Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:10 GMT+7

Niềm tin Pù Ngùa

Biên phòng - Nhấp chén rượu ngô thơm nồng, già làng Thao Nhia Cợ, nguyên Bí thư Chi bộ đầu tiên của bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa trầm tư nhớ lại: Năm 1977, Chi bộ bản Pù Ngùa được thành lập với 5 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên ở bản Cơm sinh hoạt ghép cùng chi bộ. Trải qua hơn 40 năm, đến nay, Chi bộ bản Pù Ngùa có 30 đảng viên luôn phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, là điểm tựa niềm tin vững chắc cho dân bản. 

Bí thư, Trưởng bản Thao Chứ Pó nghiên cứu xây dựng nghị quyết của chi bộ. Ảnh: Quang Huy

Năm 1960, khi dòng suối Piềng Yến, suối Pa Hia dần vơi cạn, đất nương rẫy trở nên khô cằn, 25 hộ với 136 nhân khẩu người dân tộc Mông ở nơi đây đã di dời về chân núi Pù Ngùa (tiếp giáp với nước bạn Lào) để sinh sống. Với tập tục sống du canh, du cư từ lâu đời, hơn 10 năm sau, người dân Pù Ngùa lại rủ nhau bỏ bản đi tìm một miền đất mới.

Trước thực tế đó, có một đảng viên trẻ đã lặn lội gần nửa ngày đường đi bộ để tìm gặp chỉ huy Đồn Công an nhân dân vũ trang Pù Nhi (nay là Đồn Biên phòng Pù Nhi) nhờ giúp đỡ. Đảng viên trẻ đó chính là Thao Nhia Cợ, trước đây ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát và theo gia đình đến Pù Ngùa sinh sống từ năm 1963.

Già làng Cợ hôm nay nhớ lại: “Hồi đó, Pù Nhi chưa được tách ra từ xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tôi và đồng chí Phạm Công Hường, Đồn phó chính trị (nay là Chính trị viên) phải đi bộ hơn 10 cây số mới đến được trung tâm xã Tam Chung. Sau khi chỉ ra những nguyên nhân khiến dân bản có ý định di cư, lãnh đạo Đảng ủy xã Tam Chung cùng chúng tôi quyết định đưa ra giải pháp cuối cùng, đó là phải tiến hành thành lập ngay Chi bộ bản Pù Ngùa”.

Tháng 3-1977, Chi bộ bản Pù Ngùa chính thức được thành lập, chàng thanh niên trẻ Thao Nhia Cợ được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ bản. Bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mình, Bí thư Cợ đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Pù Nhi và cán bộ xã đến từng hộ dân trong bản để vận động bà con ở lại xây dựng đời sống mới. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP và chính quyền xã đã tuyên truyền, huy động dân bản củng cố hệ thống thủy lợi; tập trung cải tạo đất rẫy trồng ngô, sắn; khai hoang thêm đất canh tác và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây lúa nước cho dân bản. Đồng thời, triển khai các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo từng nhóm hộ. Kết quả, sau 2 năm, sản lượng lương thực và chăn nuôi của Pù Ngùa đã đạt gấp đôi so với trước. Tình trạng “no 3 tháng, đói 9 tháng” của bà con Pù Ngùa chấm dứt kể từ đó.

Trước khi chúng tôi chia tay Pù Ngùa, anh Pó chia sẻ: “Tôi được trưởng thành như ngày hôm nay, bên cạnh nhờ học hỏi nhiều điều từ bố của mình, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi. Tôi luôn nhớ lời tâm sự của anh Bùi Minh Chiến, Đồn phó chính trị (giai đoạn 1982 - 1987) rằng: “Là đảng viên thì trước hết phải tiên phong gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm; phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì bà con dân bản mới tin tưởng, quý mến. Có được niềm tin của bà con thì làm gì cũng đều thuận lợi và thành công”.

Cũng như Pù Ngùa, nhiều bản có người dân tộc Mông sinh sống ở lân cận như Cơm, Cá Tớp, Cá Nọi ngày đó đều chưa có chi bộ Đảng, thậm chí có bản chưa có đảng viên, đời sống của đồng bào hết sức khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Công an nhân dân vũ trang Pù Nhi đã quyết định cử các đồng chí cán bộ đảng viên của đơn vị vào phối hợp với Chi bộ bản Pù Ngùa triển khai rà soát, phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú đưa vào nguồn phát triển Đảng.

Sau 5 năm, có 15 quần chúng ưu tú ở Pù Ngùa và các bản lân cận đã được kết nạp Đảng. Từ đó, các đảng viên ở các bản Cơm, Cá Tớp, Cá Nọi được tách ra từ Pù Ngùa để thành lập chi bộ mới. Từ thành công này, hệ thống chính trị cơ sở các bản đã được củng cố, kiện toàn vững chắc.

Sau gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản, với những đóng góp, uy tín và năng lực đã được khẳng định, năm 1986, Bí thư Cợ được cấp trên điều động làm Trưởng Công an xã, rồi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi. Năm 2007, ông Cợ nghỉ hưu theo chế độ, khi về bản tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Tại Đại hội Chi bộ bản Pù Ngùa năm 2012, do tuổi cao, sức yếu, ông xin thôi giữ chức Bí thư và người được bầu vào vị trí này là anh Thao Chứ Pó - con trai cả của ông Cợ.

Kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Bí thư, Trưởng bản Thao Chứ Pó luôn dốc hết tâm lực, cùng với tập thể chi bộ lãnh đạo dân bản Pù Ngùa thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, được bà con dân bản tin yêu, quý mến.

Bản Pù Ngùa hiện có 225 hộ với 1.050 nhân khẩu. Tổng diện tích đất tự nhiên hơn 150ha, trong đó có gần 80ha đất canh tác. Theo báo cáo của Chi bộ bản Pù Ngùa, tổng sản lượng lương thực của bản đạt hơn 300 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Pù Ngùa giờ đây đã có điện lưới, đường nhựa vào đến tận bản, các công trình như nhà văn hóa, các điểm trường đã được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiệm kỳ vừa qua, Chi bộ bản Pù Ngùa đã bồi dưỡng, kết nạp được 3 đảng viên, chuyển đảng viên chính thức cho 4 đồng chí, giới thiệu 6 quần chúng ưu tú tham gia lớp học cảm tình Đảng.

Già làng Thao Nhia Cợ phát biểu tại một cuộc họp Chi bộ bản Pù Ngùa. Ảnh: Quang Huy

Ông Thao Văn Tho, Phó Bí thư Chi bộ bản Pù Ngùa cho biết: “Những năm qua, ở địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, nhiều hộ dân của bản mất đất canh tác do bị lũ cuốn, tỷ lệ hộ đói nghèo của bản tăng đột biến. Trước tình hình đó, năm 2018, Bí thư Chi bộ Thao Chứ Pó đã đưa ra một sáng kiến được tất cả đảng viên trong chi bộ hết sức đồng tình ủng hộ, đó là kêu gọi các hộ có nhiều đất canh tác cho các hộ thiếu đất canh tác mượn đất để sản xuất”.

Để thực hiện được chủ trương này, Bí thư, Trưởng bản Thao Chứ Pó là người tiên phong đứng ra cho gia đình bà Vàng Thị Mỵ mượn 2ha đất trồng lúa, ngô, sắn. Tiếp đó, nhiều đảng viên, quần chúng trong bản có điều kiện cũng đã tự nguyện cho các hộ nghèo mượn đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Có thể nói, đây là dấu ấn lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của Chi bộ bản Pù Ngùa nói chung và Bí thư, Trưởng bản Thao Chứ Pó nói riêng.

Quang Huy

Bình luận

ZALO