc phần nào đã đạt được sự bình ổn nhất định.

Các nhà lãnh đạo G7, Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở vịnh Carbis, Anh. Ảnh: REUTERS

Hội nghị của Nhóm G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) được kỳ vọng là cơ hội lớn để tiếp thêm sinh lực cho toàn cầu ứng phó với hàng loạt thách thức hiện hữu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế,... Song, điểm nhấn đáng chú ý nhất tại cuộc gặp này là những chiến lược ứng phó mạnh mẽ hơn đối với dịch Covid-19, đặc biệt là cam kết chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19 và những động lực phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, các nước G7 có tiềm lực phục hồi hậu Covid-19 rất mạnh. Tuy nhiên, ông Johnson nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo G7 không được lặp lại những sai lầm trong 18 tháng “vật lộn” với đại dịch vừa qua. Đồng thời, trong quá trình phục hồi, không được phạm những sai lầm tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các thành phần xã hội. Điều quan trọng trên hết là phải đảm bảo phục hồi bình đẳng trong mọi thành phần xã hội của từng quốc gia và của toàn thế giới.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, quan điểm mà Thủ tướng Anh đưa ra cũng được xem là quan điểm chung của các nhà lãnh đạo G7, thể hiện rõ nét nhất thông qua phương hướng hỗ trợ các quốc gia nghèo trong việc ứng phó với dịch bệnh và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu Covid-19.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này phải là Hội nghị thượng đỉnh của hành động. Các quốc gia đưa ra các mục tiêu rõ ràng, cam kết cụ thể và phải thực hiện có hiệu quả nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu. Là một trong những nước đóng góp nhiều nhất trên thế giới cho Chương trình tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng tới đây, việc quốc tế hỗ trợ vắc xin sẽ tăng một cách đáng kể. Phản biện luồng dư luận chỉ trích G7 chiếm hữu vắc xin, bà Merkel khẳng định, hội nghị này sẽ là lời giải đáp thỏa đáng nhất, khẳng định rằng, G7 không chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân mình.

Cam kết hỗ trợ ít nhất 1 tỷ liều vắc xin của G7 cho các nước khó khăn là sự thể hiện rõ nét nhất cho điều này. Nổi bật trong đó, hơn một nửa là của Mỹ với 500 triệu liều, Anh cam kết 100 triệu liều, Pháp chia sẻ ít nhất 30 triệu liều... Mặt khác, Thủ tướng Anh cho biết, G7 cũng đặt ra mục tiêu 100 ngày phát triển vắc xin, phương pháp điều trị, chẩn đoán dịch bệnh trong tương lai... G7 cũng cam kết củng cố năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) như một giải pháp căn cơ để đẩy lùi dịch Covid-19 cũng như ngăn chặn bùng phát một đại dịch khác. “Mục tiêu của G7 là đảm bảo thế giới không bao giờ rơi vào tình thế bị động trước các thảm họa” - Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh.

Ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Anh cũng như các nhà lãnh đạo G7, giới phân tích khu vực chỉ ra rằng, một trong những điểm yếu khiến cuộc chiến chống dịch Covid-19 thiếu hiệu quả là sự mất cân bằng trong phân phối và tiếp cận vắc xin, thể hiện rõ nét qua sự chậm chạp của COVAX khi đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc xin cho các nước nghèo trong năm 2021 nhưng đến nay mới đạt chưa đến 82 triệu liều được vận chuyển đến 129 quốc gia.

G7 cũng đang thể hiện mình là một lực lượng tiên phong trong việc hỗ trợ các nước nghèo hơn chống lại dịch Covid-19. Từ thực tế 18 tháng đại dịch vừa qua cũng như dự báo về dịch bệnh trong tương lai cho thấy, chỉ có sự đoàn kết quốc tế thực chất mới có thể chiến thắng được “kẻ thù chung”, bảo vệ các quốc gia khác cũng là bảo vệ bản thân mình. Khi nhiều “điểm nghẽn” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cam kết của G7 ít nhiều đã tạo nên niềm hy vọngrằng, những lời hứa sẽ không chỉ trên “bàn giấy” mà sẽ thực sự được hiện thực hóa.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO