Biên phòng - Khoảng 25 năm về trước, nếu có dịp đến với 3 xã Đăk Blô, Đăk Nhoong và Đăk Long của huyện Đăk Lây, tỉnh Kon Tum, chắc không nhiều người dám đặt niềm tin về một sự phát triển. Giữa mênh mông đại ngàn, con đường Trường Sơn huyền thoại cứ len lỏi trong sự cô đơn tĩnh lặng. Làng bản cách nhau cả ngày đường, nên nhìn đâu ở đây cũng thấy mênh mông một “vùng trắng” cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hơn 1/4 thế kỷ đi qua, đã có sự đổi thay tưởng chừng như rất khó, nhưng cũng có những giá trị trở nên bất biến...

“Mối tình” miền cực Bắc
Có lẽ phải dùng cụm từ này để nói về anh - Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hội, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong. Nếu xét về quá trình công tác, sự trải nghiệm, cống hiến và đặc biệt là tình yêu dành cho buôn làng biên giới thì anh là người con đúng nghĩa của núi rừng Đăk Lây.
Năm 1988, 20 tuổi vào lính Biên phòng và gần như suốt từ đó cho đến nay, Nguyễn Văn Hội cứ lặng lẽ cống hiến cho mảnh đất thân thương nơi cực Bắc Tây Nguyên này. Sự am tường là điều chắc chắn, bởi nếu một đứa trẻ được sinh ra từ khi anh đặt chân đến thì nay đã sắp bước sang tuổi trung niên rồi.
Quãng thời gian đó biết bao cô cậu học trò vùng biên giới Đăk Lây đến với anh, nhận được “con chữ” rồi đi, giờ đã là lãnh đạo chính quyền địa phương, cán bộ Biên phòng hoặc đơn giản chỉ là người nông dân bình dị.
Hơn một thập kỷ thắp lửa vùng biên dạy chữ dưới chân núi Nồi Cơm (xã Đăk Blô), năm 2003, Nguyễn Văn Hội về với xã Đăk Long, tiếp tục “sứ mệnh” cải thiện dân sinh. Từ người lính Biên phòng đến vai trò của một Phó Chủ tịch HĐND, rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã, anh vẫn thế, “lăn lộn” với thôn làng để tìm ra kế sách sinh nhai hay chí ít là trao gửi một nụ cười cho người dân biên giới. Vùng biên có “chuyển mình” thì vai trò người lính Biên phòng mới được khẳng định, dẫu biết sự cống hiến của cá nhân anh đôi khi chỉ là hạt muối bỏ bể.
Đăk Long là một trong những địa bàn biên giới có nhiều người theo đạo Tin Lành, nên trách nhiệm của những người lính Biên phòng nói chung, Thiếu tá Nguyễn Văn Hội nói riêng là phải phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương - giáo, sống “kính chúa yêu nước, tốt đời đẹp đạo”, tất cả hướng đến mục tiêu xóa bỏ “giặc nghèo”.
Để tập hợp sức mạnh ấy, Nguyễn Văn Hội cùng cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long lúc bấy giờ tập trung tham mưu cho lãnh đạo chính quyền xã triển khai chương trình phát triển đảng viên ở những “chi bộ ghép” và thôn làng “trắng” về tổ chức cơ sở Đảng, từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống nhân dân. Hơn ai hết, người lính Biên phòng hiểu rằng, chỉ có phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mới thuyết phục được lòng người.
Câu chuyện cán bộ Biên phòng Nguyễn Văn Hội dành toàn bộ số tiền 450 ngàn đồng/tháng phụ cấp đại biểu HĐND xã để giúp gia đình A Tiến, một tín đồ Tin Lành ở làng Đăk Tu phát triển cây bời lời trong 4 năm liền thực sự là nguồn cảm hứng lan tỏa nét đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Nhờ sự sẻ chia của người lính, gia đình A Tiến thoát nghèo, nhưng giá trị còn lớn hơn thế nữa khi niềm tin của cộng đồng của cả xứ đạo Đăk Long dành cho BĐBP được khẳng định để vượt qua những “vật cản” trên con đường phát triển.
Sau 12 năm “lăn lộn” cùng đất rừng biên giới Đăk Long, Thiếu tá Nguyễn Văn Hội vẫn “thủy chung” với miền cực Bắc Tây Nguyên trong vai trò khá “khiêm tốn”, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong. Với một “người lái đò” đưa khách sang sông thì việc “quay về bến cũ” là chuyện thường tình để tiếp tục những chuyến hành trình của mình.
“Tôi yêu công việc của mình và luôn tự hào khi được làm người lính Biên phòng...” - Thiếu tá Nguyễn Văn Hội chia sẻ với chúng tôi như thế khi nói về những mô hình giúp bà con xã Đăk Nhoong mà anh cùng với đơn vị xây dựng trong 5 năm qua. Đáng kể nhất trong số đó là vườn sâm dây của 3 hộ gia đình ông A Meo, A Sanh và A Phăng ở làng Đăk Ga, mỗi năm cho thu nhập thêm từ 20-25 triệu đồng/hộ.
Từ sự định hình của người lính, cây sâm dây đã được xã Đăk Nhoong đưa vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong liên kết chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu của địa phương năm 2019. Và đây là minh chứng khẳng định kinh tế xã Đăk Nhoong đang từng bước đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, một trong những thay đổi căn cơ trong tư duy sản xuất tự cung tự cấp tồn tại từ bao đời nay của các chủ nhân nơi đất làng. Cũng xin được nhấn mạnh thêm rằng, cơ sở để Đăk Nhong phát triển bền vững như ngày hôm nay một phần là nhờ xã được Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đỡ đầu phát triển kinh tế và làng Đăk Ga được Đồn Biên phòng Đăk Nhoong trực tiếp hỗ trợ phát triển.
Những giá trị bất biến
Hơn 30 năm trong “mối tình” thủy chung của người lính Biên phòng, miền cực Bắc Tây Nguyên đã có sự đổi thay tưởng chừng như rất khó, song, cũng có những giá trị trở nên bất biến.
Sự “bất biến” dễ nhìn thấy nhất đó là tâm thế của người lính Biên phòng khi phải luôn đối diện với những “ngọn núi” cao vời vợi nhưng vẫn âm thầm chinh phục chỉ với niềm tin phía trước là ánh bình minh. Sự “bất biến” trong tình yêu và khát vọng của “người lái đò” Nguyễn Văn Hội, khi anh vẫn đi - về trên khúc sông ấy để dìu dắt các chủ nhân đất rừng biên giới hướng đến tương lai. Hơn 30 năm miệt mài đời lính, anh lại trở về bến cũ để tiếp tục công việc của mình.

Ở một “góc nhìn” rộng hơn, giá trị “bất biến” được các chủ nhân miền cực Bắc Tây Nguyên gìn giữ, nâng niu, đó là tình người. Những ngày mênh mông giữa đại ngàn biên giới, BĐBP và nhân dân kết mình dưới ánh đèn mờ cóp nhặt “con chữ”, lặn lội nơi non cao rừng sâu để tìm ánh bình minh cuộc sống. Và hôm nay, trong nhịp sống phát triển, họ vẫn quây quần bên nhau quanh nồi bánh chưng xanh ngày Tết cổ truyền dân tộc, cùng khép chặt vòng xoan, sóng sánh men rượu cần trong mùa lễ hội của làng.
Miền biên giới cực Bắc Tây Nguyên cũng là nơi sinh ra Thiếu tướng A Đe, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP (xã Đăk Blô); trẻ hơn có Thiếu tá A Thao (xã Đăk Nhoong), hiện là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Nhoong; Đại úy A Hòa, Đội trưởng Đội vận động quần chúng... Cùng với những người đồng chí, đồng đội của mình, họ đã và đang cống hiến để tạo nên những giá trị bất biến làm đẹp hơn cho quê hương mình.
Thái Kim Nga